Thứ sáu 26/04/2024 02:35 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Sản xuất công nghiệp có sự khởi sắc và dần lấy lại đà tăng trưởng

14:33 | 03/07/2020

Tổng cục Thống kê cho biết giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm nay ước tính tăng 2,71% so với cùng kỳ năm trước (quý 1 tăng 5,1%; quý 2 tăng 0,74%).

san xuat cong nghiep co su khoi sac va dan lay lai da tang truong
Sản xuất sản phẩm bao bì tại Công ty TNHH bao bì Thuận Đức. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Tổng cục Thống kê vừa cho biết sản xuất công nghiệp trong quý 2 vừa qua chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19 nên tốc độ tăng giá trị tăng thêm chỉ đạt 0,74% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 6 tháng đầu năm nay, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 2,71%; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,96% và là mức tăng thấp nhất của 6 tháng các năm 2011-2020.

Bà Nguyễn Thị Hương, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thống kê, cho biết do dịch bệnh sớm được kiểm soát, các lĩnh vực của nền kinh tế đang bước vào trạng thái hoạt động bình thường trở lại, sản xuất công nghiệp có sự khởi sắc và dần lấy lại đà tăng trưởng cao từ tháng Năm vừa qua.

Tổng cục Thống kê cho biết giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm nay ước tính tăng 2,71% so với cùng kỳ năm trước (quý 1 tăng 5,1%; quý 2 tăng 0,74%).

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,96% (quý 1 tăng 7,12%; quý 2 tăng 3,20%). Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,04%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,76%. Ngành khai khoáng giảm 5,4% (do sản lượng khai thác dầu thô giảm mạnh 13,9% và khí đốt tự nhiên giảm 9,1%).

Chỉ ra nguyên nhân chỉ số sản xuất công nghiệp đạt thấp, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và đầu tư cho biết do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, bùng phát mạnh tại nhiều quốc gia đã ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu nhập khẩu phục vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là ngành chế biến, chế tạo.

Bên cạnh đó, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực ngày 1/1/2020 đã thay đổi thói quen uống rượu, bia của người dân. Từ đó, ảnh hưởng đến ngành sản xuất đồ uống.

Tổng cục Thống kê cho biết trong các ngành công nghiệp, một số ngành có chỉ số sản xuất 6 tháng giảm sâu hoặc tăng thấp so với cùng kỳ năm trước như sản xuất xe có động cơ giảm 16,4%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 11,3%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị giảm 9,5%; sản xuất đồ uống giảm 8,8%; dệt tăng 2,8%...

Tuy nhiên, một số ngành có chỉ số sản xuất 6 tháng đầu năm tăng cao so với cùng kỳ năm trước và đóng góp lớn vào mức tăng chung của toàn ngành như: sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 27,9%; sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế tăng 15%; khai thác quặng kim loại tăng 13,3%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 9,8%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 9,1%...

Cùng với đó có một số sản phẩm công nghiệp chủ lực 6 tháng đầu năm 2020 tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước như ôtô giảm 26,6%; đường kính giảm 23,7%; bia giảm 17,4%; dầu thô khai thác giảm 13,9%; vải dệt từ sợi nhân tạo giảm 13%...

Bên cạnh đó, một số sản phẩm tăng cao như: linh kiện điện thoại tăng 27,5%; xăng, dầu các loại tăng 20,9%; thép thanh, thép góc tăng 12,8%; bột ngọt tăng 12,3%; phân u rê tăng 10%...

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng Sáu vừa qua tăng 8,1% so với tháng trước và tăng 3% so với cùng kỳ năm trước.

san xuat cong nghiep co su khoi sac va dan lay lai da tang truong
May hàng xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV Thương mại xuất nhập khẩu Guang Yang ở xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Tính chung 6 tháng đầu năm, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,6%).

Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 6 tháng đầu năm 2020 khá cao với 78,9% (cùng kỳ năm trước là 74,9%); trong đó, một số ngành có tỷ lệ tồn kho cao: dệt 118,7%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa 104,7%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất 103,4%; sản xuất xe có động cơ 97,3%...

Để ngành sản xuất công nghiệp đạt mức tăng trưởng trong những tháng tới, bà Nguyễn Thị Hương cho biết Tổng cục Thống kê đề xuất các bộ, ngành, địa phương tiếp tục cải cách quy trình, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời.

Bên cạnh đó, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong việc tìm thị trường nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu, phụ tùng, linh kiện thay thế, tháo gỡ khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh; đồng thời, vận động người dân ưu tiên dùng hàng trong nước, ủng hộ doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong giai đoạn khó khăn.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã nhấn mạnh đến giải pháp chủ động thực hiện hoặc tham gia vào quá trình phục hồi chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị đứt gẫy, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị mới; tập trung xử lý hàng công nghiệp tồn kho.

Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành các dự án bảo đảm năng lượng quốc gia; sớm trình Thủ tướng Chính phủ sơ đồ Quy hoạch điện VIII; duy trì sản xuất các loại nguyên vật liệu phục vụ sản xuất mà Việt Nam có lợi thế; đồng thời, cần đẩy nhanh tiến độ, quyết liệt xử lý triệt để 12 dự án yếu kém của ngành công thương, nhanh chóng đưa các dự án có khả năng phục hồi vào vận hành, tăng năng lực sản xuất cho nền kinh tế./.

Theo Thúy Hiền (TTXVN/Vietnam+)

Cùng chuyên mục
  • Hà Nội: Sẽ tổ chức đối thoại, thúc đẩy sản xuất kinh doanh làng nghề trong tháng 5

    (Xây dựng) - Dự kiến, UBND Thành phố Hà Nội sẽ tổ chức Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh hoạt động tại các làng nghề trên địa bàn Thành phố trong tháng 5/2024.

  • Bình Định: Giao thông mở đường cho phát triển kinh tế - xã hội

    (Xây dựng) - Xác định mục tiêu giao thông đi trước mở đường, tại Kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh Bình Định khóa XIII, HĐND tỉnh Bình Định đã ban hành nhiều Nghị quyết quan trọng liên quan đầu tư hạ tầng giao thông. Đây là “cú huých” mạnh mẽ nhằm phá bỏ “điểm nghẽn” về giao thông, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

  • Khánh Hòa: Động lực thúc đẩy kinh tế

    (Xây dựng) - Khánh Hòa đã và đang triển khai nhiều dự án trọng điểm. Sau khi hoàn thành, các dự án này sẽ tạo sức bật cho nền kinh tế, tăng khả năng huy động vốn đầu tư, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

  • Khát vọng thịnh vượng “Chín Rồng”

    (Xây dựng) - Từ lâu nay, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được thế giới biết đến với tên gọi Mekong Delta, còn cư dân nơi đây thường gọi là “Cửu Long - Chín Rồng” Đây là vùng đất được thiên nhiên ban tặng nhiều tài nguyên quí giá, là vùng nông nghiệp lớn nhất nước, qua gần 50 năm xây dựng và phát triển (30/4/1975 - 30/4/2024), “Chín Rồng” đã và đang chuyển mình thức giấc với khát vọng thịnh vượng…

  • Khu công nghiệp Biên Hoà 1: Kết thúc “sứ mệnh”

    (Xây dựng) - Hơn nửa thế kỷ đảm nhận sứ mệnh tiên phong trong phát triển công nghiệp của đất nước, đặc biệt là tại khu vực phía Nam, Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (Biên Hòa, Đồng Nai) sẽ được chuyển đổi công năng để sớm trở thành Khu đô thị - thương mại - dịch vụ và cải thiện môi trường.

  • Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thành lập Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 tạo động lực mới cho phát triển bền vững

    (Xây dựng) - Việc thành lập Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 (C4IR) đang được xúc tiến và sẽ được công bố sớm nhất vào cuối năm nay. Đây là thông tin được lãnh đạo UBND Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra trong Hội thảo “Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 tại Thành phố Hồ Chí Minh (C4IR) - Động lực mới cho phát triển bền vững” được tổ chức tại Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load