Thứ sáu 29/03/2024 22:47 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Quy hoạch TPHCM nên định hướng phát triển đô thị "nén”

19:49 | 12/02/2021

Hoạt động “chỉnh trang tái phát triển đô thị” và “phát triển các khu đô thị mới” sẽ là hai động lực để phát triển đô thị đối với thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới.

quy hoach tphcm nen dinh huong phat trien do thi nen
Thành phố Hồ Chí Minh hướng đến một đô thị thông minh. Ảnh: Quang Duy

Định hướng phát triển đô thị bền vững

Ông Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng phòng Quy hoạch chung (Sở Quy hoạch kiến trúc TPHCM) cho biết, vào tháng 7.2020, Ban Thường vụ Thành ủy đã thông qua định hướng điều chỉnh “Quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060”. Trong đó, các định hướng, chủ trương quan trọng của TPHCM gồm chuyển dịch cơ cấu kinh tế TP với trọng tâm phát triển ngành dịch vụ; Phát triển TPHCM thành đô thị thông minh; Phát triển Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông là nền tảng hình thành TP.Thủ Đức; Phát triển Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ và xây dựng 4 huyện ngoại thành phát triển thành quận.

Đưa ra quan điểm tính đặc sắc của thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM nhận định đây là thành phố sông nước, nhưng không chỉ gắn liền với sông Sài Gòn, mà còn gắn liền với sông Đồng Nai, đồng thời cũng cần phải nhấn mạnh yếu tố là thành phố ven biển với 17 km bờ biển và cửa biển Cần Giờ. Do đó, trong đồ án quy hoạch chung xây dựng TPHCM cần xác định vị trí TPHCM như là một thành phố hiện đại, bền vững, nhạy cảm với việc bảo vệ môi trường, bằng cách tận dụng tiềm năng của nó, đặc biệt là đô thị sông nước, ven biển, gắn liền với sông Sài Gòn và sông Đồng Nai, để thiết lập một hình ảnh thương hiệu của một thành phố, nơi cuộc sống tốt đẹp, trong an ninh, trong một không gian sống đô thị đáp ứng sự mong đợi của người dân, doanh nghiệp và sự phát triển.

Theo ông Châu, xu thế phát triển đô thị tại TPHCM vẫn còn theo kiểu “vết dầu loang - thấp tầng”. Đặc biệt, TPHCM vẫn chưa hình thành được nhiều đô thị vệ tinh có mật độ dân số tập trung như khu đô thị Phú Mỹ Hưng và cả tại các khu đô thị mới thuộc các tỉnh lân cận. Từ nhiều góc độ phân tích, ông Lê Hoàng Châu đưa ra đề nghị nghiên cứu bổ sung quy hoạch "thành phố Tây Bắc" trên cơ sở không gian huyện Củ Chi - huyện Hóc Môn hiện nay, để định hướng phát triển đô thị bền vững, ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

quy hoach tphcm nen dinh huong phat trien do thi nen
Xu thế phát triển đô thị tại TPHCM vẫn còn theo kiểu “vết dầu loang - thấp tầng”. Ảnh: Quang Duy

Giải quyết những thách thức trong công tác quy hoạch

Với ý tưởng đề xuất thêm thành phố Tây Bắc của Hiệp hội, đang có nhiều lo ngại về những vấn đề quản lý quy hoạch. Đơn cử như mới đây việc thành lập thành phố Thủ Đức, thuộc TPHCM đang là một vấn đề cực kỳ mới mẻ không chỉ về quản lý hành chính mà còn đặt ra nhiều thách thức về công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, thu hút đầu tư, biến quy hoạch thành hiện thực trong thành phố.

Theo Kiến trúc sư Nguyễn Ninh thuộc Hội Kiến trúc sư TPHCM, định hướng phát triển quy hoạch TPHCM đã có với tầm nhìn đến năm 2050. Điều quan trọng của việc thành lập thành phố trong thành phố quan trọng nhất đó là không chỉ ở thay đổi tên gọi mà phải hiểu được nội lực bên trong, chính sách phát triển nó như thế nào chứ không thể chạy theo trào lưu có thể dẫn tới việc loạn quy hoạch. Đơn cử như việc thành lập thành phố Thủ Đức, mục tiêu phát triển TP.Thủ Đức trở thành đô thị thông minh, tương tác cao, đô thị động lực... như mong muốn trên nền tảng một đô thị hiện hữu chắc chắn sẽ có những khó khăn, thách thức. Với sự phát triển của TPHCM như hiện tại thì nếu có thêm một thành phố khác và thay đổi lại quy hoạch thì sẽ khó mang tính đồng bộ, thống nhất chung.

Đặc biệt quan tâm đến vấn đề quy hoạch thành phố Thủ Đức, Tiến sĩ KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng việc quy hoạch xây dựng thành phố Thủ Đức đồng thời một lúc phải giải quyết 2 vấn đề. Đó là xây dựng đô thị mới cho từ 500.000 đến 1 triệu dân, đồng thời phải chỉnh trang đô thị cho khoảng 1 triệu dân hiện hữu. Nhiều khu đô thị hiện hữu của thành phố Thủ Đức cũng vẫn đang phát triển tự phát không theo quy hoạch và có những vấn đề giống như nội thành, như kẹt xe, ngập nước… Dự án TP.Thủ Đức có nhiều tiềm năng nhờ điều kiện phát triển thuận lợi, nhưng đó lại là dự án đô thị mới rất lớn với quy mô lớn hàng đầu trong cả nước, đòi hỏi một cơ cấu tổ chức mang tính đột phá, đi kèm chính sách cơ chế đặc thù. Do vậy, để tăng khả năng tỷ lệ thành công, cần phải có một sự chuẩn bị kỹ càng, bài bản.

Theo ông Lê Hoàng Châu, về điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Thủ Đức, Hiệp hội đề nghị nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Thủ Đức gắn liền với quy hoạch khu vực Bình Quới - Thanh Đa (quận Bình Thạnh) và khu vực các phường Long Phước, Long Bình, Long Thạnh Mỹ, Trường Thọ và phối hợp với các tỉnh giáp ranh thành phố, nhất là tỉnh Đồng Nai để cùng điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng huyện Nhơn Trạch, Long Thành.

Theo GIA MIÊU/Laodong.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load