(Xây dựng) - Hà Nội nổi tiếng với những hàng cây xanh, những mặt hồ phẳng lặng, nhưng sự cổ điển của phố, sự quyến rũ của một không gian bàng bạc xa vắng của Thành phố nghìn năm tuổi lại là màu vàng. Màu vàng của những ngôi nhà cũ, những biệt thự xưa, màu vàng của kí ức và kỉ niệm.
Có vài lần tôi tự hỏi, màu đặc trưng cho phố xá Hà Nội là gì, màu trắng, màu xanh, màu vàng hay màu đỏ? Gần đây tôi phát hiện ra từ trên cao nhìn xuống Hà Nội gần như toàn màu đỏ vì hầu hết mái ngói những ngôi nhà đều sắc đỏ. Người ta yêu thích màu đỏ một phần vì đặc trưng của thứ đất nâu chuyển màu khi được nung ở nhiệt độ cao, rồi cả khi có các vật liệu khác thay thế thì người ta vẫn ưa màu đỏ ấy. Nhưng đó là màu đỏ ở trên cao, mấy ai có dịp lên cao để ngắm Hà Nội, ở trên máy bay hoặc tầng thượng các ngôi nhà cao vút. Màu vàng thì gần gũi và đặc trưng hơn, sắc vàng từ dưới thấp, soi rọi, vút tận đỉnh, là màu sắc đặc trưng của những kiến trúc cũ, những dinh thự, biệt thự cổ điển của một Hà Nội, đằm sâu trong quá khứ vời vợi.
Những tòa nhà điển hình nhất của Hà Nội đều có màu vàng. Đó là màu vàng của Nhà Hát Lớn sang trọng trên phố Tràng Tiền, là Đại học Dược Hà Nội trầm mặc trên phố Lê Thánh Tông, là Phủ Chủ Tịch uy nghiêm ở Quảng trường Ba Đình, là những biệt thự trên phố Phan Đình Phùng, Trần Hưng Đạo, Trần Phú, Lý Thường Kiệt… Đã nhiều lần những công trình như Nhà Hát Lớn được sơn lại, các dinh thự được sửa sang, cải tạo, nhưng người ta chỉ chỉnh trang lại nội thất, lắp đặt thêm các thiết bị hiện đại, còn màu vàng của tường sơn gần như được giữ nguyên. Những toà nhà nổi tiếng thậm chí còn được công chúng chú ý xem màu sơn mới là vàng đậm hay vàng nhạt so với màu cũ để phản hồi. Màu vàng đã trở thành thứ màu cổ điển của phố xá Hà Nội.
Màu vàng của những ngôi nhà cũ, biệt thự cổ điển thường xen kẽ với màu xanh của cây lá và các ô cửa sổ. Nếu màu vàng là nổi trội, là đặc trưng của thành tường thì màu xanh là đặc trưng của cửa sổ.Tường vàng, cửa xanh gần như trở thành mẫu mực của sự phối màu, là vẻ đẹp thanh lịch quý phái của những biệt thự cổ điển.
Tôi đã tìm hiểu vì sao người ta yêu thích màu vàng. Sắc vàng có ưu điểm là một trong những màu bền bỉ nhất trong điều kiện khắc nghiệt của các vùng nhiệt đới, nóng ẩm, mưa nhiều. Nghĩa là nếu ta sơn, quét ve ngôi nhà bằng màu vàng thì nó sẽ ít phai, bạc hơn so với các màu khác. Màu vàng bền bỉ với thời gian và cũng là thứ màu sắc của sự quý phái, sang trọng. Các đồ ngự dụng của vua thường màu vàng, kim loại vàng cũng là thứ được người ta ưa chuộng nhất, lấy làm thước đo về giá trị hay các tiêu chuẩn: chữ tín quý hơn vàng, tiêu chuẩn vàng, lời nói vàng, im lặng là vàng…
Thỉnh thoảng tôi đi bộ trong phố cổ và quan sát những dãy nhà hai bên đường. Dù bây giờ nhà cửa Hà Nội đã đa dạng hơn rất nhiều, màu sắc và chất liệu phong phú nhưng những ngôi nhà màu vàng vẫn gây chú ý và là điểm nhấn nổi bật. Tôi dạo qua phố Châu Long và thấy những ngôi nhà cũ màu vàng vẫn là những vị trí thu hút nhất. Nhà thờ Cửa Bắc nằm giữa một vùng cây sấu cổ thụ của phố Phan Đình Phùng nhưng màu vàng đặc trưng và kiến trúc đồ sộ thì từ xa đã nhận ra. Trường Chu Văn An vẫn hiện hữu một vẻ cổ kính sâu lắng bởi màu vàng xưa cũ của quá khứ, dù đi trên đường Nguyễn Đình Thi sát Hồ Tây hay đường Thuỵ Khuê tấp nập. Các tuyến phố của Hà Nội đã thay đổi rất nhiều nhưng nếu chầm chậm đi qua thì một ngôi nhà màu vàng cổ kính thì đó vẫn là một khoảng kỉ niệm, một màu sắc rất đáng lưu ý trên hành trình du ngoạn và khám phá thành phố.
Thỉnh thoảng ở Hà Nội ta sẽ gặp những con phố rất vắng. Ồ, sao thành phố lớn và nhộn nhịp thế này lại có những con phố vắng đến thế. Một đô thị lớn, là Thủ đô, trung tâm của chính trị, kinh tế, văn hóa, tưởng chừng chỗ nào cũng ồn ào, náo nhiệt mà thảng ra lại bắt gặp những phố vắng đến ngỡ ngàng. Và ta ngẩng đầu nhìn hai bên phố, thấy một màu vàng xưa cũ, bạc phếch của thời gian. Tôi đã từng đi qua phố Phan Huy Ích nhiều lần và lần nào cũng băn khoăn ngỡ ngàng về một màu vàng xưa cũ và những ngôi nhà giống nhau. Nếu là một màu sắc khác, có thể không gợi ra những cảm xúc và tình cảm như thế. Màu vàng của quá khứ, của dĩ vãng, gợi một chút buồn xa vắng như trong thơ Bà Huyện Thanh Quan. Phải rồi, nữ thi sĩ này đã từng đi qua chùa Trấn Bắc/Trấn Quốc và có bài thơ về ngôi chùa cổ kính bậc nhất của Hà Nội cũng xuyết một màu vàng:
“Trấn Bắc hành cung cỏ dãi dầu/ Khách đi qua đó chạnh niềm đau/ Mấy toà sen rót mùi hương ngự/ Năm thức mây phong nếp áo chầu/ Sóng lớp phế hưng coi đã rộn/ Chuông hồi kim cổ lắng càng mau/ Người xưa, cảnh cũ, nào đâu tá?/ Khéo ngẩn ngơ thay lũ trọc đầu!”.
Và chùa Trấn Quốc, các ngôi chùa trong phố Hà Nội cũng cơ bản là màu tường vàng. Tôi đi qua chùa Hoè Nhai, xem tượng ông vua cõng phật, một hình khối không mấy phức tạp nhưng gợi rất nhiều liên tưởng và những câu chuyện lí thú. Nếu đi một vòng quanh hồ Tây thì sẽ thấy rất rõ màu vàng của các ngôi chùa cổ kính. Không những người phương Tây thích màu vàng vì sự bền bỉ, sang trọng, Phật giáo phương Đông cũng rất thích màu vàng, vàng của tượng phật, vàng của sơn tường, vàng của màu áo trong những dịp lễ trọng…
Phố Hà Nội những lúc giao mùa còn có màu vàng của lá. Những khi đi qua phố Phan Đình Phùng, Trần Phú, thảng khi lại gặp những trận mưa lá sấu ào ào. Lá sấu rụng màu vàng non phấp phới và trùng hợp thay trên hai con phố này có rất nhiều biệt thự màu vàng. Đặc biệt là ở phố Phan Đình Phùng, khi hàng cây cổ thụ che kín mặt phố thì thỉnh thoảng lại gặp những vệt nắng màu vàng rọi trên đường hoặc soi hắt mặt tiền những biệt thự cổ điển.
Không những kiến trúc Pháp đặc trưng màu vàng, những ngôi nhà của người Hà Nội nơi phố thị cũng ưa màu vàng. Những ngôi nhà cũ của dân thành thị quanh những khu vực buôn bán sầm uất nhất như Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Chiếu... cũng nhiều sắc vàng. Tôi chưa thống kê cụ thể nhưng bằng cảm quan thực tế thì có thể tin rằng, màu vàng của nhà cửa, kiến trúc là thứ màu được ưa chuộng nhất ở nơi đây.
Mỗi thành phố, mỗi vùng miền có một màu sắc riêng phản ánh sở thích, thói quen và tập tục của dân cư nơi ấy. Hà Nội có một sự đồng điệu và hòa đồng khá đặc biệt, khi thành phố có sự hài hòa và giao thoa muôn mặt. Nơi đây là chỗ tụ hợp của ẩm thực trăm miền, chốn này là miền kết đọng của văn hóa muôn nơi, là mảnh đất lành người tứ xứ, bốn phương tám hướng tụ về sinh sôi phát triển và kể cả màu sắc: đỏ, vàng, trắng, xanh cũng được hòa quyện trong một bối cảnh rất đa dạng và phong phú.
Và tất nhiên màu vàng có một vị thế, một nét đặc trưng riêng trong Thành phố hơn nghìn năm tuổi này.
Tôi yêu những sắc vàng của Hà Nội!
Uông Triều
Theo