(Xây dựng) - Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về việc triển khai Chương trình đầu tư xử lý chất thải rắn giai đoạn 2011-2020, Bộ Xây dựng đã tổng kết, đánh giá mô hình quản lý đầu tư, vận hành của 26 dự án xử lý chất thải rắn đã đầu tư xây dựng, làm cơ sở để đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ cho thí điểm 1 mô hình xử lý CTR ở khu vực đô thị và 1 mô hình xử lý CTR ở khu vực nông thôn.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh khảo sát một nhà máy xử lý CTR ở Hà Nội.
Nhiều công nghệ xử lý CTR
Hiện nay, trong xử lý CTR sinh hoạt, Việt Nam đang áp dụng công nghệ sản xuất phân compost, công nghệ đốt, công nghệ sản xuất phân compost kết hợp đốt, công nghệ sản xuất viên nhiên liệu. Công nghệ sản xuất phân compost là 1 trong 2 công nghệ xử lý CTR đang được sử dụng rộng rãi nhất ở Việt Nam, với 11 dự án. Một số dự án sử dụng công nghệ chế tạo trong nước như Seraphin, ASC, Betid đã hoạt động ổn định, phù hợp với trình độ quản lý, vận hành của nhân lực tại địa phương. Tuy nhiên, một số nhà máy sử dụng thiết bị của các nước: Hàn Quốc, Đức, Pháp... chưa phù hợp với điều kiện của Việt Nam. CTR sau xử lý có lượng chất thải phải chôn lấp chiếm tỷ lệ cao, chiếm khoảng 35 - 50%.
Công nghệ đốt có khả năng tiêu giảm 80% thể tích và khoảng 60% khối lượng rác thải. Các nhà máy áp dụng công nghệ này cần một bãi chôn lấp để xử lý những loại rác không thể đốt và để chôn lấp tro xỉ rác sau khi đốt. Áp dụng công nghệ đốt sẽ giúp giảm khối lượng rác thải phải đem đi chôn, nhưng lò đốt rác không thể thay thế hoàn toàn cho bãi chôn lấp. Tỷ lệ chôn lấp rác sau xử lý chiếm khoảng 25 - 30%. Đây là công nghệ đòi hỏi vốn đầu tư cao, chi phí vận hành và bảo dưỡng lớn, đặc biệt ở Việt Nam rác có độ ẩm cao...
Trong khi đó, mô hình kết hợp giữa công nghệ sản xuất phân compost với công nghệ đốt được đánh giá là công nghệ mang lại nhiều ưu điểm hơn cả, giúp thu hồi được năng lượng tái tạo và sản xuất phân compost. Đây cũng là công nghệ đang được áp dụng rộng rãi nhất ở Việt Nam, với 11 dự án. Hiện nay, nhiều dự án sử dụng công nghệ sản xuất phân compost đã được cải tiến kỹ thuật, bổ sung hệ thống lò đốt để xử lý các loại rác không tận dụng được, giúp giảm khối lượng rác thải phải chôn lấp. Công nghệ xử lý CTR thành phân compost kết hợp đốt có tỷ lệ rác chôn lấp sau xử lý thấp, từ 5 - 25%.
Đề xuất 2 dự án thí điểm
Trên cơ sở tổng kết, đánh giá mô hình quản lý đầu tư, vận hành của các dự án xử lý chất thải rắn đã đầu tư xây dựng, Bộ Xây dựng đã có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt dự án thí điểm đầu tư xây dựng cơ sở xử lý CTR đối với 2 dự án: Dự án nhà máy xử lý rác thải Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh - ở khu vực đô thị và dự án thu gom, vận chuyển và xử lý CTR sinh hoạt tại xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng - ở khu vực nông thôn.
Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác thải Tây Ninh trong suốt quá trình đánh giá tiêu chí và lựa chọn dự án triển khai thực hiện thí điểm, đã được Cty CP công nghệ môi trường Tây Ninh (chủ đầu tư) chủ động đầu tư xây dựn. Dự án có tổng vốn đầu tư là 137,7 tỷ đồng, áp dụng công nghệ sinh học, lên men hiếu khí tốc độ cao. Sản phẩm sau xử lý rác thải là phân compost. Nhà máy có công suất thiết kế 150 tấn/ngày (có thể mở rộng lên 300 tấn/ngày), nằm trên khuôn viên 10ha, trong đó có 4ha cây xanh. Đây là dự án được đánh giá phù hợp với lượng phát sinh CTR sinh hoạt đô thị loại II, III và điều kiện địa hình, thổ nhưỡng, cây trồng ở Việt Nam.
Dự án thu gom, vận chuyển và xử lý CRT sinh hoạt tại xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng (chủ đầu tư: HTX Môi trường và Dịch vụ Thương mại Thành Vinh) có công suất 5- 10 tấn/ngày, diện tích sử dụng đất: 0,2ha (cho 1 xã). Đây là dự án xử lý tổng hợp CTR sinh hoạt nông thôn theo mô hình xã hội hóa. Dự án có tổng vốn đầu tư 5,5 tỷ đồng, trong đó: 3,85 tỷ đồng hỗ trợ cho chủ đầu tư để mua sắm vật tư thiết bị, lò đốt, chi phí đào tạo và chuyển giao công nghệ, chi phí lắp đặt thí nghiệm hoàn chỉnh, chi phí vận chuyển, bảo trì, thuế và các loại chi phí khác. Còn lại 1,65 tỷ đồng để xây dựng, duy tu, quản lý vận hành và các chi phí khác.
Trong Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đề xuất các dự án thí điểm xử lý CTR được hưởng các ưu đãi về: Đất đai, thuế, hỗ trợ đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật đến chân hàng rào dự án, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển công nghệ xử lý CTR, hỗ trợ đào tạo lao động ở mức cao nhất theo các quy định hiện hành. Dự án đầu tư xây dựng cơ sở xử lý CTR đô thị được vay vốn từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam, mức vay tối đa 70% tổng mức đầu tư xây dựng của dự án, thời gian vay tối đa là 12 năm với mức lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước. Dự án đầu tư xây dựng cơ sở xử lý CTR khu vực nông thôn được Ngân sách Trung ương hỗ trợ 70% tổng mức đầu tư, 30% còn lại do địa phương bố trí, huy động từ các nguồn khác. |
Trần Đình Hà
Theo