(Xây dựng) - Một ngày cùng vợ - Bác sĩ Phan Thị Xuân Hương, tham quan, chiêm ngưỡng các giá trị vật thể lẫn tinh thần do Đại văn hào William Shakespeare và các thế hệ dân chúng của thành phố Stratford-upon - Avon (xưa là quy mô thị trấn) và có lẽ cả nước Anh, bao đời nay không ngừng vun đắp để trường tồn suốt 4 - 5 thế kỷ nay và chắc chắn mãi mai sau; nhà báo Lê Quang Vinh đã chụp được hàng nghìn bức ảnh quý thuộc nhiều mảng nội dung: “Thiên nhiên - cây xanh đô thị’’, “Cảnh quan kiến trúc xưa và nay’’, “Di tích lịch sử - văn hóa’’, “Đời sống - thị trường - sản vật’’; đặc biệt về “Phong tục tập quán - con người và sinh hoạt văn hóa của xã hội nước Anh hiện đại’’... Kỳ này, Báo Xây dựng trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc phóng sự ảnh “Cuộc đời và tác phẩm William Shakespeare qua các công trình kiến trúc - nghệ thuật của hậu thế trên quê hương Stratford-upon - Avon”, khá độc đáo của nhà báo Lê Quang Vinh.
Trong bài Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất, đọc tại Lễ truy điệu trọng thể Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 9 tháng 9 năm 1969, có đoạn: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch - Người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”. Tôi không ngần ngại khi mạn phép dùng câu văn này để viết mở đầu cho phóng sự ảnh của mình về William Shakespeare và thành phố Stratford-upon - Avon, quê hương của nhà đại thi hào - kịch gia lỗi lạc nhất thế giới của mọi thời đại. Đúng là dân tộc, nhân dân, non sông đất nước Stratford-upon - Avon của nước Anh trung cổ đã sinh ra Shakespeare và chính Shakespeare đã làm rạng rỡ dân tộc, nhân dân, non sông đất nước Stratford-upon - Avon và của cả Vương quốc Anh. Câu văn trên với William Shakespeare và thành phố Stratford-upon - Avon thì nó đã đúng trên 400 năm rồi, có lẽ là (chân lý) “vĩnh hằng” với (bản mới lag "cùng") nước Anh và nhân loại tiến bộ.
Hãy cùng tôi chiêm ngưỡng quần thể tượng đài William Shakespeare tọa lạc ngay trung tâm Stratford-upon - Avon, sát bến thuyền bờ sông Avon, do dân chúng thành phố này tự quyên góp tiền của xây dựng lên từ thế kỷ thứ XVII. Đây là công trình lịch sử - văn hóa - nghệ thuật “độc nhất vô nhị” ở Vương quốc Anh và có lẽ trên toàn thế giới bởi sự độc đáo của nó. Đó là chân dung - cuộc đời của nhà đại văn hào - kịch gia Shakespeare cùng tinh hoa của sự nghiệp ông để lại qua các nhân vật lừng danh trong những kiệt tác của mình được hậu thế trân trọng “cắm mốc”, vinh danh bằng một công trình nghệ thuật tổng hợp "vĩnh cửu" vừa điêu khắc, vừa bài trí - sắp đặt, vừa kiến trúc biểu trưng cho cả một thành phố, một vùng đất rộng lớn quy mô cấp vùng (hạt - như tỉnh của Việt Nam). Hạng mục quan trọng nhất là pho tượng William Shakespeare đúc bằng đồng đồ sộ, đường nét - hình khối thể hiện là một vĩ nhân, giữa thiên nhiên trời xanh mây trắng, bao la thảm cỏ cây hoa lá cùng sông nước Avon mà gần gũi, đầu trần không mũ, mình khóac áo chùng dài với y phục bên trong thuộc kiểu cách quý tộc trung cổ (đương thời); ngồi trên ghế đúc bằng đồng, dáng vóc thanh thoát, tư thế trầm tư, tay trái cầm cuốn thư (sách), tay phải cầm chiếc mũ miện thu sát thân người…Tượng được đặt trên trụ đá tròn. Xung quanh mép mặt trên trụ đá là 4 vòng “nguyệt quế” đúc đồng tinh xảo; tiếp phía dưới là bệ giữa - thân đài tượng hình “bát giác” (nhưng các cạnh không đều nhau: 4 cạnh của 4 mặt chính thì dài, 4 cạnh của 4 góc lại ngắn), sát đất là bậc bệ cuối cùng to nhất (cấu trúc giống bệ giữa), mỗi cạnh mặt chính dài phải tới 4 - 5m. Bốn mặt góc bệ giữa là hình 4 mặt nạ truyền thống, vốn hay được dùng khi công diễn trong các vở kịch của Shakespeare. Dung mạo mặt nạ hoàn toàn khác nhau, sắc thái biểu cảm qua "hỉ - nộ - ái - ố" rất đời thường. Tất cả thân, bệ tượng đài làm từ đá hoa cương, chạm khắc cầu kỳ theo motip cổ điển của thời đại Shakespeare. Mỗi mặt nạ lại được đúc họa tiết viền trang trí là những chùm lá và trái nho mềm mại, uyển chuyển rất bắt mắt (chất liệu được đúc bằng đồng).
Cách bốn góc tượng đài vài thước Tây là tượng 4 nhân vật tiêu biểu trong các vở kịch của William Shakespeare cũng bằng đồng, có kích thước cao - to gấp rưỡi người thực. Đó là Chú hề Falstaff, có nét mặt và nụ cười đôn hậu như ông Phật Di Lặc ở phương Đông. Tượng Prince Hal, nhân vật quan trọng bậc nhất trong vở “Henry IV”: Tư thế hai tay dơ cao vương miện. Tượng Hoàng tử Hamlet, tư thế ngồi khom lưng, tay trái cầm một đầu lâu, khuỷu tay kê lên gối chân phải, tay kia chống một bên thái dương, nét mặt buồn, ánh mắt nhìn thẳng chiếc hộp sọ đầy vẻ hoài nghi: “Một tên hèn trên ngai vàng sẽ đày đọa dân tộc, đám quần thần sẽ uốn lưng quì gối”. Không chỉ suy ngẫm về tội ác của vua mới, Hamlet nghĩ tới những vấn đề còn hệ trọng hơn: "Có một cái gì đó đang chuyển dịch, trật tự, kỉ cương cũ đã hoàn toàn đổi thay. Cái ác thắng thế và hoành hành khắp mọi nơi". Chàng nhận ra “cuộc đời khốn kiếp”, “thời đại đảo điên tan tác”, “thế giới là một nhà tù, mà Đan Mạch là nhà tù ghê tởm nhất”, và “Ôi, ác nghiệt thay, tôi lại sinh ra để chữa khớp xương cho thời đại”. Còn tượng nhân vật Lady Macbeth (vợ của gian thần Macbeth): Đầu đội khăn, chân trần đạp đất, váy áo chùng toàn thân, bầu ngực căng phồng, đôi mắt sắc lạnh nhìn trời, bàn tay trái nắm chặt như quả đấm của kẻ lực sĩ, bàn tay phải ôm gọn cổ tay trái như chiếc kìm của tay đô vật. Lady Macbeth trở nên quẫn trí và phát điên khi bị ám ảnh bởi cảm giác tội lỗi của mình, nữ sát thủ luôn cố gắng "rửa tay" để làm sạch những vệt máu tưởng tượng. Chồng nàng là Macbeth bị tiêu diệt bởi chúa công MacDuff. (“Mọi việc có vẻ đã trở nên ổn thỏa, nhưng thực tế lòng người sẽ sớm suy đồi và lại tự hủy diệt lần nữa do sự không ngừng đeo đuổi tham vọng quyền lực”).
Ôi chao, bốn bức tượng - mỗi hình người mỗi vẻ “như chia tấm lòng’’ (rút từ ý trong một câu Kiều của Nguyễn Du)!
Ngày nay, hậu thế (những năm đầu của thế kỷ XXI), khi chiêm ngưỡng quần thể tượng đài William Shakespeare ở Stratford-upon - Avon của tiền nhân (thế kỷ XVII), mỗi người chúng ta cảm nhận được rất rõ những điều vô cùng đặc biệt của công trình nghệ thuật này là: Hội tụ điển hình của ý thức cùng thành quả của một nền dân chủ đã khá phát triển, tuy xã hội đương thời vẫn trong lòng chế độ phong kiến. Đó là, thời điểm xây dựng và tuổi thọ công trình, cách huy động kinh phí; tài năng kiến trúc, kỹ thuật và đặc biệt mục đích xây dưng công trình: Xuất phát từ sự đồng thuận của quảng đại dân chúng về lý tưởng thẩm mỹ cùng sự tri ân những cống hiến đặc biệt xuất sắc của một nhân tài (có thực) chứ không phải do nhu cầu “tuyên truyền” nhất thời bởi những động cơ chính trị viễn vông. Do đó giá trị quần thể Tượng đài William Shakespeare ở Stratford-upon - Avon có sức sống và hấp dẫn kỳ lạ vượt qua thời gian nhiều thế hệ. Nó hoàn toàn khác xa với Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng lấy nguyên mẫu từ bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ, được xây dựng với tổng diện tích 15ha trên đỉnh núi Cấm, thôn Phú Thạnh, xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam; với kinh phí 411 tỷ đồng tiền ngân sách, đang gây bao dư luận đầy bức xúc (có quy mô, kinh phí, không gian gấp trăm lần). Càng khác xa với tượng đài mới toanh (được khởi công từ năm 2010, đến tháng 7/2014 thì hoàn thành) với chi phí 25 tỷ đồng ở thị xã Đông Triều - tỉnh Quảng Ninh, bị sét đánh vỡ chóp tượng, khối đá nặng hàng trăm kg rơi xuống đất, do không có cột thu lôi(?). Thật nực cười!
Về mảng đề tài tượng Shakespeare, tại Trung tâm lưu niệm (bảo tàng) Stratford-upon - Avon, còn trưng bày nhiều mẫu thu nhỏ từ các tượng đài ngoài trời ở khắp nước Anh của hậu thế bao đời nay xây dựng vinh danh, ghi nhớ nhà văn hào của mình, là cả một kho báu thực sự quý hiếm và độc đáo. Trong số đó, có một pho tượng tạc từ gỗ sồi rất đặc biệt, theo thời gian màu đã lên nước (tự nhiên) vàng óng như mật ong thật đẹp (màu vàng ươm như gỗ vàng tâm của Việt Nam vậy). Tôi cảm nhận về pho tượng này như là một loại “tranh lập thể” theo phong cách của họa sĩ - nhà điêu khắc Pablo Ruiz Picasso. Một bức tượng bán thân khác kích cỡ bằng người thật, chất liệu đồng, mặc áo bó sát kiểu quý tộc đương thời; bố cục cũng thật lạ qua eo bụng được thắt lại “siêu nhỏ” (sát tới tận cột sống); ở vị trí táo bạo và siêu thực này lại được đeo chiếc thắt lưng da bản to, khóa thô mập cài chắc chắn, khiến ta mường tượng đây là một “nhà quý tộc trẻ” (có lẽ tượng này là đặc tả thời thanh xuân của Shakespeare?).
Trong Trung tâm William Shakespeare còn vô số tranh chân dung và họa phẩm về các tác phẩm, nhân vật từ tác phẩm bi hài kịch của Shakespeare.
Ngay ở ngoài sân nhà riêng ông, suốt ngày (sáng, trưa, chiều, tối), luôn đông nghịt người quây quần nghe chính hậu duệ của dòng tộc Shakespeare kể chuyện và đọc thơ của thi hào.
Bên cạnh Nhà thờ Thánh ba ngôi Stratford-upon - Avon, nơi lưu giữ phần mộ ông bà William Shakespeare và gia đình con gái cả; trên một sân khấu ngoài trời và giữa bãi cỏ xanh non như thảm nhung, các nghệ sĩ của Nhà hát Hoàng gia Stratford-upon - Avon thường xuyên biểu diễn những vở kịch Shakespeare.
Du khách của nhiều nước trên thế giới và của nước Anh, khi đến thăm quê hương Stratford-upon - Avon của William Shakespeare, điều không thể không làm là cố chụp cho được hình ảnh của mình bên cạnh nhiều bức tượng của nhà văn hào cũng như vô số vật thể được gìn giữ gần như nguyên vẹn: Từ nhà riêng, cây cối, vườn tược, bàn ghế, giường ngủ đến họa phẩm về William Shakespeare và tác phẩm… để lưu giữ làm kỷ niệm.
Vợ chồng tôi không nằm ngoài mọi du khách, đã được hưởng vinh dự này và cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Xin cảm ơn các thế hệ hậu duệ của nhân dân thành phố Stratford-upon - Avon, của William Shakespeare và nước Anh sương mù…
Quần thể Tượng đài William Shakespeare và các nhân vật tiêu biểu trong các vở kịch nổi tiếng nhất của văn hào.
Tác giả Lê Quang Vinh trước Trung tâm (Nhà lưu niệm) William Shakespeare.
Họa phẩm (phông biểu trưng) trong gian chính của Trung tâm William Shakespeare.
Tượng đồng bán thân thời trẻ tuổi của William Shakespeare, với thắt lưng da nịt sát sống lưng.
Tượng Shakespeare bằng gỗ sồi, tay cầm bút lông với vẻ mặt trầm tư; bố cục, đường nét như "bức họa lập thể”.
Bức chân dung William Shakespeare với chiếc mặt nạ cách điệu độc đáo, áo cổ gấp nhiều nếp như những trang sách.
Bìa của tập sách "Những danh ngôn nổi tiếng của William Shakespeare".
Những tượng đài thu nhỏ và sách in đương thời. Trong đó có cuốn “First Folio”, là cuốn sách đầu tiên chứa đựng toàn bộ các vở kịch của Shakespeare, được in vào năm 1623. Người ta chỉ in 750 bản của cuốn sách đầu tiên này và cho tới nay chỉ 228 bản còn tồn tại. Trong số này, chỉ có 5 cuốn đang nằm trong Thư viện Anh và 82 cuốn ở Mỹ.
Chiếc áo gile của William Shakespeare, Huân huy chương Nhà Vua ban thưởng; kỷ vật và tập kịch bản được in sau 7 năm Shakespeare qua đời.
Bác sĩ Phan Thị Xuân Hương, con gái Quỳnh Dao và cháu ngoại Lily; chăm chú chiêm ngưỡng các kỷ vật trong Trung tâm William Shakespeare.
Một gia đình trẻ của Stratford-upon - Avon trước tượng đài William Shakespeare.
Nhân vật Prince Hal, hai tay dơ cao vương miện.
Chú hề Falstaff trong vở “Henry IV”: “Không phải cách tiêu phí thời gian của con mà ngay cả xã hội con đang sống cũng khiến cho ngạc nhiên… Bạn bè giao du của mày làm bẩn mắt thiên hạ…”.
Một thiếu phụ Anh đẩy xe nôi em bé trước tượng chú hề Palstaff.
Hoàng tử Hamlet: “Một tên hèn trên ngai vàng sẽ đày đọa dân tộc, đám quần thần sẽ uốn lưng quì gối”. Không chỉ suy ngẫm về tội ác của vua mới, Hamlet nung nấu nghĩ tới những vấn đề còn hệ trọng hơn: "Có một cái gì đó đang chuyển dịch. Trật tự, kỉ cương cũ đã hoàn toàn đổi thay. Cái ác thắng thế và hoành hành khắp mọi nơi. Chàng nhận ra “cuộc đời khốn kiếp”, “thời đại đảo điên tan tác”, “thế giới là một nhà tù, mà Đan Mạch là nhà tù ghê tởm nhất”; và “Ôi, ác nghiệt thay, tôi lại sinh ra để chữa khớp xương cho thời đại”!".
"Chàng hoài nghi tất cả thế gian này!".
Lady Macbeth trở nên quẫn trí và phát điên khi bị ám ảnh bởi cảm giác tội lỗi của mình, nữ sát thủ luôn cố gắng rửa tay để làm sạch những vệt máu tưởng tượng.
Họa phẩm về William Shakespeare và tác phẩm của ông trưng bày trước vườn nhà nhằm phục vụ du khách.
Du khách đang chăm chú lắng nghe người nữ hậu duệ kể chuyện và đọc thơ tiền nhân mình trong sân nhà William Shakespeare.
Trên sân khấu ngoài trời, các nghệ sĩ của "Nhà hát kịch Hoàng gia Stratford-upon - Avon" thường xuyên trình diễn các vở kịch của William Shakespeare.
Phóng sự ảnh của nhà báo Lê Quang Vinh từ quê hương William Shakespeare
Theo