Những ngày đầu năm 2013 chúng tôi trở lại vùng đất thiêng Côn Đảo - nơi từng là địa ngục trần gian dưới thời thống trị của đế quốc Mỹ. bầu trời Côn Đảo sáng trong, cảm giác lâng lâng, nhẹ nhõm khi được hít thở không khí trong lành của đất đảo yên bình, cách xa đất liền gần 1 giờ bay. Dọc đường từ sân bay về Trung tâm, dù phương tiện cơ giới đi lại tập nập hơn trước rất nhiều nhưng màu xanh của thảm rừng 2 bên vẫn không xóa được màu sắc u tịch vốn có nơi đây…
Tới Trung tâm, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi sau vài năm trở lại là nhà cửa, các trục đường giao thông nội bộ khang trang hơn hẳn. Đã có thêm những cửa hàng tiện ích, nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn của khu vực tư nhân mọc lên, mang dáng dấp của một đô thị du lịch… tính cách thân thiện, chân chất, mến khách của người dân Đảo vẫn nguyên khôi.
Thực tế, Côn Đảo một địa bàn ít có điều kiện để phát triển các loại hình, ngành nghề kinh tế. Đất đai thì khan hiếm nên sản xuất nông nghiệp cũng không đáng kể. Các ngành công nghiệp cũng không có gì ngoài khai thác đá xây dựng với sản lượng khiêm tốn. Dịch vụ thì chủ yếu là nghề cá, với số lượng vẫn còn hạn chế.
Từ khi xác định xương sống của kinh tế - xã hội huyện Côn Đảo trong tương lai là du lịch và dịch vụ gắn với bảo tồn, tôn tạo khu di tích cách mạng, TW đã yêu cầu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) nhanh chóng hoàn thành công tác quy hoạch phát triển kinh tế của Côn Đảo theo định hướng phát triển là một trung tâm du lịch chất lượng cao không chỉ của quốc gia mà còn của khu vực và quốc tế.
Theo đó, hàng loạt các QHXD tại Côn Đảo đã và đang được thúc đẩy triển khai gồm: Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, du lịch, QH lại khu di tích lịch sử, vườn Quốc gia và các khu vực trung tâm, Cỏ Ống, Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 các Khu dân cư, Khu đô thị trung tâm Côn Sơn, Bến Đầm và một số đảo khác, để khai thác tiềm năng du lịch, nhằm thúc đẩy kinh tế huyện đảo phát triển. Tất cả đầu tư đều xoay quanh mục tiêu đưa Côn Đảo trở thành khu kinh tế - du lịch hiện đại, đặc sắc, mang tầm cỡ khu vực và quốc tế. Từ TW đến tỉnh, huyện, đều tập trung mạnh vào đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, các di tích, xây dựng các khu du lịch, vui chơi giải trí, triển khai các công trình dịch vụ biển theo quy hoạch.
Theo ông Trường Hoàng Phục - Bí thư huyện Côn Đảo, từ nguồn vốn TW và địa phương, hàng năm Côn Đảo được phân bổ hàng trăm tỷ đồng xây dựng hạ tầng. Riêng năm 2012, huyện được bố trí hơn 157,650 tỷ đồng vốn từ các nguồn để triển khai thực hiện 38 công trình xây dựng cơ bản. Trong đó có nhiều công trình, dự án trọng điểm như: Công trình cải tạo phát triển lưới điện trung, hạ thế khu vực Trung tâm huyện; mở rộng nâng cấp nhà máy điện An Hội; Cảng Tàu khách, các hồ chứa nước ngọt; đường và kè hồ Quang Trung; khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, mở rộng Cảng Bến Đầm…
Hiện nay, các công trình đang được triển khai thực hiện, trong đó, 2 Công trình có tính tạo đột phá cho Côn Đảo là nâng cấp nhà máy điện An Hội, và cải tạo phát triển lưới điện trung, hạ thế khu vực Trung tâm huyện với tổng mức đầu tư trên 137 tỷ đồng. Cả 2 công trình đang trong giai đoạn nước rút, dự kiến sẽ hoàn thành đưa vào phục vụ Tết Nguyên đán 2013. Khi hoàn thành, công suất phát điện của nhà máy điện An Hội được nâng từ 1.000 KW hiện hữu lên 4.000 KW, đáp ứng kịp nhu cầu tăng phụ tải trên toàn địa bàn huyện; Lưới điện dẫn đến trung tâm các khu dân cư lớn, các khu thương mại, du lịch, cơ sở công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp và những phụ tải khác cũng được hiện đại hóa đồng bộ, để tạo điều kiện cho phát triển kinh tế. Sự đầu tư cho lưới điện theo hướng hiện đại như vậy chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần và đủ cho Côn Đảo phát triển.
Dự án Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, mở rộng Cảng Bến Đầm, xây dựng mới cảng Tàu khách…cũng đang triển khai với mục tiêu đến năm 2013, 2014 trở đi sẽ tạo được những trung tâm giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa đảo với đất liền và quốc tế bằng đường biển. Riêng dự án Cảng tàu khách Côn Đảo có tổng mức đầu tư khoảng 115 tỷ đồng, sẽ đầu tư một cầu dẫn dài 370m và cầu chính dài 50m, cho phép cập bến 2 tàu cùng một lúc - là DA có nhiều ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội huyện Côn Đảo và bảo đảm an ninh quốc phòng vùng lãnh hải.
Song song đó, trong năm 2013 huyện sẽ tiếp tục khởi động một số DA quan trọng có tính hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển như: Đường Tây Bắc, hồ chứa nước ngọt Quang trung 2; nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt. Ngoài ra, khu vực đầu tư ngoài Nhà nước cũng đã đổ hàng nghìn tỷ đồng vào các công trình dịch vụ du lịch, tạo thêm dáng vẻ mới, hiện đại và trẻ trung cho Côn Đảo. Chỉ riêng trong năm 2012, khu vực đầu tư nước ngoài đã thực hiện chuyển gần 100 tỷ đồng vốn đăng ký sang vốn thực hiện. Diện mạo ngành du lịch huyện Côn Đảo đã được nâng tầm nhờ sự hiện diện của một số khu du lịch mới. Trong đó đặc biệt là sự góp mặt của khu resort Evason Hideway Sixsenses tại Đất Dốc với tổng vốn đầu tư hơn 38 triệu USD, đã khai trương hoạt động đầu năm 2011. 3 DA du lịch lớn khác cũng đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư và đang được triển khai XD Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Việt - Nga của Cty TNHH Việt Nga tại khu vực Bến Đầm, với tổng vốn trên 5 triệu USD, quy mô 125 phòng khách sạn, đã thực hiện được 35%; Khu du lịch Poulo Condor cua Cty CP Cam Ly, tại bãi Vông - Cỏ Ống, đang triển khai xây dựng đường nội bộ để vận chuyển thiết bị, vật liệu; DA Khu du lịch nghỉ dưỡng và lướt sóng Condao-Shangri-la, do Cty TNHH Condao- Shangri-la Surfing Resort làm chủ đầu tư, đang được tiến hành các thủ tục đầu tư. Các doanh nghiệp trong nước, và khu vực nhân dân cũng đã đầu tư được 58 tỷ đồng cho các công trình nhà hàng, nhà nghỉ, cửa hàng tiện ích, nhà ở....
Côn Đảo đang được khoác trên mình một chiếc áo mới hiện đại, trẻ trung, và bước đầu đã mang dáng dấp của một trung tâm du lịch có tầm vóc …
Côn Đảo là một quần đảo nằm ở phía Đông-Nam của Việt Nam, cách Vũng Tàu 97 hải lý và cách TP.HCM 120 hải lý. Côn Đảo gồm có 16 hòn đảo lớn nhỏ, với diện tích 76 km2. Trong đó đảo lớn nhất là đảo Côn Sơn, có diện tích 51 km2. Dân số khoảng 6.500 người. Côn Đảo nổi tiếng với nhiều bãi biển đẹp, nước biển trong xanh và bờ cát dài… được che mát bởi những hàng cây Bàng cổ thụ. Côn Đảo còn là vườn Quốc gia với rừng nguyên sinh và thảm động thực vật phong phú và đa dạng. Trong đó có nhiều chủng loại phong lan, động vật rừng như: Sóc đen, Sóc đỏ dạ, Chim gầm gì… Đặc biệt Côn Đảo là một trong những nơi duy nhất tại Việt Nam về bảo tồn bò biển (Dugong), cá heo, các loại rùa biển (Vích). |
Mạnh Cường
Theo baoxaydung.com.vn