(Xây dựng) - Ngày 22/11, tại Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), diễn ra phiên đấu giá cổ phần Vinaconex (VCG) của Tổng Cty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel). Qua 2 phiên đấu giá, SCIC bán thành công 254,9 triệu cổ phần Vinaconex thu về 7.367 tỷ đồng trong khi Viettel bán thành công 94 triệu cổ phần, thu về hơn 2.000 tỷ đồng.
SCIC bán thành công 254,9 triệu cổ phần Vinaconex thu về 7.367 tỷ đồng.
Cụ thể, số lượng cổ phần được SCIC đưa ra đấu giá là 254.901.153 cổ phần VCG (57,71%). Có 3 nhà đầu tư đã đăng ký mua trọn lô cổ phần với mức giá lần lượt là 21.300 đồng/cp; 22.300 đồng/cp và 28.900 đồng/cp. Kết quả, nhà đầu tư đặt mua trọn lô cổ phần với giá cao nhất 28.900 đồng/cp đã đấu giá thành công. Tại mức giá này, nhà đầu tư đã phải bỏ ra 7.367 tỷ đồng, cao hơn so với giá khởi điểm SCIC công bố.
Năm ngoái, SCIC cũng từng chào bán 96,2 triệu cổ phần Vinaconex, tương đương 22% vốn của Tổng Cty này nhưng kết quả chỉ bán được 5,3 triệu cổ phần, tương đương 1,2% vốn điều lệ.
Lý giải về mức giá khởi điểm được đưa ra là 21.300đ/cp, ông Nguyễn Chí Thành - Phó Tổng Giám đốc và phụ trách Ban Giám đốc SCIC cho biết: Giá SCIC đưa ra 21.300 là tuân thủ theo theo quy định của Việt Nam, căn cứ vào giá trị doanh nghiệp và căn cứ giá thị trường 30 phiên giao dịch gần nhất. Vì vậy chúng tôi tự tin đưa ra mức giá khởi điểm này.
Phiên đấu giá thành công của Viettel thu về hơn 2000 tỷ đồng.
Trong khi đó, Viettel đấu giá thành công trọn lô 94 triệu cổ phần VCG, tương đương 21,28%, thu về hơn 2.002,4 tỷ đồng.
Chia sẻ sau phiên đấu giá, ông Đỗ Trọng Quỳnh – Tổng Giám đốc Tổng Cty Vinaconex nhận định, sự kiện hôm nay đối với Vinaconex rất đặc biệt, đánh dấu sự chuyển đổi từ doanh nghiệp có vốn Nhà nước sang doanh nghiệp có vốn ngoài nhà nước. Từ khi Vinaconex thành lập, sau 30 năm đã đóng góp cho Nhà nước với giá cổ phiếu giao dịch thành công lên đến hơn 9 nghìn tỷ đồng.
“Cán bộ công nhân viên Vinaconex đã sẵn sàng cho quá trình tái cấu trúc từ lâu và mong muốn nhà đầu tư mới xây dựng doanh nghiệp giữ vững đà phát triển và thương hiệu Vinaconex, đồng thời, đảm bảo công việc và quyền lợi cho cán bộ công nhân viên”, ông Quỳnh chia sẻ.
Trước thông tin cho rằng, sở dĩ cổ phiếu Vinaconex đắt khách là do đơn vị sở hữu nhiều đất vàng tại Hà Nội và các địa phương trên cả nước, ông Đỗ Trọng Quỳnh cho rằng, tài sản về đất chỉ là một phần, vì Vinaconex vẫn là một thương hiệu uy tín, công tác đầu tư xây lắp rất hiệu quả… khiến nhà đầu tư, bạn hàng tin tưởng.
Ngọc Hà
Theo