Ngày 11/11, tại TP Long Xuyên, tỉnh An Giang. Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị Giao ban kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL.
Nhà ở trong tuyến dân cư vượt lũ ĐBSCL. Ảnh: Mai Thanh
An toàn trong mùa lũ
Theo báo cáo của Ban Điều phối chương tình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ BĐSCL, đến nay Giai đoạn 1 của chương trình đã hoàn thành 100% dự án tôn nền đắp bờ bao (804 dự án); công trình giao thông nội bộ đạt 94,6%; công trình thoát nước thải hoàn thành 90%; xây dựng xong 97.809 căn nhà (đạt 87%); bố trí được 134.537 hộ dân vào ở trong các cụm tuyến, dân cư và bờ bao (đạt 90%).
Với kết quả đạt được nên trận lũ đặc biệt vừa qua dù mức ngập cao hơn năm 1961 và năm 2000 nhưng hầu hết các cụm, tuyến dân cư và bờ bao khu dân cư vẫn đảm bảo an toàn, các hộ dân trong các cụm, tuyến dân cư không bị thiệt hại về người và tài sản. Trong thời gian có lũ, người dân vẫn sinh hoạt bình thường, không còn phải lo chạy trốn lũ.
Ông Trần Trung Nghĩa - Giám đốc Sở Xây dựng An Giang cho biết: Chương trình này, tỉnh An Giang khởi động từ năm 2002, đã tạo điều kiện cho gần 30 nghìn hộ nghèo thường xuyên bị lũ lụt đe dọa về tính mạng và tài sản có nơi ở ổn định cho dù lũ có lên cao như trận lũ vừa qua. Không chỉ vậy, bà con còn khai thác lợi thế của mùa nước nổi để làm kinh tế như đánh bắt thủy sản, trồng các loại cây thủy canh... Với việc thực hiện chương trình này còn giúp địa phương xóa đói giảm nghèo, hình thành các điểm đô thị nông thôn… góp phần xây dựng nông thôn mới và giữ vững an ninh chính trị. Như vậy, ý nghĩa và sự cần thiết của chương trình đã được chứng minh, được đa số người dân đồng tình.
Bà con vùng ngập lũ tỉnh Vĩnh Long cũng rất phấn khởi khi dần sống quen trong các cụm, tuyến dân cư vượt lũ. Ông Đoàn Thanh Bình - đại diện tỉnh Vĩnh Long cho biết: Đỉnh lũ năm 2011 vừa qua đã vượt báo động cấp 3 nhưng người dân trong các cụm, tuyến dân cư không phải chạy lũ, thiệt hại về người và tài sản giảm đáng kể, tiết kiệm ngân sách cho Nhà nước.
Tuy vậy, kết thúc giai đoạn 1 vẫn còn một số những tồn tại cần được khắc phục trong quá trình thực hiện giai đoạn 2 của chương trình. Đó là, một bộ phận dân theo kế hoạch chưa vào ở trong các cụm, tuyến dân cư nên số hộ này đã gặp khó khăn trong thời gian có lũ. Việc kè chống sạt lở các cụm tuyến dân cư gặp khó khăn về vốn nên chưa thực hiện nên một số địa bàn đã bị sạt lở. Việc xử lý rác, đảm bảo vệ sinh môi trường cũng chưa được chú trọng tại một số cụm, tuyến, khiến cho giai đoạn 1 của chương trình chưa đạt được hiệu quả như đã đề ra. Tuy nhiên, với sự phối hợp từ các cấp, bộ, ngành nên về cơ bản giai đoạn 1 đã thành công, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương vùng ngập lũ ĐBSCL và trong bối cảnh của biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng phức tạp.
Sẽ hoàn thành đúng tiến độ
Đó là lời khẳng định của Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam và sự quyết tâm cao của những người thực hiện chương trình.
Theo đánh giá của Ban Điều phối chương trình, mặc dù chưa hoàn thành toàn bộ chương trình nhưng tại các cụm, tuyến đã hoàn thành tôn nền, người dân đã có thể lên đó để tránh lũ và đảm bảo cho một số khu vực nuôi trồng không bị nước lũ phá hủy khi đã có bờ bao. Tuy nhiên, việc triển khai các dự án trong thời gian này đã bị chậm so với tiến độ đề ra và các địa phương đã thực hiện không đồng đều.
Để đẩy nhanh tiến độ, đại diện các địa phương đã đề xuất những kiến nghị như: Bổ sung một số dự án cụm, tuyến dân cư để bố trí các hộ dân trong khu vực ngập lũ và sạt lở vào ở, tăng suất đầu tư tôn nền và xây dựng hạ tầng kỹ thuật thiết yếu trong các cụm, tuyến dân cư. Đề nghị cấp toàn bộ vốn từ ngân sách trung ương cho công tác xây dựng hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, đặc biệt đối với xây dựng bãi rác hoặc kè chống sạt lở có thể sử dụng nguồn vốn đó hoặc cho địa phương vay với lãi suất ưu đãi. Số vốn ngân sách được phê duyệt đến nay chưa cấp, cần bố trí kịp thời.
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam khẳng định, sẽ giảm quy mô dự án nếu cần thiết, đây là một trong những hướng giải quyết để tháo gỡ khó khăn. Các địa phương cần có biện pháp cụ thể để bố trí hết các hộ dân thuộc đối tượng của chương trình vào ở trong các cụm, tuyến dân cư. Với các nền sinh lợi trong các dự án cần bán hết, nếu không bán được thì phải bố trí cho các hộ dân thuộc khu vực ngập lũ hoặc sạt lở vào ở. Trong thời gian tới, các địa phương cần phải quản lý tốt công tác quản lý các dự án sau đầu tư để đảm bảo an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường, đánh giá lại mức thiệt hại do trận lũ vừa qua gây ra, để có biện pháp khắc phục. Hoàn thành toàn bộ công tác tôn nền, đắp bờ bao và xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu trong năm 2012 và hoàn thành toàn bộ việc xây dựng nhà ở và bố trí người dân vào ở trong năm 2013. Tuy nhiên cần phải lồng ghép các chương trình hạ tầng xã hội như nhà trẻ, trường học, trạm y tế… để người dân trong cụm, tuyến ấy có cuộc sống bình thường và thuận lợi trong sinh hoạt.
Mai Thanh
Theo baoxaydung.com.vn