Thứ ba 15/10/2024 23:28 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Quy hoạch - Kiến trúc /

Quy hoạch xây dựng tỉnh có cần thiết hay không?

14:29 | 01/11/2018

Ngày 2.11, QH thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch (sau đây gọi là dự thảo Luật). Một nội dung được quan tâm và hiện còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật là có cần thiết phải giữ lại quy hoạch xây dựng tỉnh hay không? Báo Đại biểu Nhân dân có cuộc trao đổi với ông NGUYỄN THÀNH HƯNG, Phó viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị - nông thôn quốc gia về vấn đề này.

Cần tồn tại cả hai quy hoạch


“Tôi xin nhấn mạnh rằng, kinh phí để làm quy hoạch quá nhỏ bé so với lợi ích của chúng đem lại. Nếu là cần thiết, chúng ta không ngại nhiều quy hoạch. Chúng ta chỉ sợ quy hoạch làm không đúng - Đó mới là sự lãng phí nguồn lực khủng khiếp nhất”.

Phó viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị - nông thôn quốc gia Nguyễn Thành Hưng

- Hiện có 2 luồng quan điểm khác nhau về sự cần thiết của quy hoạch xây dựng tỉnh. Trong khi Chính phủ muốn giữ lại quy hoạch này thì cũng có ý kiến cho rằng nó không thực sự cần thiết. Quan điểm của ông như thế nào?

- Chúng ta đều biết rằng, Quy hoạch xây dựng tỉnh, mà trước đây gọi là Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, là công việc đã được chúng ta thực hiện trong nhiều năm, rất ổn định. Quy hoạch này bản chất vừa là một quy hoạch có tính kỹ thuật chuyên ngành lại vừa có tính tích hợp cao. Đó là hoạch định ra hệ thống, quy mô, hình hài đô thị, vị trí và quy mô các khu công nghiệp, các khu nghỉ dưỡng, các vùng bảo tồn, các vùng sinh thái… và đặc biệt là hệ thống hạ tầng kỹ thuật (đường sá, các công trình đầu mối như nhà ga, bến xe, sân bay, hồ đập, khu xử lý chất thải rắn…). Đây là một quy hoạch dựa trên những tính toán chi tiết về kinh tế và kỹ thuật do vậy nó là công cụ rất tin cậy để tiến hành quản lý và đầu tư tất cả các cơ sở hạ tầng kinh tế trong tỉnh cũng như trong đô thị.

Tôi cho rằng cần thiết phải tồn tại cả Quy hoạch tỉnh và Quy hoạch xây dựng cùng trên một tỉnh. Bởi việc lập chính sách phát triển của một tỉnh cũng có các tầng bậc rõ ràng. Tầng bậc kinh tế tổng hợp được bàn thảo dựa trên các tổng kết kinh tế đa ngành, vĩ mô, đó là lớp chính sách phi vật thể. Lớp chính sách đó mang tính quyết định tổng quát. Quy hoạch tỉnh là công cụ phục vụ việc ra quyết sách ở tầng bậc đó - đây là quy hoạch thiên về chính sách tổng thể về kinh tế  - xã hội phi vật thể.

Quy hoạch xây dựng tỉnh đóng vai trò là công cụ để ra quyết sách cụ thể về không gian lãnh thổ, phân định trước về tương lai của đất đai. Đất trong những ranh giới này được định trước để dùng cho các mục đích công cộng như đường sá, trường học, bệnh viện. Đất trong những ranh khác để phát triển nhà ở. Đất trong những ranh khác nữa để làm công nghiệp, thương mại, du lịch, làm nông lâm ngư nghiệp và bảo tồn thiên nhiên…. Đây là Quy hoạch thiên về không gian vật thể.

Điều này cũng giống như ở cấp Quốc gia. Theo Luật Quy hoạch ở cấp quốc gia chúng ta có Quy hoạch tổng thể quốc gia nhưng chúng ta vẫn cần có các quy hoạch ngành Quốc gia để làm bổ trợ, cụ thể hóa các chiến lược tổng thể. Như vậy, chúng ta mới bảo đảm tính tổng thể và tính cụ thể ở mỗi một cấp độ.

- Theo ông, quy hoạch xây dựng tỉnh có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển và tầm nhìn của một tỉnh?

- Quy hoạch xây dựng tỉnh, mà trước đây chúng ta gọi là quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, đã có rất lâu ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Chúng ta có được hình hài đô thị được như hiện nay, có được hệ thống giao thông liên vùng, các tuyến đường cao tốc, những khu du lịch, nhưng khu công nghiệp là các hạt nhân kinh tế đóng góp rất lớn cho GDP chính nhờ một phần là do quy hoạch xây dựng tỉnh hay nói rộng hơn là quy hoạch vật thể.

Tôi xin đưa ra ví dụ: Để ra quyết sách rằng trong 10 năm tới, Tỉnh A sẽ phát triển ưu tiên Công nghiệp làm mũi nhọn cái đó là trách nhiệm Quy hoạch tỉnh. Nhưng không thể, hoặc rất khó khả thi dùng Quy hoạch tỉnh để xác định phải đặt các con đường cao tốc với hướng tuyến như thế nào thì hợp lý? Các khu công nghiệp bố trí ở các vùng nào? Quy mô lớn nhỏ ra sao? Cảng biển như thế nào? Hình hài, quy mô đô thị ra sao thì phù hợp? Hồ đập lớn có dung tích bao nhiêu ? Bố trí định cự cho các khu dân cư thế nào để vừa phục vụ phát triển công nghiệp và bảo đảm các vấn đề an sinh, xã hội, môi trường… Lúc đó Quy hoạch xây dựng tỉnh sẽ là câu trả lời.


Một góc thành phố Bắc Ninh    Nguồn: ITN

Hai quy hoạch hỗ trợ nhau hiệu quả

- Trong trường hợp tích hợp quy hoạch xây dựng tỉnh vào quy hoạch tỉnh thì sẽ như thế nào, thưa ông?

- Quy hoạch tỉnh là một quy hoạch mới, chúng ta chưa từng làm. Bất kỳ công việc gì mà mới và chưa từng làm thì sẽ luôn luôn tồn tại những tiềm ẩn và khó khăn. Hơn nữa, quy hoạch tỉnh với mong muốn tích hợp đa ngành thì sẽ trở thành 1 bản quy hoạch rất lớn và dẫn dắt nhiều ngành, nếu chúng ta không cẩn thận thì quy hoạch đó có thể trở nên quá chi tiết và quá cồng kềnh và khó thể thay đổi, biến động linh hoạt theo sự biến động của nền kinh tế.

Còn nếu nói rằng có thể điều chỉnh khi cần thiết thì việc này cũng rất khó khăn. Bởi quy hoạch này do Thủ tướng phê duyệt, bất cứ thay đổi nào trong quy hoạch sẽ phải tiếp tục trình Thủ tướng phê duyệt lại. Liệu như vậy có đáp ứng được nhu cầu, tốc độ phát triển đang diễn ra hàng ngày? Đây là vấn đề của tất cả các loại hình quy hoạch hiện nay.

- Nhưng nếu vẫn giữ quy hoạch xây dựng tỉnh thì các tỉnh đồng thời phải lập 2 loại quy hoạch, gây lãng phí và tạo thêm thủ tục trong thực hiện. Ý kiến của ông về vấn đề này?

- Theo tôi, quan điểm quy hoạch nhiều là lãng phí là một quan điểm cần phải cân nhắc. Nếu tồn tại cả hai, thì hai loại hình quy hoạch sẽ bổ trợ cho nhau rất hữu hiệu. Khối rubic là một khối lập phương nhưng sẽ được biến hình, biến màu nếu chúng ta cần thay đổi nhưng bản chất là một khối lập phương thì mãi mãi được bảo toàn. Giống như vậy, Quy hoạch tỉnh đưa ra định dạng cho rubic là một khối lập phương và quy hoạch xây dựng sẽ đưa ra kết cấu bên trong để khối rubic đó mỗi mặt có 1 màu hay đủ 6 màu tùy theo mong muốn. Mục tiêu, nguyên tắc thì không đổi nhưng cách hành động thì luôn linh hoạt. Đó là nguyên tắc tối thượng mà mọi loại hình quy hoạch đều hướng tới.

Do vậy, sự cùng tồn tại của hai tầng bậc quy hoạch này phản ánh chính xác sự phân tầng trong việc ra chính sách. Tầng bậc rõ ràng kèm theo tạo cơ chế linh hoạt là cách thiết lập thể chế hiệu quả phù hợp với sự thay đổi liên tục của nền kinh tế thị trường, sự thay đổi của khoa học công nghệ.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Hà Lan (thực hiện)/Daibieunhandan.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load