Trong thời gian gần đây, tại Hà Nội, TP.HCM và một số TP khác đã xảy ra một số sự cố sập đổ công trình gây thiệt hại về người và vật chất, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều hộ dân. Để hạn chế hậu quả do sự cố sập đổ công trình xây dựng gây ra, chúng ta cần đánh giá thực trạng, tìm nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa sự cố như thế này.
Qua số liệu theo dõi những năm gần đây, chúng ta có thể thấy một số sự cố sập đổ điển hình như: Nhà số 91B phố Hàng Mã (Hà Nội) vào tháng 10/2010; nhà ngõ 49 - đường Huỳnh Thúc Kháng (Đống Đa, Hà Nội) vào tháng 3/2011; dự án Khu tứ giác EDEN tại đường Đồng Khởi (Q.1, TP.HCM) vào tháng 10/2010 (sập 20m tường); nhiều nhà trên phố Hàm Nghi (Q.1, TP.HCM) vào tháng 01/2010; nhà 2 tầng tại Đại lộ Nguyễn Văn Linh (TP.HCM) vào tháng 8/2010; nhà 5 tầng tại đường số 19 khu dân cư Đại Nam (huyện Dĩ An, Bình Dương) vào tháng 12/2009 làm chết 4 người; Viện khoa học xã hội vùng Nam bộ gần toà cao ốc đang xây của Cty bia Pacific tại 49 Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1, TP.HCM) vào tháng 01/2008… Những sự cố trên phần lớn là hậu quả của hiện tượng công trình bị nghiêng lún quá giới hạn cho phép, công trình được thi công xây dựng và cải tạo không phép hoặc sai phép, thi công xây dựng không đúng quy trình và tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan. Trong đó, hiện tượng nghiêng lún công trình xây dựng là hiện tượng diễn ra phổ biến tại các TP lớn, tiềm ẩn thường trực nguy cơ gây sập đổ công trình, ảnh hưởng tới chất lượng sống của người dân trong công trình cũng như các hộ dân lân cận.
Các nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng nghiêng lún của các công trình bao gồm: Khảo sát xây dựng không đầy đủ hoặc không khảo sát (đặc biệt là khu vực có nền đất yếu hoặc xây dựng trên các nền ao hồ cũ); Giải pháp thiết kế móng không hợp lý, nhất là các công trình được xây dựng cách đây hơn 40 năm, khi mà chủ yếu sử dụng kết cấu móng nông đơn giản; Thi công không đúng quy trình hoặc thi công sai thiết kế; Chịu sự ảnh hưởng của các điều kiện ngoại lai như công trình lân cận thi công có hố đào sâu nhưng thiếu các giải pháp gia cố hố đào… Trong đó, đặc biệt nghiêm trọng là sự cố tại công trình thi công toà cao ốc của Cty bia Pacific do túi bùn, cát và nước ngầm chảy vào tầng hầm của công trình qua lỗ thủng trên thân tường vây đã gây sụt lún các công trình xung quanh; toàn bộ công trình tại số 91B phố Hàng Mã - Hà Nội đã đổ và trượt sang hố móng nhà số 91A đang đào dở, gây hư hại cho nhà liền kề.
Trong các nguyên nhân kể trên có thể thấy nguyên nhân chủ quan chiếm khá nhiều và đã gây ra một số trường hợp sự cố nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến cộng đồng. Hiện nay một số địa phương (trong đó có TP.HCM) đã ban hành hướng dẫn về các dấu hiệu nhà nguy hiểm và trình tự kiểm tra, xử lý khắc phục sự cố nhà nguy hiểm. Trong thời gian tới, với chức năng quản lý nhà nước về xây dựng ngoài việc dự kiến tăng cường đào tạo và tuyên truyền, tổng kết và phân loại sự cố để rút ra những bài học và phổ biến tại các chương trình đào tạo tập huấn, bồi dưỡng; dành kinh phí để biên soạn, phổ biến các sổ tay sự cố cho từng loại (sự cố lún, nền cọc; sự cố giàn giáo, sự cố lắp dựng kết cấu thép, sự cố điện, sự cố vết nứt...) để phổ biến các chuyên mục trên các báo, tạp chí, website của ngành Xây dựng… Bộ Xây dựng đang nghiên cứu nhiều giải pháp nhằm hạn chế và giảm thiểu hiện tượng sự cố, đặc biệt là các sự cố do nghiêng lún như: Tăng cường kiểm soát nhà nước thông qua cấp phép xây dựng và kiểm tra hồ sơ thiết kế; đánh giá năng lực các nhà thầu xây dựng thông qua các kết quả thi công tại từng dự án; quy định cụ thể trình tự giải quyết sự cố, khiếm khuyết và phân cấp giải quyết sự cố, khiếm khuyết; áp dụng các hình thức khen thưởng, kỷ luật trong công tác thi công xây dựng; trình tự cải tạo, xử lý các chung cư cũ (trong đó số lượng chung cư cũ nguy hiểm hiện nay chiếm tỷ lệ lớn). Các nội dung này sẽ được quy định cụ thể tại Nghị định về quản lý chất lượng công trình xây dựng; Nghị định về cấp phép xây dựng; Nghị định về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, Bộ Xây dựng dự kiến sẽ trình Chính phủ để ban hành trong thời gian tới.
TSNguyễn Thế Anh
Theo baoxaydung.com.vn