(Xây dựng) - Để thực hiện mục tiêu xây dựng Thái Nguyên trở thành đô thị sáng- xanh- sạch- đẹp, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững mới đây thành phố này đã triển khai thực hiện Đề án Phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.
Ông Mai Anh Kiểm, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP chủ trì hội nghị triển khai Đề án.
Thành phố Thái Nguyên có diện tích tự nhiên 189,7km2, dân số trên 33 vạn người, có 28 đơn vị hành chính gồm 19 phường và 9 xã; là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật, y tế, du lịch của tỉnh Thái Nguyên và vùng trung du miền núi Bắc Bộ; đầu mối giao thông quan trọng nối các tỉnh miền núi phía Bắc với thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ.
Nhiều năm qua, kinh tế thành phố Thái Nguyên luôn có bước tăng trưởng ổn định, có cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng tích cực; quản lý đô thị tiếp tục được thực hiện có hiệu quả; an sinh xã hội được đảm bảo; văn hóa thông tin được triển khai rộng rãi với nhiều hình thức phong phú; an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội cơ bản được đảm bảo. Năm 2010 thành phố Thái Nguyên được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Thái Nguyên.
Kinh tế- xã hội phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân thành phố Thái Nguyên ngày càng được nâng lên, cùng với yêu cầu ngày càng cao về chất lượng dịch vụ hạ tầng đô thị, trong đó có dịch vụ thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt với khối lượng ngày càng lớn.
Khối lượng rác thải sinh hoạt trung bình thu gom được trên địa bàn thành phố khoảng 130 tấn/ngày, tương đương 47.450 tấn/năm.
Hiện tại, toàn bộ rác sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh tại bãi số 2 và bãi số 3, diện tích 2,8ha thuộc khu xử lý rác thải Khe Đá Mài, xã Tan Cương. Với công nghệ xử lý hiện tại và lượng rác thải ra ngày càng tăng thì theo tính toán, hai bãi hôn lấp này sẽ bị lấp đầy và đóng cửa vào năm 2016.
Tuy nhiên, trên thực tế do nhiều nguyên nhân, ty lệ thu gom rác hiện tại chỉ đạt 78,8%. Trong khi đó, việc xử lý rác thải sinh hoạt bằng phương pháp chôn lấp không còn phù hợp do cần nhiều diện tích đất.
Từ thực trạng thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn, những lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường của việc phân loại rác tại nguồn; đồng thời để có nguồn nguyên liệu cung cấp cho nhà máy xử lý rác cùng với việc triển khai thực hiện đề án phân loại rác tại nguồn thành phố Thái Nguyên đang tiến hành công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác sinh hoạt bằng công nghệ đốt, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay. Sau khi nhà máy hoàn thành, đi vào hoạt động sẽ xử lý được toàn bộ lượng rác thải phát sinh trên địa bàn, trong đó chỉ còn một số lượng rác nhỏ, khoảng 4,6 tấn/ngày được đem chôn lấp.
Các loại rác hiện đang được thu gom chung đem đi chôn lấp
Theo ông Mai Anh Kiểm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Thái Nguyên: Mục tiêu của việc thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn nhằm hạn chế đến mức thấp nhất lương rác thải đem chôn lấp, tiết kiệm đất đai, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm, đồng thời tăng hiệu suất, thời gian khai thác bãi chôn lấp hiện có, giảm chi phí xử lý rác từ ngân sách.
Bên cạnh đó, việc thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn còn nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và người dân trong việc bảo vệ môi trường; từng bước hình thành lối sống thân thiện với môi trường, góp phần xây dựng nếp sống văn minh đô thị.
Theo đó, khi có rác, chủ nguồn thải thực hiện tách rác thành 3 loại: rác đốt được (thực phẩm thừa, rau củ quả, lá cây, vỏ hộp giấy…) rác không đốt được (cát, sỏi, đá, thủy tinh vỡ, sành sứ…) và rác tái chế được như kim loại, giấy, nhựa, vỏ hộp, chai lọ…
Sau khi tách xong, chủ nguồn thải bỏ rác vào thùng hoặc túi đựng có màu sác theo quy ước: màu xanh lá cây đựng rác đốt được, màu đỏ (hồng) đựng rác không đốt đươch và màu còn lại đựng rác tái chế được. Đến giờ thu gom, công nhân thu gom rác sẽ đến từng hộ để nhận rác. Nhờ vậy, rác thành phố Thái Nguyên sẽ sạch hơn.
Nói về hiệu quả của đề án, ông Mai Anh Kiểm- Phó Chủ tịch UBND thành phố Thái Nguyên cho rằng, việc phân loại rác sinh hoạt tại nguồn là hành động nhỏ tưởng như đơn giản, rất dễ thực hiện, song không dễ chút nào. Bởi thói quen của người dân lâu nay là tất cả các loại rác sinh hoạt đều đổ dồn vào một túi và đem bỏ, bây giờ muốn người dân phân loại rác tại nguồn thì phải thường xuyên tuyên truyền, vận động để thay đổi thói quen và nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường.
“Xác định đây là việc lâu dài nên thành phố đã làm tốt các mô hình thí điểm, sau đó mới nhân rộng ra. Kinh nghiệm từ Nhật Bản trước đây, họ cũng mất vài chục năm tuyên truyền, vận động sau đó đa số người dân mới nghe và tự nguyện phân loại rác tại nguồn. Do đó, thành phố Thái Nguyên cũng sẽ thực hiện theo cách chậm nhưng hiệu quả”- ông Mai Anh Kiểm nói.
Nguyễn Thành Vân
Theo