Theo Hội môi giới bất động sản Việt Nam, hiện có khoảng 300 ngàn môi giới đang hoạt động, trong đó có 70% là chính quy, hầu hết đều đang gặp khó khăn.
Vô số môi giới gặp khó khăn
Cả tuần này, Việt Tú, một giới bất động sản, đã phải lướt hết các web này đến web khác hy vọng kiếm được một công việc tạm thời những ngày giãn cách. "Bình thường kiếm được một công việc tử tế đã khó, thời điểm này thì càng vô cùng khó", Tú chia sẻ.
Tú kể sàn giao dịch bất động sản nơi anh làm đã tạm ngừng hoạt động. Lương cơ bản bình thường cũng chỉ khoảng 1,5 triệu đồng/tháng, nay tạm nghỉ cũng không được hỗ trợ thêm đồng nào vì sàn cũng đang rất khó khăn. Do vậy không còn cách nào khác, Tú phải tìm kiếm một công việc tạm thời để xoay xở "rau cháo" cho qua ngày.
"Một số anh chị đồng nghiệp vẫn có tiền tích lũy kiếm được trước đó nên đủ trang trải cuộc sống. Họ cũng lanh lợi hơn vì thạo nghề nên vẫn có cách mưu sinh với nghề, một số người còn livestream bán hàng. Em mới "chân ướt chân ráo" làm môi giới, chưa tích lũy được tiền cũng như kinh nghiệm...", Tú chia sẻ.
Nhớ lại ngày trước, Tú cho biết ra trường cũng xin được một công việc văn phòng. Tuy nhiên với đồng lương "ba cọc ba đồng", Tú làm được 2 năm thì nghỉ. Mới đây Tú mới quyết định chuyển sang làm môi giới địa ốc với hy vọng "đổi đời". Nhìn thấy nhiều môi giới phất lên sau sốt đất mới diễn ra, Tú mong mình cũng có thể khá lên nếu hợp nghề. Tuy nhiên mọi thứ không như kỳ vọng, khó khăn bất ngờ ập đến khi làn sóng Covid-19 thứ tư bùng phát.
Khi dịch chưa bùng phát, không ít người cũng đã đổi đời làm nghề môi giới bất động sản (ảnh minh họa). |
Không chỉ Tú, rất nhiều môi giới bất động sản khác cũng đang chật vật xoay xở khi thu nhập bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Có người may mắn hơn khi công ty có nguồn lực, kịp thời chuyển đổi sang hình thức bán online. Tuy nhiên bộ phận này không nhiều.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, khoảng 80% sàn giao dịch bất động sản chỉ làm trung gian môi giới đã phải tạm dừng hoạt động.
Đáng chú ý, theo thống kê của Hội môi giới bất động sản Việt Nam, hiện có khoảng 300.000 môi giới đang hoạt động, trong đó có 70% là chính quy, hầu hết đều đang gặp khó khăn.
"Trên 1.000 sàn giao dịch bất động sản chịu rất nhiều áp lực về dòng tiền. Trong khi đó dịch bệnh, sàn giao dịch không thể triển khai bán hàng. Đồng nghĩa với không có nguồn thu và không thể có nguồn để chi trả các khoản như tiền lương, bảo hiểm, thuế, lãi vay…", lãnh đạo Hội môi giới cho biết.
Theo đơn vị này, thị trường bất động sản cũng đang gặp nhiều khó khăn và vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, nguồn cung suy giảm, lực cầu suy yếu, giá cả tăng mạnh, nguy cơ bong bóng….
Sàn gặp khó khăn, đứng trước lựa chọn cay đắng
Ông Phạm Lâm, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản phụ trách khu vực các tỉnh phía Nam, cho biết, trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay, 70% doanh nghiệp môi giới bất động sản gặp khó khăn phải cắt giảm lương của người lao động hoặc ngưng hoạt động.
"Doanh thu giảm hoặc không có, chi phí thuê mặt bằng văn phòng vẫn phải trả hàng tháng mặc dù giãn cách theo Chỉ thị 16. Tổng các chi phí như mặt bằng, bảo hiểm xã hội, tiền lương, tiền thuế lên đến hàng tỷ đồng mỗi tháng dẫn đến khó khăn về tài chính", ông Lâm chia sẻ về khó khăn của các sàn.
Bên cạnh đó, ông Lâm cũng cho biết, các doanh nghiệp môi giới hiện cũng gặp vấn đề trong thu hồi công nợ bởi các chủ đầu tư gặp khó, liên lụy đến các sàn.
Ông Nguyễn Thọ Tuyển - Chủ tịch Hội đồng quản trị BHS Group - nói, những sàn lớn có tích lũy chỉ chiếm khoảng 20% trên thị trường. Do có tích lũy nên những sàn này vẫn chuẩn bị sản phẩm, tuyển dụng và đào tạo nhân viên, đẩy mạnh thu hồi công nợ và đẩy mạnh phát triển công nghệ.
Trong khi đó, những sàn nhỏ chưa có tích lũy chiếm đến 80%. Những sàn này hiện phải đối mặt với vấn đề dòng tiền do doanh thu ít hoặc không có, chi phí cố định (thuê nhà, lương), công nợ chưa về, thuế, lãi ngân hàng tiếp tục đè nặng. Các sàn nhỏ rơi vào trạng thái tâm lý hoang mang là giữ quân hay cắt giảm, bảo toàn hay tăng trưởng. Sàn quy mô nhỏ cũng khó xây dựng được chiến lược lâu dài vì không dày vốn và ít kinh nghiệm vượt qua khủng hoảng.
Vì vậy, hoạt động của các sàn thực tế vẫn đang bình thường, chỉ khác nhau về sức khỏe tài chính, chiến lược và khả năng của người lãnh đạo. Sau mỗi đợt khủng hoảng sẽ có rất nhiều sàn đóng cửa và cũng có rất nhiều sàn mở mới. Sự thanh lọc giúp cho thị trường có những sàn khỏe mạnh hơn, minh bạch hơn.
Theo Nguyễn Khánh/Dantri.com.vn