Nhu cầu tìm kiếm các nhà cung cấp nội địa về sản phẩm phụ trợ công nghệ cao rất lớn nhưng hiện rất ít doanh nghiệp có đủ năng lực để tham gia chuỗi cung ứng của các tập đoàn công nghệ cao quốc tế.
Năng lực yếu đang hạn chế cơ hội tham gia chuỗi sản xuất công nghệ cao.
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao tại TPHCM ngày 16/4, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang cho biết, ngành công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao trong nước mới ở giai đoạn đầu của sự phát triển.
Khả năng cung ứng và chủng loại linh phụ kiện công nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam rất hạn chế, số lượng nhỏ. Các loại linh phụ kiện đặc thù, trang thiết bị, công cụ phục vụ nghiên cứu ít được chú trọng, kể cả sản phẩm đơn giản hầu hết phải nhập khẩu.
Trong khi đó, công nghiệp luyện kim và hóa chất chưa phát triển nên nhiều vật liệu cơ bản như thép không gỉ, thép chịu lực, hay các loại dung môi phổ biến chưa đáp ứng được yêu cầu. Rất ít doanh nghiệp đi sâu sản xuất các thiết bị hỗ trợ chuyên dụng cho ngành công nghệ cao.
Tuy nhiên, ông Lê Dương Quang cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất linh phụ kiện cho công nghiệp chế tạo nói riêng, công nghệ cao trong nước đã hình thành, tạo nền tảng cơ bản để phát triển công nghệ cao trong thời gian tới.
Hiện Việt Nam có khả năng cung ứng khá tốt một số linh phụ kiện chất lượng cao trong ngành nhựa, cao su, kim loại, điện tử…, chủ yếu bởi các doanh nghiệp FDI nhưng để phục vụ xuất khẩu.
Bên cạnh đó, ngành phần mềm phục vụ cho công nghệ cao cũng phát triển tốt, giúp chủ động về phần mềm cho máy công nghệ cao.
Các chuyên gia cho rằng, nâng cao năng lực công nghiệp hỗ trợ, nhất là công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao là bước đột phá để phát triển nhanh và bền vững các ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam. Công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển hiện là trở ngại lớn trong thực hiện mục tiêu quốc gia đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.
Theo ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, kế hoạch tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Thành phố giai đoạn 2011-2015 đề ra mục tiêu nâng tỷ trọng công nghiệp lên 42% GDP và dịch vụ lên 57%. Trong đó, sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao chiếm 30% GDP.
Phó Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TPHCM Lê Bích Loan cho biết, năm 2012, xuất khẩu của riêng Khu công nghệ cao TPHCM đạt 2,23 tỷ USD. Theo kế hoạch, năm 2015, kim ngạch xuất khẩu đạt 10 tỷ USD, trong đó phấn đấu nâng tỷ lệ nội địa hoá của các sản phẩm được sản xuất tại đây lên 25%.
Theo bà Loan, các doanh nghiệp trong Khu công nghệ cao TPHCM có nhu cầu tìm các nhà cung cấp nội địa về linh phụ kiện điện, điện tử, khuôn mẫu cho chi tiết nhựa, chi tiết cơ khí, hoá chất...
Đại diện Intel Việt Nam, bà Trần Thị Xuân Mai cho biết doanh nghiệp này có kế hoạch gia tăng tỷ lệ nguyên liệu nội địa thông qua tìm kiếm các nhà cung cấp Việt Nam nhưng không dễ tìm được doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu. Theo bà Mai, các doanh nghiệp trong nước cần giải quyết một số điểm yếu cơ bản như sản phẩm không đồng đều về chất lượng do không có hệ thống quản lý chất lượng và sản xuất thường theo kinh nghiệm.
Ngoài ra, các hạn chế khác như khả năng làm việc bằng tiếng Anh, ứng dụng công nghệ thông tin, giao hàng… khiến cơ hội tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu công nghệ cao của doanh nghiệp Việt Nam bị thu hẹp.
Theo Chinhphu.vn
Theo baoxaydung.com.vn