Mới đây, ông Phạm Đức Thắp, Phó phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Hải Dương cho biết, hiện Công an tỉnh Hải Dương đang trong quá trình điều tra và tiến hành các các thủ tục pháp luật để khởi tố vụ án Công ty Tung Kuang xả thải gây ô nhiễm môi trường.
Ngày 12-7, Cục Cảnh sát môi trường, Bộ Công an đã giao cho Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hải Dương tiếp tục thu thập tài liệu, thông tin liên quan để xem xét khởi tố vụ án hình sự, điều tra làm rõ trách nhiệm các cá nhân theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, một trong những bằng chứng để đưa Công ty Tung Kuang ra khởi tố là phải đánh giá được mức thiệt hại mà Tung Kuang đã gây ra. Ông Thắp cho biết, để đánh giá mức thiệt hại cần phải có sự tham gia của nhiều cơ quan chức năng, mà hiện tại điều này chưa làm được.
Ông Nguyễn Hữu Lộc, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Hải Dương cũng cho biết, địa phương chưa tổ chức giám định thiệt hại do nước thải trái phép của Chi nhánh Công ty Cổ phần Công nghiệp Tung Kuang gây ra hai năm qua trên sông Cầu Ghẽ.
Theo các chuyên gia hóa học, việc giám định thiệt hại do Tung Kuang gây ra trên sông Cầu Giẽ khó hơn rất nhiều so với việc giám định thiệt hại gây ra trên sông Thị Vải trong vụ Vedan trước đây, do nước thải của Tung Kuang chủ yếu chứa thành phần hóa chất vô cơ độc hại, không phải thành phần hữu cơ như đối với Công ty Vedan.
Thành phần chính trong nước thải chưa qua xử lý của Vedan là hữu cơ, có thể gây ngộ độc lập tức cho thủy sinh vật trên sông Thị Vải, làm mất oxy trong nước, khiến thủy sinh vật chết ngạt, vì thế, ngộ độc chất thải hữu cơ của Vedan có thể cảm nhận được ngay, nhìn thấy ngay. Còn thành phần vô cơ trong nước thải chưa qua xử lý tại Công ty Tung Kuang được xác định chủ yếu là các ion crom (Cr) có thể kết tủa và lắng xuống bùn, gây nhiễm độc cho sinh vật đáy trên sông Cầu Ghẽ như cua, ốc, lươn, gây ảnh hưởng lâu dài và rất khó lường.
Trong một diễn biến khác, lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Hải Dương, cho biết, rất có thể Tung Kuang sẽ được tháo dỡ niêm phong trong thời gian tới, nhưng doanh nghiệp này vẫn phải chịu trách nhiệm trước những gì gây ra trong thời gian qua.
Theo ông Nguyễn Hữu Lộc, đến thời điểm hiện tại, mọi hoạt động sản xuất của Công ty Tung Kuang vẫn bị niêm phong, dừng sản xuất. Nhưng trong quá trình thu thập chứng cứ để xử lý, Tung Kuang có đầu tư thêm hệ thống xử lý nước thải sục ozon xử lý triệt để thu hồi nước tuần hoàn và cam kết không xả thải ra môi trường.
Ông Nguyễn Đình Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Hải Dương cho biết, ngày 13-8, UBND tỉnh đã có quyết định thành lập hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) bổ sung cho toàn bộ hệ thống xử lý nước thải và bộ phận sơn tĩnh điện của Tung Kuang. Tỉnh Hải Dương cũng đã thành lập đoàn công tác tiến hành kiểm tra nghiệm thu đánh giá hiệu quả xử lý của toàn bộ hệ thống xử lý nước thải đã xây dựng và sẽ công bố kết quả trong thời gian tới.
Lê Hoàng
Theo baoxaydung.com.vn