(Xây dựng) - Ngày 21/01, Viện Kiến trúc Quốc gia đã tổ chức Lễ ra mắt và gặp mặt đầu xuân tại Hà Nội. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã tới dự.
Viện Kiến trúc Quốc gia được thành lập theo Quyết định số 995/QĐ-BXD ngày 09/10/2013 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, trên cơ sở tổ chức lại Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị và Nông thôn.
Chúc mừng Lễ ra mắt của VIện, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết: Trải qua nhiều thời kỳ đổi tên và sáp nhập, đến nay Viện chính thức mang tên Viện Kiến trúc Quốc gia (KTQG). Điều đó thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với nền KTQG.
Theo Bộ trưởng, tất cả mọi hoạt động kiến trúc đều gắn liền với các công trình xây dựng, nó không chỉ tạo ra cơ sở vật chất mà còn tạo ra các công trình văn hóa, nâng cao đời sống cho người dân. Do đó, lĩnh vực kiến trúc có vai trò rất lớn.
Bộ trưởng chỉ đạo: Với vị thế và tầm vóc lớn hơn, Viện có nhiệm vụ cần tập trung nghiên cứu, đưa ra được lời giải cho việc gìn giữ, phát huy quỹ di sản kiến trúc truyền thống và phát triển kiến trúc Việt Nam tương lai.
Mẫu số chung của kiến trúc Việt Nam trong thời kỳ CNH-HĐH như thế nào cần phải có sự tổng kết, vì đây là khoảng trống rất lớn đòi hỏi các nhà kiến trúc cần có lời giải đáp.
Bộ trưởng cũng yêu cầu Viện cần tập trung vào nghiên cứu lý luận, phê bình kiến trúc; tập trung nghiên cứu các chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn kiến trúc,; việc bảo tồn, tôn tạo các công trình kiến trúc.
Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, việc nghiên cứu của Viện cần tập trung bám sát vào lĩnh vực của ngành, của đất nước với những vấn đề xã hội đang đòi hỏi như: nhà ở thu nhập thấp, nhà ở chống lũ, nhà ở ứng phó với biến đối khí hậu…
Bộ trưởng nhấn mạnh, Viện cần đặc biệt quan tâm đến nhiệm vụ đào tạo thật nhiều các tiến sỹ để nâng cao năng lực cán bộ, trở thành viện khoa học đầu ngành. Muốn làm được điều này, Viện cần phải nâng cao tiềm lực của mình bằng nguồn vốn; công nghệ, cơ cấu tổ chức bộ máy; và nguồn nhân lực, trong đó, nhân lực là yếu tố quan trọng nhất, nên phải có cơ chế để thu hút nhân tài, những người có kinh nghiệm, trình độ và tâm huyết .
Bộ trưởng cũng bày tỏ sự tin tưởng rằng với truyền thống và hào khí mới, những người làm khoa học và các cán bộ của Viện KTQG sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
Ông Đỗ Thanh Tùng, Viện trưởng Viện KTQG cho biết, trong giai đoạn đầu mới thành lập, Viện đang đứng trước những cơ hội cũng như thách thức lớn. Với trọng trách to lớn được lãnh đạo Bộ Xây dựng giao phó, Viện KTQG sẽ cố gắng giữ vững đoàn kết và phát huy tối đa khả năng sáng tạo của toàn thể cán bộ Viện để hoàn thành tốt những nhiệm vụ mà Bộ giao phó, từng bước đạt được những mục tiêu chính mà Viện đã đề ra.
Theo Quyết định số 995/QĐ-BXD, Viện KTQG có nhiệm vụ thực hiện các nhiệm vụ phục vụ công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch xây dựng được Bộ trưởng Bộ Xây dựng giao hoặc cơ quan nhà nước đặt hàng; lập kế hoạch 5 năm, hàng năm và tổ chức thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ công tác của Viện, thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật… trong lĩnh vực kiến trúc, đô thị và xây dựng. Đồng thời, Viện có trách nhiệm tổ chức nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực kiến trúc và nghiên cứu định hướng, chiến lược, chính sách bảo tồn và phát triển kiến trúc Việt Nam, chính sách phát triển đô thị, nhà ở và các loại công trình khác, cũng như tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực được phân công… Viện có trách nhiệm tổ chức nghiên cứu phát triển, nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực kiến trúc và quy hoạch xây dựng; tổ chức thực hiện công tác tư vấn và dịch vụ kỹ thuật trong lĩnh vực xây dựng, kiến trúc, quy hoạch xây dựng và hạ tầng kỹ thuật. Viện KTQG còn có nhiệm vụ tổ chức đào tạo tiến sỹ, thạc sỹ chuyên ngành kiến trúc; đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác nghiên cứu, tư vấn, thiết kế kiến trúc và phục vụ cho việc cấp chứng chỉ hành nghề chuyên ngành kiến trúc và xây dựng…. |
Phạm Bùi -Ảnh Thiên Trường
Theo