(Xây dựng) - Đã gần 60 năm trôi qua, nhưng người dân Thanh Hóa vẫn giữ mãi trong tim hình ảnh Bác Hồ về thăm và kéo lưới bên bờ biển Sầm Sơn lộng gió. Sầm Sơn ngày hôm nay đã khoác lên mình tấm áo mới, đúng như lời căn dặn của Bác ngày nào.
Câu chuyện về những ngày Bác ở Sầm Sơn (17/7- 19/7/1960) đến nay vẫn được người dân nơi đây kể lại với niềm kính yêu vô hạn. Cho đến khi Bác rời đi, ngư dân Sầm Sơn vẫn không hay biết cụ ông áo nâu giản dị đứng kéo lưới cùng dân chài ấy chính là người cha già vĩ đại của dân tộc.
Kỷ niệm không thể nào quên trên bãi biển Sầm Sơn
Theo các cụ cao niên kể lại thì một buổi tối giữa tháng 7 năm 1960, có một ông cụ râu tóc bạc phơ, ăn mặc giản dị lên núi Trường Lệ, vào thăm đền Cô Tiên. Sáng hôm sau cụ dậy sớm, mặc bộ quần áo cộc như một ngư biển rồi đi men xuống núi ngắm cảnh. Gần trưa cụ đến thăm các gia đình ở chân núi thuộc thôn Vinh Sơn, xã Quảng Vinh, huyện Quảng Xương (nay là phường Trường Sơn, thị xã Sầm Sơn). Làng chài vắng người vì các ngư dân vẫn ra khơi chưa trở về, chỉ có một gia đình đang hóng mát trên chiếc chõng tre. Thấy cháu bé khóc ngằn ngặt, cụ bồng cháu lên cưng nựng rồi hỏi thăm gia đình biển về đời sống của ngư dân. Cuộc trò chuyện đáng nhớ này từng được nhà văn Sơn Tùng ghi lại trong hồi ký những câu chuyện về Bác.
Rời gia đình vạn chài, Bác cùng mọi người đi xuống bãi biển. Những ngư dân Sầm Sơn đang kéo lưới trên bờ biển trong một không khí lao động tấp nập. Rồi đột nhiên họ thấy một ông cụ lạ mặt cởi trần, chỉ mặc chiếc quần vải cụt, vừa hỏi: “Cá vào trong lọng có dày không?”, vừa đưa tay cầm ngay dây kéo lưới với họ như một lão ngư thuần thục. Cuộc trò chuyện sôi nổi diễn ra trong những cơn gió mặn mòi của biển. Bao điều gan ruột của người lao động yêu nghề, bám biển đã được những ngư dân Sầm Sơn chất phác kể lại cho cụ ông lạ mặt ấy. Để rồi, như nhà văn Sơn Tùng từng kể lại, ngay chiều hôm đó, đồng chí Vũ Kỳ theo ý Bác, đã mời các vị lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thanh xuống Sầm Sơn gặp Bác…
Và trước khi rời Sầm Sơn, ngày 19/7/1960, Bác đã căn dặn: “Nếu nơi đây có một hệ thống du lịch, khách sạn và có phương tiện đưa đón khách nghỉ mát tới Hòn Mê thì sẽ thu được nhiều của cải!”.
Phải mất rất nhiều năm Sầm Sơn mới thực hiện được lời căn dặn ấy với cuộc chuyển mình ngoạn mục trong thời gian gần đây.
Trăn trở để đổi thay
Sầm Sơn, dải đất nhỏ hẹp nằm ngay mép nước xưa kia vốn là bán đảo, trải qua vô số lần kiến tạo mà bồi tụ nên hình hài như ngày nay. Năm 2017 là tròn 110 năm người Pháp khám phá ra vẻ đẹp kỳ thú của bãi biển này.
Nhưng phải thành thật rằng, có những thời điểm, Sầm Sơn không được đẹp lắm trong mắt du khách. Không thể để một viên ngọc sáng bị vùi lấp mãi dưới bùn. Đó là trăn trở, và cũng là quyết tâm của lãnh đạo tỉnh nhiều năm qua.
Giai đoạn 2012, Thanh Hoá giao dự án cho rất nhiều các nhà đầu tư, nhưng nhà đầu tư bắt tay vào làm thật thì không quá 10%. Tỉnh quyết liệt rà soát và thu hồi các dự án treo, rồi quy hoạch để phát triển đô thị biển Sầm Sơn, báo cáo Bộ Xây dựng thẩm định…. sau đó kêu gọi được một số nhà đầu tư nhưng tình hình vẫn không sáng sủa hơn.
Trong bối cảnh đó, năm 2014, Tập đoàn FLC vào cuộc. Chỉ trong 9 tháng ngắn ngủi, FLC đã hoàn thành ba dự án lớn: Xây dựng khách sạn 5 sao đẳng cấp quốc tế, hội trường 1.300 chỗ ngồi và sân golf 18 lỗ. Quần thể FLC Sầm Sơn đi vào khai thác vận hành từ tháng 7/2015 đã thay đổi tính chất du lịch mùa vụ của Sầm Sơn để du khách có thể tới đây nghỉ dưỡng quanh năm - điều mà Thanh Hoá mong mỏi từ lâu nhưng bao năm qua vẫn chưa thực hiện được.
Diện mạo mới của Sầm Sơn
Quyết định đầu tư của FLC đã tạo ra một làn sóng các nhà đầu tư vào Sầm Sơn và Thanh Hóa nói chung. Cùng với những nỗ lực quyết liệt của tỉnh, diện mạo Sầm Sơn đang thay da đổi thịt từng ngày.
Không còn các ki-ốt bán hàng truyền thống bên bờ biển làm khuất tầm nhìn, những bể tắm nước ngọt với nhà vệ sinh lụp xụp, những gian hàng thuê phao, đồ tắm luộm thuộm, những gánh hàng rong chèo kéo khách du lịch. Thay vào đó là đường bờ biển thoáng đãng, không gian thanh lịch, khang trang, các địa điểm ăn uống Hubway nằm dọc bãi biển với view tuyệt đẹp. Bờ cát trải dài các ô trắng và ghế mây sang trọng. Fast food, hiệu thuốc, điểm tắm tráng, công viên cây xanh, quảng trường, xe điện, siêu thị mini… Tất cả là những dịch vụ mới này được thiết kế, sắp đặt một cách văn minh, quy củ dọc bờ biển với giá cả được niêm yết rõ ràng.
Sầm Sơn hôm nay với hơn 400 khách sạn, nhà nghỉ và hơn 16 ngàn phòng (một nửa trong số đó đạt tiêu chuẩn hai, ba sao). Năm 2016 Sầm Sơn đón hơn 4 triệu lượt khách với doanh thu tăng hơn 34% so với năm trước. Những công trình hiện đại như Quần thể FLC Sầm Sơn với Trung tâm hội nghị quốc tế, sân golf, bể bơi nước mặn lớn nhất Việt Nam đã thu hút hàng vạn du khách từ trong và ngoài nước.
Sắp tới đây, Sầm Sơn sẽ được nâng cấp từ thị xã thành thành phố. Quyết tâm đưa Sầm Sơn trở thành một thành phố du lịch đẹp, hiện đại, đáng sống của lãnh đạo và nhân dân Thanh Hóa đã bước đầu trở thành hiện thực, đúng như lời căn dặn của Bác ngày nào.
Vân Phương
Theo