Thứ ba 10/09/2024 05:53 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Sáp nhập doanh nghiệp, thay đổi khoản vay nước ngoài thế nào?

08:25 | 13/10/2019

Qua Hệ thống Tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Công ty Luật TNHH ACS Legal Việt Nam đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn về việc đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài trong trường hợp sáp nhập doanh nghiệp.


Ảnh minh hoạ

Công ty Luật TNHH ACS Legal Việt Nam được đăng ký và hoạt động theo pháp luật Việt Nam. Khách hàng của Công ty là một tập đoàn, gồm nhiều công ty có 100% vốn đầu tư nước ngoài được thành lập tại Việt Nam. Các công ty này có những khoản vay nước ngoài trung, dài hạn đã đăng ký với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TP. Hà Nội và TPHCM.

Hiện tại, khách hàng của Công ty dự kiến sáp nhập tất cả các công ty nói trên với nhau để thuận lợi hơn trong việc quản lý và vận hành doanh nghiệp.

Công ty Luật TNHH ACS Legal Việt Nam đề nghị được hướng dẫn về việc đăng ký thay đổi các khoản vay nước ngoài trong trường hợp sáp nhập doanh nghiệp như sau:

Thứ nhất, về đối tượng thực hiện đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài. Theo quy định pháp luật về doanh nghiệp, “sáp nhập” là việc một hoặc một số công ty (“công ty bị sáp nhập”) có thể sáp nhập vào một công ty khác (“công ty nhận sáp nhập”) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập. Sau khi hoàn thành thủ tục sáp nhập, công ty bị sáp nhập chấm dứt tồn tại, công ty nhận sáp nhập được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị sáp nhập.

Công ty hiểu rằng sau khi hoàn tất thủ tục sáp nhập, toàn bộ nghĩa vụ của các công ty bị sáp nhập, trong đó có nghĩa vụ liên quan đến khoản vay nước ngoài, sẽ được tiếp nhận bởi công ty nhận sáp nhập.

Theo Khoản 1, Điều 15 Thông tư 03/2016/TT-NHNN hướng dẫn một số nội dung về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp thì: “… trường hợp thay đổi bất kỳ nội dung nào liên quan đến khoản vay được nêu tại văn bản xác nhận đăng ký khoản vay nước ngoài của Ngân hàng Nhà nước (theo mẫu tại Phụ lục số 02 kèm theo Thông tư này), bên đi vay có trách nhiệm thực hiện đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài với Ngân hàng Nhà nước theo quy định tại Thông tư này”.

Trên thực tế, mặc dù các công ty bị sáp nhập là bên đi vay có thông tin được đăng ký trong các bộ hồ sơ đăng ký khoản vay đã nộp cũng như được ghi nhận trong các văn bản xác nhận đăng ký khoản vay nước ngoài của Ngân hàng Nhà nước đối với các khoản vay đó. Tuy nhiên, sau khi hoàn tất thủ tục sáp nhập thì các công ty bị sáp nhập đã chấm dứt tồn tại như đề cập trên.

Do vậy, căn cứ các quy định nêu trên, Công ty hiểu rằng công ty nhận sáp nhập sẽ được xem là “bên đi vay” sau khi kế thừa nghĩa vụ của các công ty bị sáp nhập và sẽ có trách nhiệm đăng ký thay đổi các nội dung liên quan đến khoản vay nếu phát sinh (ví dụ: Thay đổi thông tin và tài khoản ngân hàng của bên đi vay).

Mặc dù vậy, cách hiểu trên của Công ty chưa được thể hiện cụ thể trong các quy định của pháp luật về sáp nhập doanh nghiệp lẫn quy định về đăng ký khoản vay nước ngoài.

Công ty Luật TNHH ACS Legal Việt Nam hỏi, cách hiểu này của Công ty có phù hợp với các quy định của pháp luật không? Việc công ty nhận sáp nhập thực hiện đăng ký thay đổi các khoản vay nước ngoài của các công ty bị sáp nhập có phù hợp với quy định của pháp luật hay không?

Thứ hai, về nội dung đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài và tài liệu phải cung cấp. Công ty nhận thấy rằng hồ sơ pháp lý liên quan đến việc sử dụng vốn vay (các giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của các dự án sử dụng vốn vay) sẽ bị thay đổi sau thủ tục sáp nhập.

Tuy nhiên, theo dự kiến, việc thay đổi này sẽ chỉ liên quan đến thay đổi nhà đầu tư của dự án, cụ thể, nhà đầu tư sẽ chuyển từ công ty bị sáp nhập sang công ty nhận sáp nhập. Các thông tin còn lại, bao gồm thông tin về vốn đầu tư (trong đó có vốn góp và vốn vay), sẽ được giữ nguyên.

Như vậy, trong trường hợp hạn mức vốn vay không thay đổi, Công ty có phải cung cấp các giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh của các dự án sử dụng vốn vay hay bất kỳ tài liệu nào khác chứng minh mục đích vay trong bộ hồ sơ đăng ký thay đổi khoản vay không?

Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có ý kiến như sau:

Khoản 1, Điều 15 Thông tư số 03/2016/TT-NHNN hướng dẫn một số nội dung về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp quy định các trường hợp phải đăng ký thay đổi khoản vay:

“1. Trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này, trường hợp thay đổi bất kỳ nội dung nào liên quan đến khoản vay được nêu tại văn bản xác nhận đăng ký khoản vay nước ngoài của Ngân hàng Nhà nước (theo mẫu tại Phụ lục số 02 kèm theo Thông tư này), bên đi vay có trách nhiệm thực hiện đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài với Ngân hàng Nhà nước theo quy định tại Thông tư này”.

Điều 12 Thông tư số 03/2016/TT-NHNN quy định đối tượng thực hiện đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay là bên đi vay.

Trường hợp thay đổi bất kỳ nội dung nào được nêu tại văn bản xác nhận đăng ký, xác nhận đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài của Ngân hàng Nhà nước, bên đi vay (bao gồm cả bên nhận sáp nhập thừa kế quyền và nghĩa vụ của bên bị sáp nhập) gửi hồ sơ đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài đến Ngân hàng Nhà nước theo các quy định có liên quan tại Thông tư số 03/2016/TT-NHNN.

Theo Chinhphu.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load