Thứ sáu 19/04/2024 06:21 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Sinh vật diệu kỳ gắn với ngôi chùa lớn nhất thế giới

14:00 | 27/01/2020

(Xây dựng) - Quần thể khu du lịch Tam Chúc, Kim Bảng (Hà Nam), thượng đế không chỉ ban tặng cho người dân nơi đây thiên nhiên kỳ vĩ, sơn thủy hữu tình, mà còn là nơi hội tụ nhiều sinh vật kỳ bí làm mê mẩn lòng người. Điển hình như hàng trăm loài chim khoe sắc tô thêm vẻ đẹp, đặc biệt là loài cá Trối vừa trèo đèo vừa lội suối, lúc ẩn mình dưới hồ lúc leo núi kiếm sống…giúp Tam Chúc càng thêm lung linh.

sinh vat dieu ky gan voi ngoi chua lon nhat the gioi

Lung linh với những cánh chim chao liệng khi chiều về

Thời gian gần đây, nhiều loài chim quý hiếm xuất hiện chao cánh mỗi khi hoàng hôn buông xuống tại chùa Tam Chúc khiến ngôi chùa này càng lung linh, huyền ảo.

Chùa Tam Chúc không chỉ được mệnh danh là ngôi chùa lớn nhất Việt Nam, đến với chùa Tam Chúc, ta như lạc vào cõi Phật, cõi tiên với cảnh đẹp mê lòng người của một "Vịnh Hạ Long trên cạn". Không chỉ vậy, nơi đây còn lưu giữ những vẻ đẹp huyền bí với khung cảnh nên thơ trữ tình, cảnh quan thiên nhiên hoang sơ kỳ vĩ, ngút ngàn.

Đặc biệt, đến Tam Chúc, du khách sẽ được ngắm từng đàn chim muôn màu gọi nhau về trú ngụ tại hồ nước rộng mênh mông với diện tích trên 1.000 ha, “phù phép cho” Tam Chúc thêm một vẻ đẹp như cõi mộng, nơi mà những ai đặt chân đến sẽ cảm nhận được sự thuần khiết, thanh bình và yên ả đến lạ thường.

sinh vat dieu ky gan voi ngoi chua lon nhat the gioi

Tam Chúc là vùng núi đá vôi ngập nước rất độc đáo, với phong cảnh nước non hùng vĩ. Đặc biệt nơi đây vẫn còn giữ được vẻ đẹp hoang sơ, tự nhiên, sơn thủy hữu tình. Từ trên cao nhìn xuống, Tam Chúc như một bức tranh thủy mặc khổng lồ với những đường nét hoàn toàn tự nhiên do tạo hóa sắp đặt. Tam Chúc còn được rất nhiều nhà phong thủy đánh giá là vùng đất địa linh nhân kiệt bởi nhiều cổ vật của một số triều đại và thế đất “tựa sơn đạp thủy”.

Hồ Tam Chúc là hồ nước ngọt tự nhiên, nằm trong số những hồ nước tự nhiên rộng nhất nước ta, với dãy núi đá vôi bao bọc quanh khu hồ. Giữa lòng hồ có 6 quả núi nhỏ nhô lên, tạo thành những hình thế kỳ vĩ. Dân gian lưu truyền sự tích 6 quả núi gọi là lục nhạc, địa thế đẹp của một vùng địa linh, có núi có hồ. Mặt sau, hậu thất tinh nghĩa là đằng sau có 7 ngọn núi có thể phát sáng khi có ánh trăng về đêm.

Có lẽ, chính vì vậy mà nơi đây luôn mang đến những điều đặc biệt. Trong tiết trời se se lạnh của tiết trời chuyển giao giữa hai thu và đông, sẽ thật bỏ phí nếu như không đến Tam Chúc để thưởng thức không khí trong lành, sự khẽ khàng giao mình giữa hai mùa thu, đông và đặc biệt là khi chiêm ngưỡng những loài chim chao cánh tại đây.

Khi hoàng hôn buông xuống, hàng trăm loài chim từ khắp nơi đổ về vùng hồ Tam Chúc nghỉ ngơi sau một ngày đi kiếm ăn mệt nhọc. Không chỉ trú ngụ tại mỗi quả núi ở lòng hồ, những cánh chim còn phủ kín màu trắng trên những mô đất mấp mô giữa lòng hồ. Khi chiều về, đàn chim lên đến hàng ngàn con lại bay lượn trắng cả một vùng trên hồ Tam Chúc, tạo nên một nét đẹp hoang sơ kỳ thú mà khó nơi nào có được. Du khách đến đây vào sáng sớm lúc chim thức giấc và bay đi kiếm ăn hay khi buổi chiều về là thời điểm đàn chim tìm tổ sẽ như được hòa mình vào ngôi nhà chung lớn nhất của loài động vật này.

Bằng mắt thường chúng ta dễ dàng nhìn thấy những loài chim trú ngụ nơi đây như, sếu đầu đỏ, le le, hạc, cá Trối… Tam Chúc còn cuốn hút du khách bởi đường đi vòng quanh hồ để ngắm các loài chim luôn được dọn dẹp sạch sẽ. Hai bên đường, mùi thơm ngọt của hoa rừng nở rộ tạo nên nét thơ mộng, duyên dáng, lãng mạn của làng quê Bắc bộ hoà mình với núi đồi.

Loài cá lúc leo núi, lúc ẩn mình dưới hồ

Theo chân hướng dẫn viên Nguyễn Thuý Đạt, chúng tôi được thả mình trong không gian tĩnh mịch và được hướng dẫn cách “săn” loài cá Trối “sát thủ”. Chị Đạt mô tả, loài cá Trối đầu hơi dẹp giống đầu cá trê, có hai ngạnh, thân có vẩy lại giống cá quả, khi gặp mưa rào nó di chuyển ngược theo dòng nước. Và mùa mưa, loài cá này di chuyển lên núi ăn rong rêu và các loài phù du.

sinh vat dieu ky gan voi ngoi chua lon nhat the gioi

Cá Trối có thể sinh sống ở các vũng nước đọng, thậm chí sống vài tháng ở điều kiện nước khô cạn. Khi xuống hồ, loài cá này thích bơi theo đàn từ 3 - 5 con. Chúng cắn đuôi nhau bơi thành vòng tròn. Cá chỉ sinh sản trong môi trường tự nhiên.

Trong khi đó, người dân địa phương mô tả, một con cá Trối có thể di chuyển trên đất khô cạn, trèo cây và bóp nghẹt cổ chim cũng như những con cá khác khi chúng bị “săn bắt”. Chúng ta có thể liên tưởng loài Trối này chỉ tồn tại trong các bộ phim kinh dị viễn tưởng như Công viên Kỷ JURA. Tuy nhiên, một loài cá như vậy đã tồn tại nhiều thập kỷ ở Tam Chúc.

Và cụ thể, cách đây chừng vài thập kỷ, người dân Ba Sao, Kim Bảng đi rừng thường xuyên bắt gặp loài cá này. Và họ thay vì xuống lòng hồ câu cá, bẫy cá, thì lại lên các sườn núi để “săn bắt” loài cá này.

Kinh nghiệm của người dân địa phương cho thấy, loài cá Trối được mệnh danh là sát thủ vì khả năng bóp nghẹt những cổ chim cũng như những con cá khác khi bị “săn bắt”. Sau khi bị các con vật săn mồi nuốt chửng, cá Trối sát thủ sẽ dùng các mang của mình chẹn cứng cổ họng của chúng.

Chính vì, "tài năng" đặc biệt của loài cá này là chúng có thể sống sót nhiều ngày thậm chí nhiều tháng trên cạn, do có cơ quan hít thở không khí. Trong những thời điểm khô hạn hơn, chúng sẽ đào sâu xuống dưới hồ Tam Chúc để sinh tồn.

Cá Trối sát thủ sở hữu cơ thể có màu cam nâu nhợt nhạt hoặc màu nâu hơi lục sẫm với các vết sẫm màu điểm xuyết trên thân. Loài cá này thường có kích thước cơ thể khoảng 15 - 25 cm, nhưng có thể phát triển tới 30 cm. Theo quan sát của chúng tôi và các hướng dẫn viên du lịch ở khu du lịch Tam Chúc, cá Trối sát thủ có thể di chuyển đây đó trên cạn bằng các vây ngực và chúng thậm chí còn biết leo trèo cây.

Một số nhà khoa học ở Hà Nam cho rằng, cá Trối sát thủ có thể uốn cong các mang và làm chẹn cứng cổ họng của chim và cá, khiến những con vật này bị chết khi ăn thịt chúng. Chúng tôi chỉ tìm thấy chúng chủ yếu ở trên dãy núi bao bọc quanh hồ Tam Chúc.

Trao đổi với PV, ông Đặng Đình Thoảng - Giám đốc Sở KH&CN Hà Nam cho biết, cá Trối là một loài cá quý hiếm, đặc hữu có tại đầm Tam Chúc, nằm ở vị trí giáp ranh giữa thị trấn Ba Sao và xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, Hà Nam. Chính vì thế, năm 2011, thông qua việc thực hiện dự án "Nghiên cứu bảo tồn, ứng dụng và phát triển loài cá Trối tại thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam", loài cá Trối quý hiếm của địa phương đã được bảo tồn và phát triển thành công.

Cá Trối có hình dáng bên ngoài giống cá quả, không có vây bụng. Gốc vây đuôi của cá Trối có đốm tròn đen với vành trắng bao quanh như hình con mắt, đầu dẹp bằng, đỉnh đầu rộng và bằng thuôn về hai phía.

Cá Trối có màu xanh hoặc xám hồng, phần lưng thẫm hơn, bụng trắng nhạt; có những con có nhiều hạt đốm trắng, vàng nhỏ phân bố dọc theo thân từ mang xuống đuôi. Không những có hình dáng, màu sắc đẹp, thịt cá Trối còn rất thơm, ngọt và không có xương dăm.

Do môi trường sống thay đổi và bị khai thác bừa bãi nên nguồn cá Trối trong tự nhiên đã bị cạn kiệt. Đến nay, đơn vị đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu và nội dung đề ra trong dự án như điều tra nghiên cứu hiện trạng nguồn lợi, vùng phân bố tại đầm Tam Chúc, thị trấn Ba Sao và xác định được tên loài trong hệ thống phân loại cá Trối Hà Nam.

Sau này, khi du lịch Hà Nam phát triển sẽ đưa món cá này thành đặc sản của địa phương ông Thoảng nói.

Giám đốc Sở KH&CN Hà Nam cũng cho biết, sau 5 năm thực hiện, thành công lớn nhất của dự án là đã thực hiện được phương pháp sinh sản nhân tạo giống cá Trối, yếu tố quyết định đến việc bảo tồn nguồn giống; đồng thời xác định được vùng phân bố của cá Trối trú ngụ chủ yếu trong khe đá, nước sạch, trong.

Đặc biệt qua các xét nghiệm, phân tích, nghiên cứu, có thể công bố tên loài cá đặc hữu thuộc vùng núi huyện Kim Bảng (cá Trối Hà Nam - tên khoa học là Channa hanamensis). Không những có giá trị về mặt khoa học, cá Trối còn là loài đặc sản cho giá trị kinh tế cao. Nếu được đầu tư hợp lý, cá Trối sẽ mang lại nguồn thu nhập lớn cho người nuôi.

Khi hoàn thiện sẽ trở thành ngôi chùa lớn nhất thế giới

Chùa Tam Chúc hay còn được gọi là quần thể khu du lịch Tam Chúc là một khu du lịch tâm linh hấp dẫn tại Việt Nam. Chùa Tam Chúc cũng chính là ngôi chùa được mệnh danh là lớn nhất thế giới. Hà Nam là một tỉnh của Việt Nam luôn được mọi người biết đến là một mảnh đất yên bình, chân chất. Người dân Hà Nam luôn hiền hòa và cực kỳ mến khách. Dù du lịch Hà Nam không phát triển như nhiều tỉnh thành khác tại Việt Nam nhưng mỗi năm vẫn có rất đông du khách đến với mảnh đất này.

sinh vat dieu ky gan voi ngoi chua lon nhat the gioi

Trong thời gian gần đây, Hà Nam càng trở nên hấp dẫn nhờ vào khu du lịch chùa Tam Chúc.

Chùa Ngọc hay còn gọi là Đàn Tế Trời là một trong những hạng mục chính của chùa Tam Chúc. Chùa Ngọc được xây dựng trên đỉnh ngọn núi Thất Tinh. Để lên được chùa thì du khách sẽ phải leo khoảng 200 bậc thang làm bằng đá thì mới đến nơi. Trong chùa hiện đang đặt 3 bức tượng Phật được làm hoàn toàn từ đá granite nhập khẩu từ Ấn Độ về cùng với một pho tượng Phật được làm bằng ngọc vô cùng quý hiếm.

Điện Tam Bảo, ngay sau khi bước chân vào cổng chùa Tam Chúc thì điện Tam Bảo sẽ là công trình đầu tiên mà chúng ta nhìn thấy. Điện Tam Bảo có diện tích rất lớn lên đến 5.100 m2 và có thể chứa được cùng một lúc khoảng 5.000 người. Bên trong điện có 3 bức tượng Phật được làm bằng đồng. Mỗi bức có trọng lượng lên đến 80 tấn. Phía sau mỗi bức tượng Phật là một cánh sen dát vàng.

Điện thờ Pháp chủ Thích Ca Mâu Ni, bên trong khu vực này có đặt một bức tượng Phật khổng lồ nặng 200 tấn. Đây cũng là bức tượng Phật lớn nhất tại Đông Nam Á tính đến thời điểm hiện tại.

Vườn Kinh, tại vườn Kinh người ta đặt 99 chiếc cột được làm bằng đá. Mỗi chiếc cột tại đây có trọng lượng lên tới 200 tấn và cao 13,5 m. Trên mỗi cột kinh lại được khắc những bài kinh để du khách đến đây tham quan có thể vừa ngắm nhìn, vừa tụng kinh cầu nguyện.

Đình Tam Chúc là khu vực thờ hoàng hậu nhà Đinh có tên Dương Thị Nguyệt. Theo tương truyền trước kia trong cuộc chiến dẹp loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh đã đến đây để chiêu mộ binh mã. Khi thắng trận và lên ngôi hoàng đế, nhà vua đã ra lệnh cho xây đền thờ tại đây.

Chùa Tam Chúc không chỉ là niềm tự hào của những người dân Hà Nam mà còn là niềm tự hào của cả đất nước Việt Nam. Nếu như bạn muốn được du lịch tại một trong những khu du lịch tâm linh lớn nhất thế giới thì hãy đến với chùa Tam Chúc tại Hà Nam.

H.Go Go

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load