Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có công văn loại trừ một số đối tượng vay liên quan đến BĐS ra khỏi dư nợ cho vay phi sản xuất. NHNN yêu cầu các NH tiếp tục thực hiện biện pháp kiểm soát hoạt động cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất; thống kê dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất gửi NHNN chậm nhất vào ngày 12 tháng tiếp theo tháng báo cáo. Để xác định tỷ trọng dư nợ cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất so với tổng dư nợ cho vay, NH được loại trừ dư nợ cho vay đối với một số nhu cầu vốn phục vụ tiêu dùng bao gồm nhu cầu vốn để sửa chữa nhà và mua nhà để ở mà nguồn trả nợ bằng tiền lương, tiền công của khách hàng vay.
Đối với dư nợ cho vay để đầu tư, kinh doanh BĐS, bao gồm xây dựng nhà để bán, cho người thu nhập thấp, công nhân lao động tại các KCN, KCX, KKT thuê; xây dựng nhà ở cho công nhân KCN nhưng không thu tiền thuê nhà hoặc thu tiền thuê với giá không vượt quá mức giá do UBND tỉnh ban hành kèm thêm điều kiện; hoàn thiện các dự án phát triển nhà ở được bàn giao, đưa vào sử dụng trước ngày 01/01/2012 theo nội dung hợp đồng trong hoạt động xây dựng giữa chủ đầu tư và nhà thầu, hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng mua bán nhà ở, hợp đồng thuê tài sản.
Quy định này là tín hiệu tốt đối với người dân đang có nhu cầu nhà ở vì họ đã có thể tiếp cận nguồn vốn vay NH. NH có tỷ trọng dư nợ phi sản xuất trong tổng dư nợ cao cũng có điều kiện để giảm xuống. Theo lộ trình của NHNN, tỷ lệ dư nợ phi tín dụng của các NH sẽ giảm từ mức 20% của ngày 30/6 xuống 16% vào ngày 31/12/2011.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, công văn của NHNN Việt Nam cũng chung quan điểm của Bộ Xây dựng bởi trong các kiến nghị của Bộ Xây dựng gửi lên Chính phủ cũng khẳng định nên tiếp tục thực hiện nghiêm túc yêu cầu của Chính phủ về giảm tốc độ và tỷ trọng tín dụng BĐS nhưng cần có lộ trình hợp lý, tránh giảm đột ngột, gây sốc. Một số khoản mục sẽ phải giảm tỷ trọng cho vay như: Vay xây dựng KĐT; vay xây dựng văn phòng (cao ốc) cho thuê; vay xây dựng để chuyển nhượng trung tâm thương mại, chợ, cửa hàng; vay xây dựng, sửa chữa, mua nhà để bán; vay mua quyền sử dụng đất hoặc bồi thường GPMB. Ngược lại, một số khoản sẽ tăng tỷ trọng cho vay như: Vay xây dựng cơ sở hạ tầng (nhà, xưởng) phục vụ sản xuất, kinh doanh; vay mua nhà để ở; vay để hoàn thiện các dự án đã gần hoàn thành để tăng tính thanh khoản cho sản phẩm, bán và thu hồi vốn đầu tư.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng kiến nghị tăng cường quản lý, kiểm soát đảm bảo thị trường BĐS phát triển cân đối giữa cung và cầu; kiên quyết không cho phép triển khai các dự án không có trong quy hoạch, không có khả năng kết nối hạ tầng; thực hiện nghiêm túc các quy định về chia lô, bán nền, bán nhà xây thô trong các dự án phát triển nhà ở; đặc biệt các dự án nhà ở tại Hà Nội và TP.HCM phải có tỷ lệ nhà chung cư trên 80%, hạn chế phát triển nhà ở cao cấp, biệt thự; đẩy mạnh các chương trình nhà ở xã hội trọng điểm...
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam nhận định, nếu tiếp tục một thời gian dài chính sách kiểm soát tín dụng chặt chẽ, dư nợ tín dụng BĐS tiếp tục giảm số tuyệt đối như hiện nay, thị trường BĐS sẽ tiếp tục đóng băng, nhiều DN không có khả năng hoàn thiện dự án sẽ buộc phải bán hàng dưới giá thành và không có khả năng trả nợ NH. Nhưng nếu có sự điều chỉnh chính sách tín dụng linh hoạt, lãi suất NH ổn định, dòng tiền được hướng vào các phân khúc có tính thanh khoản cao, tạo được niềm tin vào thị trường của những người có nhu cầu thì thị trường sẽ sớm phục hồi.
Việt Hồng
Theo baoxaydung.com.vn