Thứ năm 28/03/2024 17:33 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Siết tín dụng vào bất động sản: Doanh nghiệp “tắc thở” người có nhu cầu khó mua được nhà, hệ lụy khó lường

17:23 | 07/06/2022

(Xây dựng) – Nhiều ý kiến cho rằng, nếu siết tín dụng vào thị trường bất động sản sẽ tác động mạnh tới thị trường, sẽ làm nhiều người khó có cơ hội mua nhà để ở, thậm chí, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản sẽ “tắc thở”.

siet tin dung vao bat dong san doanh nghiep tac tho nguoi co nhu cau kho mua duoc nha he luy kho luong
Theo nhiều chuyên gia, việc siết tín dụng vào thị trường bất động sản sẽ để lại nhiều hệ lụy

Kiểm soát để hạn chế rủi ro nhưng phải tạo cơ hội để bất động sản phát triển

Sáng 7/6, Báo Thanh niên cùng Viện Kinh tế Xanh đã tổ chức buổi tọa đàm “Khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản”, sự kiện có sự tham gia của nhiều chuyên gia, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại cùng doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn – Tổng Biên tập Báo Thanh niên cho biết: Tín dụng cho thị trường bất động sản là khá quan trọng, việc này xuất phát từ thực trạng giao dịch trên thị trường bất động sản đang có dấu hiệu bị ngưng trệ do dòng tín dụng bị siết đột ngột. Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi và một số đại biểu Quốc hội cũng đưa những lo ngại về việc kiểm soát tín dụng có thể tác động lên sự phục hồi kinh tế hậu Covid-19 ra nghị trường Quốc hội ngay những phiên đầu tiên của kỳ họp đang diễn ra hiện nay.

Kiểm soát chặt chẽ tín dụng để an toàn cho nền kinh tế là nhiệm vụ quan trọng. Hệ quả của tín dụng tăng trưởng nóng, cho vay dưới chuẩn dẫn đến nợ xấu hơn 1 thập kỷ trước, đến giờ vẫn chưa xử lý xong. Nhưng kiểm soát như thế nào để hạn chế được rủi ro, phải tạo cơ hội để thị trường bất động sản phát triển, đóng góp vào chương trình phục hồi kinh tế đất nước là vấn đề quan trọng.

Thực tế, không chỉ bất động sản mà tất cả các lĩnh vực kinh tế nói chung, khi Nhà nước “siết” để xử lý một bất cập cục bộ hay mang tính thời điểm thì ngay lập tức, các ngành nghề liên quan bị ngưng trệ vì hầu hết các lĩnh vực trong nền kinh tế không ít thì nhiều đều liên quan mật thiết với nhau.

siet tin dung vao bat dong san doanh nghiep tac tho nguoi co nhu cau kho mua duoc nha he luy kho luong
Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn – Tổng Biên tập Báo Thanh niên cho biết Tín dụng cho thị trường bất động sản là khá quan trọng, việc này xuất phát từ thực trạng giao dịch trên thị trường bất động sản đang có dấu hiệu bị ngưng trệ do dòng tín dụng bị siết đột ngột.

“Ngay trong đại dịch chúng ta đã chứng kiến, hàng không hắt hơi thì du lịch bệnh nặng; Cầu, đường không thông thì vận tải gặp khó. Tương tự với bất động sản. Những dự án dang dở không thể về đích, tiền của mà doanh nghiệp bỏ vào đó sẽ biến thành xà bần, sắt vụn. Dự án mới không thể khởi công sẽ khiến nguồn cung nhà ở trên thị trường thiếu hụt, giá cả tiếp tục bị đẩy lên cao, giấc mơ an cư của rất nhiều người dân ngày càng trở nên xa vời. Thiếu vắng những công trình thì hàng loạt các ngành khác như sắt, thép, nội thất, xây dựng... chắc chắn bị đình trệ”, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn cho biết.

Theo thông tin trước đó, tại Hội nghị trực tuyến triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng mới đây, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định, cơ quan quản lý tiền tệ không có chủ trương siết tín dụng bất động sản, mà là kiểm soát chặt rủi ro cho vay trong lĩnh vực này.

Gần 2 tháng, kể từ khi Ngân hàng Nhà nước phát đi công văn này tới nay, hàng loạt hồ sơ vay vốn của doanh nghiệp, người dân đã bị từ chối. Nhưng không chỉ tín dụng từ ngân hàng “tắc”, các kênh huy động vốn khác như trái phiếu doanh nghiệp đóng băng, huy động vốn trên sàn chứng khoán không khả thi do thị trường rơi vào giai đoạn sụt giảm mạnh nhất trong lịch sử.

Thị trường bất động sản chính thức tê liệt nhưng giá nhà, đất, căn hộ neo ở mức cao khi nguồn cung bị bóp nghẹt. Vì thế, khơi thông nguồn vốn, chính sách để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, từ đó ổn định thị trường, giảm rủi ro là vấn đề quan trọng, cấp thiết.

Siết thì chết

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết và cũng đặt dấu hỏi: Hơn 2 tháng qua, thị trường bất động sản náo loạn vì rất nhiều hồ sơ vay vốn của doanh nghiệp, người dân vay bị từ chối. Nếu quan điểm điều hành chính sách tín dụng vẫn phân biệt đối xử giữa các phân khúc bất động sản, những hệ lụy đã được cảnh báo là trở thành sự thật và khi đó, Ngân hàng Nhà nước có chịu trách nhiệm?

Qua đó, ông Châu cũng cho biết thị trường bất động sản hiện thiếu trầm trọng thanh khoản. Có nhiều nguyên nhân khiến những dự án không thể đưa ra thị trường, thiếu sản phẩm trong khi nhu cầu xã hội, nhu cầu của nhà đầu tư rất lớn. Khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp bất động sản hiện nay là nguồn vốn.

“Tín dụng là bệ đỡ của nền kinh tế, là mạch máu, bình ô xy, dưỡng khí của thị trường bất động sản. Không tiếp cận được nguồn vốn này, doanh nghiệp gần như ngộp thở, dẫn đến tắc thở. Người dân cũng vô cùng khó khăn”, Chủ tịch HoREA cảnh báo.

Cần có dự báo trước

TS Nguyễn Hữu Huân – Trưởng Bộ môn Tài chính Trường đại học Kinh tế cho biết, đại dịch Covid-19 được xem là nguyên nhân chính làm bùng nổ thị trường bất động sản, chứng khoán thời gian qua. Bởi những hạn chế về đi lại trong xã hội làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh không thể triển khai được liên tục, điều này dẫn đến dòng vốn đổ xô vào 2 thị trường này trong 2 năm qua.

Thị trường bất động sản nhận được sự quan tâm đến từ các nhà đầu tư trong thời gian qua, nó được đề cập từ bữa ăn sáng đến ăn trưa, người mua bán nhà đất hy vọng nó tăng lên trong tương lại. Gần như ai cũng tham gia mua miếng đất hay căn nhà, dòng vốn đổ xô vào thị trường này làm giá tăng mạnh.

Có thể đây cũng là điều mà Ngân hàng Nhà nước nhận thấy và hạn chế dòng tín dụng vào thị trường này hoàn toàn có lý do và đúng đắn. Ở đây cần làm rõ thông tin kiểm soát rủi ro chứ không phải siết hoàn toàn tín dụng. Các ngân hàng thương mại thấy nếu tiếp tục cho vay thì sợ Ngân hàng Nhà nước sẽ tìm đến nên họ “thủ” là chính và ngưng cho vay trong giai đoạn đầu, thậm chí dừng cho vay. Sau này các ngân hàng có nới lỏng một chút nhưng vẫn thật sự khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản.

Chính vì vậy, việc cho vay đúng chuẩn theo ông Huân có thể lấy ví dụ từ thị trường Mỹ. Cuộc khủng hoảng tài chính từ năm 2007 – 2008 bắt nguồn từ cho vay dưới chuẩn. Ở thời điểm đó, các ngân hàng của Mỹ sẵn sàng cho người dân vay, cả dưới chuẩn vay mua nhà, kể cả người không có công việc ổn định, ăn xin.

Thống kê bình quân mỗi người sở hữu 2 căn nhà. Ở đây, ngân hàng Mỹ định giá tài sản hình thành trong tương lai. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất lên từ từ thì những người này không trả nổi, nhất là những người vay dưới chuẩn.

Khi thị trường mất thanh khoản, ngay lập tức người vay dưới chuẩn bán tháo, làm cho giá thị trường bất động sản giảm mạnh. Dẫn đến tính thanh khoản thị trường giảm 50%.

Ngoài ra, TS Huân đề xuất chính sách của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần có tính dự báo được. Như Fed muốn tăng lãi suất thông báo trước 1 - 2 quý. Đầu năm Fed thông báo trước tăng lãi suất, doanh nghiệp dựa vào tín hiệu của Fed có kế hoạch hoạt động phát triển.

Việt Nam đưa ra chính sách có vẻ hơi gấp nên doanh nghiệp trở tay không kịp. Chẳng hạn phát hành trái phiếu và bị ngưng, tiến thoái lưỡng nan là trái phiếu cũ đến hạn nhưng không vay được nguồn vốn mới nên gây ra áp lực lớn. Chính sách cần có lộ trình và dự báo được thì doanh nghiệp hạn chế rủi ro chính sách, đưa ra hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.

Do hiểu nhầm

Theo ông Nguyễn Đình Vinh – Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank), không có văn bản nào của Ngân hàng Nhà nước là siết chặt hay hạn chế cho vay bất động sản. Đối với bản thân Vietinbank, ngày 1/6 đã có văn bản hướng dẫn các chi nhánh trong việc cho vay liên quan lĩnh vực bất động sản. Dư nợ bất động sản chiếm khoảng 20% dư nợ của ngân hàng, nợ xấu cho vay bất động sản khoảng 3% là một con số tích cực so với ngành nghề khác.

Song song đó, ông đề xuất về dài hạn, cần khơi thông nguồn vốn như trái phiếu, thu hút vốn đầu tư nước ngoài để doanh nghiệp bất động sản tiếp tục có nguồn vốn phát triển dài hạn. Về phía ngân hàng, thị trường bất động sản càng minh bạch thì ngân hàng càng yên tâm cho vay.

Mạnh Cường

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load