(Xây dựng) - Quyết định 48/2014/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão lụt khu vực miền Trung đã cho thấy được hiệu quả. Tuy nhiên tại một số khu vực ngập lụt từ 4 - 14m thì không có chòi tránh lũ cố định nào đủ sức chống chọi nổi. Vì vậy, phương án sử dụng nhà phao để tránh lũ được Sở Xây dựng Quảng Bình ghi nhận vào Đề án 48.
Với địa hình phức tạp, điều kiện kinh tế còn lắm khó khăn, hàng năm tỉnh Quảng Bình thường xuyên phải hứng chịu nhiều đợt bão, lũ rất khủng khiếp, gây thiệt hại lớn về tính mạng con người và tài sản. Hai cơn lũ kép trong thời điểm cuối tháng 10, đầu tháng 11/2016 vừa qua đã gây tổn thất vô cùng về người và tài sản.
Khi người dân miền Trung chật vật với mưa lũ thì đề án nhà tránh lũ mới nhận được sự chú ý của nhiều cá nhân và tổ chức. Có những cách làm mới, sáng tạo để phù hợp hơn với địa hình thấp trũng đã tạo ra hướng đi mới cho nhà tránh lũ. Câu chuyện chúng tôi sẽ nói ở đây là những ngôi nhà phao tránh lũ - biện pháp cần thiết để ứng phó được với thiên tai tại các huyện vùng cao như Minh Hóa và Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình.
Sáng tạo để thích ứng
Làm nhà phao hay nhà bè để trụ lại với con nước dữ là một cách làm sáng tạo của người dân vùng lũ Tân Hóa để sinh tồn với tình trạng mưa lũ. Tân Hóa là xã vùng sâu vùng xa của huyện huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, đời sống người dân bản địa còn lắm khó khăn. Vì nằm sâu trong thung lũng, xung quanh là những dãy núi đá vôi cao, tạo nên địa hình lòng chảo, khi mưa lũ sẽ trở thành túi nước khổng lồ. Lũ ở huyện vùng cao Minh Hóa đến rất nhanh, khi người dân chưa kịp trở tay ứng phó thì nó đã quét qua, bủa vây và cuốn trôi nhiều thứ.
Trong mưa lũ, tại đây nước dâng nhanh gây ngập từ 3 - 4m, thậm chí có nơi ngập đến 6-7m; lại ngập sâu nhiều đoạn trên tuyến đường giao thông vào xã nên khu vực này bị cô lập, chia cắt. Nhà cửa chìm trong nước, tài sản, lương thực, hoa màu bị cuốn trôi; người dân thì phải nhanh chân leo lên các lèn đá trên núi cao tá túc để thoát thân.
Cách đây 6 năm, sau trận lũ lịch sử 2010, một số hộ dân mạnh dạn làm các nhà phao tránh lũ. Đúng như ý tưởng chòi tránh lũ, ban đầu vì thiếu kinh nghiệm và tài chính, bà con chỉ làm nên những căn chòi nhỏ có đáy và vách bằng ván gỗ hoặc bằng tôn, mái lợp tôn. Ưu thế của loại chòi này là nhẹ và dưới đáy phía ngoài có gắn những thùng phuy sắt, nhựa kín hoặc các vật liệu nổi để đủ sức nâng chòi trong đó chứa một số đồ dùng sinh hoạt và một gia đình nổi lên trên nước. Ở phía ngoài hai bên chòi được cố định bằng 2 cây luồng xuống đất và có bố trí thêm dây neo để chòi giữ thăng bằng và không bị cuốn trôi. Nước lũ lên chừng nào thì chòi nổi lên chừng đó. Trong ngày mưa lũ, người dân nhanh chóng chuyển đồ đạc, nước sạch, ít cơm gạo, quần áo lên chòi rồi cả gia đình cùng lên chòi trú ngụ trong không gian tầm 10 - 12m2, đỡ phải vất vả chạy lũ lên núi trong mưa gió, đói rét. Mô hình này chỉ phát huy tác dụng và nên ứng dụng cho cho địa bàn có nước lũ dâng cao nhưng không chảy xiết, số lượng người cho phép khoảng 5 người. Sở Xây dựng Quảng Bình đã khuyến cáo rằng, khi nước chảy xiết thì nhà chòi này không đủ sức bám trụ, nếu đứt dây thì sẽ bị cuốn trôi về phía hạ nguồn, rất nguy hiểm khi trên dòng chảy có thác, ghềnh.
Sau khuyến cáo của Sở Xây dựng Quảng Bình, người dân thấy và hiểu rõ tính hiệu quả và điểm hạn chế của mô hình nhà phao này để ứng dụng một cách phù hợp. Thay vì tiếp tục tạo các căn chòi nổi đơn giản như trước, người dân đầu tư kinh phí nhiều hơn để nâng cấp thành nhà phao tránh lũ, rộng tương đương với nhà chính đang ở, với kết cấu sàn và tường bằng gỗ, thép hộp và tôn; các mối liên kết được hàn lại chắc chắn. Một nhà phao rộng chừng 20 - 25m2, chi phí tầm 30 triệu đồng.
Trao đổi với phóng viên Báo Xây dựng, ông Võ Văn Tuần - Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường BĐS (Sở Xây dựng Quảng Bình) cho biết, nhà phao nổi tại xã Tân Hóa là một mô hình của dạng nhà tránh lũ, được cải tiến từ các căn chòi phao sơ khai ban đầu. Kết cấu đơn giản nhưng linh hoạt và phù hợp với thực tế mưa lũ dài ngày tại miền Trung; với hệ thống thùng phuy nhựa được liên kết với nhau thành một khối vững chãi; nền nhà bằng gỗ, khung nền bằng các thanh thép hộp hàn lại với nhau; lợp mái tôn. Phía ngoài căn nhà được neo trượt trên 4 trụ bằng bê tông cốt sắt hoặc 4 cây luồng già cao từ 10 - 14m, được xử lý mối mọt kĩ càng. Vẫn sử dụng hệ thống dây neo bằng cáp thép nhằm giữ thăng bằng và ổn định cho căn nhà, không bị trôi dạt. Ưu việt của mô hình nhà phao này là không gian rộng hơn, có thể chứa được một gia đình hơn 10 người; đựng được nhiều vật dụng cũng như khả năng an toàn cao hơn.
Cần nâng tầm cho hướng đi mới
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Xây dựng, hiện toàn xã Tân Hóa có 319 nhà phao, chiếm khoảng 50% hộ dân cư. Mô hình nhà phao này có nguyên lý hoạt động như hệ thống vận thăng cột. Trong điều kiện bình thường, hệ thống phao nổi sẽ nằm ổn định trên móng nhà bằng bê tông được xây dựng trước đó. Trong mưa lũ, khi nước dâng lên thì hệ thống phao cũng nổi lên, đưa căn nhà lên cao. 4 trụ neo ở phía ngoài sẽ dẫn hướng căn nhà nổi lên theo phương thẳng đứng hoặc gần thẳng đứng.
Ông Ngô Thanh Đá - Chủ tịch UBND xã Tân Hóa chia sẻ: Sử dụng nhà phao nổi nên nhiều hộ gia đình đã vượt lũ an toàn. Có thể nhìn nhận rằng đây là cách làm phù hợp để thích ứng được với điều kiện mưa lũ tại khu vực này.
Qua thực tiễn các mùa lũ ở Tân Hóa, ông Phạm Quốc Anh - Phó giám đốc Sở Xây dựng Quảng Bình cho biết: Với Đề án 48 (Quyết định 48/2014/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phóng, tránh bão lụt khu vực miền Trung) tại 13 tỉnh duyên hải miền Trung trong cơn lũ kép vừa qua đã cho thấy được hiệu quả. Tuy nhiên tại một số khu vực của tỉnh Quảng Bình như các huyện vùng cao Minh Hóa, Tuyên Hóa trong mưa lũ chịu ngập lụt rất sâu, từ 4 - 14m, không có chòi tránh lũ cố định nào đủ sức chống chọi nổi. Hiện tại người dân nơi đây có phương án sử dụng nhà phao để tránh lũ. Đây cũng là một mô hình của nhà tránh lũ và chúng tôi đã ghi nhận vào Đề án 48. Từ đó, chúng tôi sẽ trực tiếp tham mưu và cho phép người dân nơi đây hưởng đầy đủ chế độ của Đề án 48 trên. Được phép vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội trong hạn mức 15 triệu đồng. Về phía hộ gia đình cần thêm một khoản vốn đối ứng nữa là có được nhà phao tránh lũ.
Nhất Linh
Theo