Mới đây, Cục Hạ tầng Kỹ thuật đã phối hợp với Chương trình Quản lý nước thải và chất thải rắn tại các tỉnh lỵ Việt Nam tổ chức buổi họp Báo cáo kết quả thực hiện giai đoạn 2 và thông báo về chương trình hoạt động giai đoạn 3 (tháng 8/2011 - 7/2014).
Chương trình Quản lý nước thải và chất thải rắn tại các tỉnh lỵ Việt Nam gồm 3 giai đoạn với mục tiêu cải thiện các điều kiện vệ sinh tiêu thoát nước bền vững và quản lý chất thải rắn. Trong đó, hợp phần 1 nhằm tăng cường năng lực cho Bộ Xây dựng; hợp phần 2 tăng cường năng lực quản lý nước thải; và hợp phần 3 nhằm tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn.
Theo TS Nguyễn Hồng Tiến - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, trong giai đoạn 2, Chương trình đã tập trung vào các vấn đề quản lý tài chính; quản lý tài sản; quản lý nguồn nhân lực; quản lý quan hệ khách hàng và nâng cao nhận thức, phát triển thể chế và tổ chức, xử lý nước thải phi tập trung. Chương trình đã xây dựng Nghị định 88/2007/NĐ-CP về thoát nước đô thị và KCN để Bộ Xây dựng trình Thủ tướng ban hành; ban hành Thông tư 09; triển khai hệ thống giám sát ngành nước và chất thải rắn; phí thoát nước...
Đồng thời, Chương trình đã xây dựng cơ sở dữ liệu về cấp thoát nước và chất thải rắn cho 63 đô thị, giúp cho địa phương xây dựng dự thảo nội dung quy định về quản lý nước thải. Đến nay 6 địa phương nằm trong dự án đã xây dựng được lộ trình quản lý. Đặc biệt, thông qua việc triển khai dự án, Sóc Trăng đã trở thành tỉnh đầu tiên thực hiện việc thu phí thoát nước. Tuy nhiên, việc thu phí cũng mới tính đến chi phí vận hành chứ chưa tính đến chi phí khấu hao, trên cơ sở ngân sách hỗ trợ một phần. Phí thoát nước sẽ từng bước điều chỉnh theo lộ trình 2 năm/lần, tiến tới việc tính chi phí khấu hao. Phí thoát nước sẽ được điều chỉnh tăng hoặc giảm tùy theo chi phí.
Ông Tiến cho biết, trong quá trình triển khai Nghị định 88 cho thấy còn tồn tại những bất cập cần sửa đổi bổ sung để phù hợp với giai đoạn tới. Vì vậy, Chương trình đang hỗ trợ cho Bộ Xây dựng tổng kết đánh giá về Nghị định 88 trình Chính phủ vào tháng 12/2012 để sửa đổi, bổ sung Nghị định.
Phát biểu tại Hội nghị, các nhà quản lý và các đối tác đánh giá cao kết quả của dự án. Theo ông Phạm Khánh Toàn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế: Dự án đã đi từ hoạt động vĩ mô đến vi mô, đầu tư đồng bộ giữa hỗ trợ tài chính và kỹ thuật, được tiến hành một cách minh bạch, công khai, khác với nhiều dự án ODA thực hiện rất khép kín.
Còn đại diện Vụ Kết cấu hạ tầng (Bộ KH&ĐT) thì cho rằng nên nhân rộng các mô hình hiệu quả, như việc thu phí thoát nước thải ở Sóc Trăng; Xây dựng cơ sở dữ liệu về thoát nước; Nâng cao năng lực cho các Cty thoát nước… Muốn thực hiện tốt giai đoạn 3 thì phải đánh giá tốt những thuận lợi và bất cập trong việc triển khai giai đoạn 3; nên có định lượng hóa về số liệu…
Cũng tại Hội nghị, ông Hanns-Bernd Kuchta - Giám đốc Chương trình đã thông báo về việc triển khai giai đoạn 3. Ba tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Lạng Sơn sẽ được đưa vào giai đoạn 3 để áp dụng mô hình xử lý nước thải phi tập trung.
Ông Kuchta cho rằng, Nghị định 88 là cơ sở để các Cty xử lý nước thải có thể hoạt động, nên trong giai đoạn 3 dự án sẽ tiếp tục tập huấn cho các cán bộ, lãnh đạo tỉnh. Nhưng việc xử lý nước thải phi tập trung không phải là giải pháp duy nhất. Làm thế nào để có thể nâng cao nhận thức về việc xử lý nước thải phi tập trung. Đồng thời cũng cần xem xét đến việc biến đổi khí hậu ở Việt Nam liên quan đến vấn đề xử lý nước thải
Ông Tiến cho biết: Chúng tôi sẽ cùng các tổ chức kế thừa, cùng phối hợp để xây dựng một bộ cơ sở dữ liệu hoàn thiện hơn, xây dựng được một Nghị định khả thi, đi vào cuộc sống. Hiện mới chỉ là những nội dung ban đầu. Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu sẽ bổ sung đầy đủ trong văn kiện dự án để trình Chính phủ phê duyệt.
Phạm Bùi
Theo baoxaydung.com.vn