Thứ năm 28/03/2024 18:55 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Rào Trăng - giăng nước mắt!

15:27 | 20/10/2020

(Xây dựng) - Vậy là đã gần một tuần trôi qua. Tôi cứ ngong ngóng về miền Trung để nghe tin về mưa lũ. Những con số thiệt hại khô khốc cứ như giằng xé trên trang viết. Khắp nơi ngập. Thiệt hại chưa kể hết.

rao trang giang nuoc mat
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Rồi thông tin từ Rào Trăng dồn về, thành tâm điểm của thảm họa lũ lụt. 29 người mất tích, trong đó mới tìm thấy 13 người - của Đoàn công tác tìm kiếm cứu nạn. Con số như nốt lặng thách thức trước những nỗ lực không ngừng của những người tìm kiếm.

Trớ trêu thay, Rào Trăng những ngày này mưa vẫn dày sậm bùn đất. Những người còn lại, các anh - có ai còn không, sao chưa thấy trả lời! Các anh nơi đâu dưới ngàn tấn đất đá kia!? Thời gian không chờ. Đất đá vô tri chẳng thể trả lời. Còn 16 người… chưa thấy hồi âm!(?). Những cái tên đã thuộc làu trong tâm trí. Nước mưa hòa cùng nước mắt. Bao ánh mắt vẫn căng căng hướng về phía núi, dõi theo từng bước chân của những người “đi tìm đồng đội”...

Chưa năm nào như năm nay, mưa lũ cứ tới tấp giáng xuống miền Trung. Mảnh đất vốn đã nghèo khó nay lại càng khó khăn hơn. Nhà cửa tan hoang, đói rét, bệnh tật… Bao cực nhọc cứ chồng chất. Nước chưa kịp rút, đã lại đợt mưa tiếp nối. Cảnh hoang tàn hiển hiện đến xót xa. Có chứng kiến cảnh những người dân chạy lũ, những đứa trẻ run run trong mưa rét mới thấy nỗi đau mà thiên tai đem tới tàn khốc thế nào!

Thời điểm này gian khó muôn bề đang dồn lên những đồng bào chịu bão lũ. Cơn mưa trước chưa ráo, đợt mưa sau đã ào tới. Rồi áp thấp nhiệt đới. Rồi bão số 7 nối tiếp. Rồi nước dâng. Núi lở. Lũ liên tiếp về… Tất tật đang cứ khoét sâu vào sức lực vốn đang kiệt quệ của người miền Trung. Hơn lúc nào hết, người dân vùng bão lũ đang rất cần sự sẻ chia của đồng bào cả nước. Chính phủ đã cử đoàn công tác đến tận những nơi khó khăn nhất. Đích thân Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo: Sẽ làm hết sức mình, tập trung chỉ đạo các lực lượng triển khai tìm kiếm cứu nạn với tinh thần trách nhiệm cao nhất, triển khai nhanh nhất, khẩn trương nhất nhằm giảm thiểu những thiệt hại.

Trước mỗi mùa bão lũ Chính phủ đều thúc giục các địa phương khẩn trương chuẩn bị nguồn lực phòng chống. Nhưng thiên tai tàn khốc chẳng thể lường hết. Nước dâng. Nhà ngập - sập. Người trôi. Của cải mất hết. Đã qua bao mùa lũ như thế, song còn đó đau đáu bao câu hỏi về các giải pháp giúp người dân sống chung với bão lũ, giúp giảm nhẹ thiệt hại cho người dân. Khôi phục những khoảng rừng đã mất, tạo ra những hồ chứa nước để trung hòa lũ dữ, hay những biện pháp nào khác nữa… đó là những điều phải nghiên cứu để có thể phát triển bền vững.

Khi tôi viết những dòng này, miền Trung nhiều nơi mưa vẫn trắng trời. Bao chiến sĩ vẫn đội mưa lần tìm trên từng tấc đất. Cóng lạnh trong mưa. Nhạt nhòa trong nước mắt! Núi rừng kia như đanh lại trước nỗi đau khôn cùng. Tiếng máy chìm trong tiếng mưa, trong tiếng khóc xé lòng của những người mẹ, người vợ, người con bằn bặt hút sâu vào lòng núi.

Núi rừng Rào Trăng lặng im như lời thú tội. Nhật ký đồng nghiệp tôi viết: Khói hương nghi ngút. Tất cả lặng im rồi vỡ oà trong tiếng khóc. Tim ai cũng nhói đau!”.

Từ thảm họa Rào Trăng 3… Đến bao giờ ta thôi kêu gào về sự mất đi của những cánh rừng vốn một thời trải suốt một dải Trường Sơn hùng vĩ? Đến bao giờ chúng ta hết loay hoay trong cái thế bị động mỗi khi bão lũ sắp tràn về? Và đến bao giờ người dân mới hết “tự rút ra bài học” sau mỗi đau thương giằng xé???

Chẳng ai có thể nén được nước mắt trước nỗi đau khôn cùng ấy. Và, chúng tôi nơi này, tâm can cũng rối bời, lỗ mỗ trên từng con chữ!

Ngọc Lý

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load