Các công trình thủy hiện phải thực hiện nghiêm các quy định về vận hành liên hồ, đơn hồ, đầu tư các trạm quan trắc trên hồ đập để vận hành an toàn hồ đập mà vẫn bảo đảm hiệu quả hoạt động của nhà máy.
Đập thuỷ điện Đăk Mi 4 (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) xả lũ. Ảnh: VGP/Minh Trang
Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng tại Hội nghị Quản lý, vận hành đập thủy điện và phòng chống thiên tai tổ chức tại TP. Đà Nẵng, ngày 7/6.
Bảo đảm tuân thủ quy định tại các hồ đập thủy điện
Theo Bộ Công Thương, thống kê đến tháng 5/2018, cả nước có 385 nhà máy thủy điện đang vận hành, các hồ đập thủy điện có tổng dung tích khoảng 56 tỷ m3 nước, chiếm 86% tổng dung tích hồ chứa trên cả nước.
Ông Tô Xuân Bảo, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, cho biết để bảo đảm an toàn hồ đập thủy điện, cùng với các bộ, ngành, địa phương, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc thực hiện cảnh báo, vận hành hồ chứa và nhà máy thủy điện… Đồng thời, tiến hành thanh tra, kiểm tra công tác tuân thủ các quy định tại các hồ đập thủy điện. Nhờ đó, công tác quản lý an toàn đập đã đi vào nề nếp, có những chuyển biến tích cực so với trước đây.
Theo ông Tô Xuân Bảo, đến nay, 278/278 đập, hồ chứa thủy điện có dung tích từ 50.000 m3 trở lên hoặc đập có chiều cao từ 5m trở lên trên địa bàn cả nước đã được chủ đập thực hiện đăng ký an toàn đập và tiến hành kiểm tra định kỳ, báo cáo hiện trạng tới cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương; 254 chủ đập trong số này đã xây dựng phương án phòng, chống lụt bão, bảo đảm an toàn đập và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Trong đó, Bộ Công Thương đã phê duyệt 80 trong tổng số 85 phương án.
Về công tác xây dựng phương án phòng, chống lũ lụt vùng hạ du đập, hiện có 222/278 đập đã hoàn thiện, được phê duyệt; 56/278 đập đang được chủ đập thực hiện và sẽ hoàn thành trong thời gian tới.
Các chủ đập cũng đã quan tâm xây dựng phương án bảo vệ đập với 251/278 đập đã hoàn thành phương án và được phê duyệt. Về quan trắc đập, có 191 đập theo thiết kế phải lắp đặt thiết bị quan trắc, hiện 191/191 đập được chủ đập lắp thiết bị, thực hiện quan trắc và xử lý số liệu theo đúng quy định.
“Siết” quy trình xả lũ
Xác định việc tuân thủ các quy định về quy trình xả lũ, an toàn xả lũ trong quá trình vận hành nhà máy thủy điện sẽ đồng thời mang lại hiệu quả cho dự án và nhiều lợi ích cho vùng hạ du, Bộ Công Thương, với vai trò đầu mối, đã chủ động và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và các địa phương triển khai một cách đồng bộ, quyết liệt.
Cụ thể, cùng với việc đề nghị các tỉnh, thành phố, các chủ đập thủy điện trên cả nước rà soát, điều chỉnh quy trình vận hành hồ chứa (QTVHHC) thủy điện, Bộ đã trực tiếp rà soát, thẩm định và phê duyệt điều chỉnh các QTVHHC thủy điện và tổ chức nhiều đoàn công tác kiểm tra, rà soát, đánh giá về công tác quản lý vận hành các công trình thủy điện trên cả nước.
Nhờ đó, hầu hết các nhà máy thủy điện, cụm nhà máy trên cùng lưu vực sông đã xây dựng và thực hiện tốt QTVHHC phù hợp với pháp luật hiện hành, thực tế và điều kiện khí tượng thủy văn, địa hình hành lang thoát lũ… Việc vận hành công trình theo QTVHHC nhìn chung đã được các chủ đập thủy điện tuân thủ về nguyên tắc xả lũ, thao tác, phương thức vận hành các cửa van đập tràn, công tác chuẩn bị phòng, chống lụt, bão và chế độ thông tin, báo cáo cho địa phương.
Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, Bộ Công Thương nhận thấy vẫn còn những tồn tại nhất định dẫn đến một số sự cố xả lũ gây mất an toàn cho hạ du.
“Nguyên nhân chủ yếu do một số chủ đập chưa phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các cơ quan chức năng của địa phương trong công tác vận hành xả lũ. Cụ thể là chưa thông báo hoặc thông báo chưa đầy đủ, kịp thời những thông tin liên quan đến xả lũ cho cơ quan chức năng của địa phương. Một số cơ quan chức năng của địa phương chưa thực hiện kịp thời việc thông báo xả lũ đến nhân dân vùng hạ du theo quy định nên người dân không nhận được hoặc nhận muộn thông tin về xả lũ nên không kịp xử lý”, ông Bảo phân tích.
Bên cạnh đó, thông tin dự báo của các đài khí tượng thủy văn khu vực và địa phương chưa kịp thời hoặc thiếu chính xác; công tác quan trắc, dự báo khí tượng thủy văn của chủ đập chưa nghiêm túc; một số địa phương chưa có quy định cụ thể về việc xác định ranh giới vùng hạ du của đập; việc xây dựng bản đồ ngập lụt... cũng là những nguyên nhân dẫn đến sự cố xả lũ thời gian qua.
Để khắc phục những hạn chế nói trên, ông Tô Xuân Bảo nhấn mạnh, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương trong lĩnh vực thủy điện; kiên quyết chỉ đạo, xử lý các trường hợp vi phạm hoặc không thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành về vận hành hồ chứa theo đúng quy định; tiếp tục xem xét điều chỉnh quy trình đơn hồ, phối hợp góp ý, đề xuất hiệu chỉnh một số nội dung của quy trình liên hồ…
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đề nghị các đơn vị cần thực hiện nghiêm túc về quản lý an toàn điện, tổ chức kiểm tra các công trình trước và sau bão để kịp thời khắc phục sự cố; các công trình thủy hiện phải thực hiện nghiêm các quy định về vận hành liên hồ, đơn hồ, đầu tư các trạm quan trắc trên hồ đập để vừa vận hành an toàn hồ đập vẫn bảo đảm hiệu quả hoạt động của nhà máy.
Đặc biệt, các đơn vị cần phối hợp với chính quyền địa phương rà soát, cảnh báo khi vận hành, xả lũ, tuyên truyền cho người dân các phòng chống, xử lý tình huống khi xả lũ, tăng cường cảnh báo cho khu vực hạ du... Đồng thời, tăng cường kiểm tra nhằm phát hiện những tồn tại để kịp thời hướng dẫn cho các chủ đập để triển khai đúng quy định của pháp luật.
Theo Minh Trang/Chinhphu.vn