Việc góp vốn mua chung đất là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật, đồng thời những người góp vốn phải có tên trong sổ đỏ đối với phần đất cùng góp tiền để mua.
Góp tiền mua chung đất có thể phát sinh nhiều tranh chấp. Ảnh minh họa: LĐO |
Rủi ro khi khai thác quyền sử dụng đất
Pháp luật về đất đai của Việt Nam (khoản 2 Điều 98 Luật Đất đai 2013) ghi nhận trường hợp nhiều người cùng sở hữu quyền sử dụng đất cũng như yêu cầu khi xảy ra trường hợp sở hữu chung quyền sử dụng đất, thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) phải ghi đầy đủ tên những người có chung quyền.
Mặc dù sổ đỏ có ghi tên của những người góp vốn cùng mua đất nhưng lại không xác định được giới hạn của quyền khai thác nên dễ xảy ra tranh chấp.
Vì vậy, khi góp tiền mua chung đất, các bên cần lập văn bản thỏa thuận tỉ lệ góp vốn mua nhà đất chung đó (có công chứng theo quy định của pháp luật) nhằm phân định rõ ràng giới hạn mỗi người có thể khai thác quyền sử dụng đất, nhằm đảm bảo có cơ sở để chia lợi nhuận, tránh tranh chấp về sau.
Rủi ro khi định đoạt quyền sử dụng đất
Tương tự như trong rủi ro về khai thác quyền sử dụng đất, sổ đỏ chưa đủ để thống nhất việc định đoạt quyền sử dụng đất về sau.
Căn cứ Điều 218 Bộ luật Dân sự 2015 về việc định đoạt tài sản chung:
- Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền định đoạt phần quyền sở hữu của mình.
- Việc định đoạt tài sản chung hợp nhất được thực hiện theo thỏa thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của pháp luật.
- Trường hợp một chủ sở hữu chung theo phần bán phần quyền sở hữu của mình thì chủ sở hữu chung khác được quyền ưu tiên mua.
Việc định đoạt tài sản chung phải được áp dụng theo quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều 218 Bộ luật Dân sự 2015. Những người góp tiền mua đất chung cũng cần lập văn bản thỏa thuận việc định đoạt quyền sử dụng đất.
Hạn chế rủi ro khi góp tiền mua chung đất
Để hạn chế các rủi ro khi góp tiền mua chung đất, những người góp vốn cần chú ý thực hiện những việc sau:
- Hợp đồng góp tiền mua đất cần được lập thành văn bản, có chữ ký của các bên tham gia.
- Thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng theo quy định của pháp luật.
- Nếu không lựa chọn hình thức hợp đồng bằng văn bản hoặc không có đủ điều kiện lập thành văn bản, hợp đồng phải thực hiện bằng lời nói thì cần có các đoạn ghi âm, ghi hình để chứng minh giao dịch.
- Áp dụng theo quy định của pháp luật, yêu cầu mỗi chủ sở hữu đều có một Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trong trường hợp lựa chọn một người đại diện đứng tên cần có giấy tờ chứng minh thỏa thuận cho người đó đại diện đứng tên.
Theo Minh An/Laodong.vn
Link gốc: https://laodong.vn/bat-dong-san/rui-ro-khi-gop-tien-mua-chung-dat-900599.ldo