Tròn hai năm sau ngày đại lễ 1.000 năm Thăng Long nhiều công trình trăm tỷ, nghìn tỷ được khánh thành đưa vào sử dụng, nhưng hiện nay nhiều nơi đã xuống cấp hoặc gây lãng phí.
Cổng công viên Hòa Bình bị bủa vây bởi quán nước
Bảo tàng lớn… lãng phí lớn
Câu chuyện lãng phí không dừng lại ở số vốn đầu tư ở các công trình nghìn năm “chạy đua” với thành tích mà xót xa hơn là khi những công trình ấy không được sử dụng đúng công năng, đúng tầm vóc. Ấy vậy mà sau những “thất bại” ở Thủ đô, tại nhiều tỉnh thành trong cả nước vẫn “xếp hàng” để được đầu tư những khu tưởng niệm, tượng đài với số vốn đầu tư không hề nhỏ. Bài học từ những công trình “nghìn tỷ” xuống cấp, vắng vẻ khách tham quan như ở Bảo tàng Hà Nội hay Công viên Hòa Bình… như lời cảnh tỉnh về sự đầu tư dàn trải chạy đua theo “thành tích”. Thay vì đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho những công trình như vậy, thiết nghĩ các cơ quan chức năng nên quan tâm đầu tư xây dựng tới trường học, trung tâm y tế các quận, huyện, nhà văn hóa, bãi đỗ xe, sân chơi cho người già và trẻ nhỏ…
Bảo tàng Hà Nội có diện tích khuôn viên hơn 50.000m2 và gần 12.000m2 xây dựng công trình, gây ấn tượng với thiết kế kiến trúc “độc đáo” theo chiều kim tự tháp ngược và “có tiếng” về số tiền đầu tư “khủng” 2.300 tỉ đồng. Nhưng sau hai năm khánh thành đưa vào sử dụng, bảo tàng vẫn "dang dở", thậm chí có chỗ đã bị thấm dột, sụt lún không thu hút người xem.
Nhiều nơi gạch lát bị bong tróc, hư hỏng.
Chị Hoàng Thu Hường cùng con trai (Ba Đình, Hà Nội) tới Bảo tàng Hà Nội để thăm quan, chị cho hay. “Hôm nay là cuối tuần mà Bảo tàng vắng tanh, hiện vật thì quá ít, sự liên kết giữa các chủ đề chưa chặt chẽ khiến mình đi xem cũng chưa hiểu hết.
Bảo tàng với 6 tầng thì có 2 tầng hầm, 4 tầng nổi trưng bày hiện vật. Tầng một được thiết kế trưng bày đồ gốm, sứ, cửa hàng lưu niệm. Tầng hai mô phỏng về Hà Nội xưa và nay với các hiện vật phong phú. Nhưng từ tầng 3, tầng 4 thì rất thưa thớt cổ vật trưng bày. Nguyên nhân chủ yếu là do các đơn vị tư nhân bày các bộ sưu tập đã “rút” khỏi vì “lỗ” để hở rất nhiều khoảng trống lớn. Nhiều khi bảo tàng rơi vào tình trạng vắng hơn chùa Bà Đanh, may chăng chỉ có nhân viên qua lại.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội cho hay: “Hiện nay, vẫn chưa cho trưng bày chính thức nên chưa bán vé vào cửa. Gần đây, rất nhiều ý kiến, diễn đàn gây tranh cãi về việc lãng phí của công trình Bảo tàng Hà Nội. Bảo tàng Hà Nội mới chỉ hoàn thành được đề cương kịch bản trưng bày chứ chưa thể triển khai các mô hình một cách hoàn thiện…”.
Công viên trăm tỷ “đìu hiu chợ chiều”
Với diện tích đất xây dựng hơn 20 ha, công viên Hòa Bình có tổng mức đầu tư 282 tỉ đồng đi vào hoạt động dịp Đại lễ nghìn năm Thăng Long- Hà Nội. Ngay sau một thời gian khánh thành đi vào khai thác công viên “trăm tỷ” đã nhanh chóng xuống cấp ở một số hạng mục.
Bảo tàng Hà Nội vắng khách tham quan
Tại khu vực quảng trường, xung quanh các bồn hoa, tiểu cảnh, gạch đá ốp lát bị vỡ, bong tróc, gây nhếch nhác, mất mỹ quan. Đáng chú ý hơn, hệ thống cây xanh ở đây vẫn còn quá nhỏ, một số cây gãy đổ, bật gốc sau những trận mưa lớn…nên chưa tạo được bóng mát. Ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Tổng Giám đốc Cty TNHH MTV Vườn thú Hà Nội (đơn vị quản lý, khai thác công viên Hòa Bình) cho hay, sự xuống cấp của một số hạng mục trong công viên không chỉ do thời gian thi công tương đối gấp, một số loại thiết bị không chịu được sự khắc nghiệt của thời tiết mà còn do sự thiếu ý thức của một số khách tham quan. Hiện công ty đã tiến hành thống kê tất cả các điểm hư hỏng cần sửa chữa, lên phương án và lập dự toán trình Sở Xây dựng phê duyệt.
Kể từ khi khánh thành đến nay đã gần 2 năm, công viên Hòa Bình luôn ở trong tình trạng vắng khách. Dọc bờ rào đường Phạm Văn Đồng một vài cá nhân đứng ra nhận trông xe đạp, xe máy và bán nước mía. Nhìn cảnh này, không ai nghĩ một công trình trọng điểm nhất của Thủ đô được đầu tư gần 300 tỉ đồng giờ vắng hoe.
Trao đổi với PV, ông Đoàn Thanh Long – Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Đến thời điểm này về cơ bản Sở Xây dựng đã thực hiện triệt để kết luận số 1684/KL- BXD của Bộ Xây dựng, rà soát các hạng mục hư hỏng trong công viên Hòa Bình để sửa chữa, thay thế. Sở Xây dựng Hà Nội, Ban QLDA 1000 năm Thăng Long – Hà Nội và các nhà thầu đã kiểm điểm rút kinh nghiệm khi để xảy ra vi phạm nêu trong Báo cáo kết quả thanh tra.
Ông Phạm Sỹ Liêm – Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng:
Công trình phục vụ các dịp lễ, kỷ niệm bản thân nó không có hại nhưng đã đưa vào diện đốc thúc hoàn thành thì phải giám sát chặt chẽ. Thường người ta chỉ đến gắn biển chào mừng chứ có theo dõi quá trình thi công, thực hiện đâu. Bất kể công trình nào chứ không riêng công trình chào mừng đại lễ, nếu hư hỏng, thất thoát thì phải truy cứu trách nhiệm, không thể nói chung chung. Trách nhiệm cao nhất thuộc về chủ dự án và phải rõ người nào chịu trách nhiệm tới việc đó.
Vũ Quang
Theo baoxaydung.com.vn