Thứ ba 12/11/2024 20:27 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Quy hoạch - Kiến trúc /

Quy hoạch nghĩa trang thủ đô Hà Nội: Cần quan tâm đến người dân nghèo

09:26 | 06/09/2013

Quy hoạch nghĩa trang của Thủ đô Hà Nội phải đặc biệt quan tâm đến người dân nghèo. Cần đề xuất phương án quản lý hợp lý, đồng thời cân đối nguồn lực thực hiện quy hoạch, Nhà nước đứng làm… để mọi người dân, đặc biệt là người dân nghèo đô thị, khi người thân mất, tiếp cận đất được dễ dàng và bộ mặt đô thị trở nên đẹp hơn” – đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng trong Hội nghị thẩm định Quy hoạch nghĩa trang Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 vừa diễn ra tại Hà Nội.

Quan tâm đặc biệt đến người dân nghèo

Theo thống kê của Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội, Hà Nội hiện có 2.362 nghĩa trang với quy mô 2.740ha, trong đó có 6 nghĩa trang tập trung TP (gồm Yên Kỳ, Vĩnh Hằng, Thanh Tước, Mai Dịch, Văn Điển, Sài Đồng, không bao gồm nghĩa trang liệt sỹ Nhổn, Ngọc Hồi), 3 nghĩa trang tập trung huyện (Hà Đông, Sơn Tây và Xuân Đỉnh) và 2.353 nghĩa trang thôn, xã.

Đa số các nghĩa trang cấp quốc gia và TP đều được xây dựng cách đây 40-50 năm, không có hệ thống xử lý nước rỉ nghĩa trang (trừ nghĩa trang Thanh Tước).

Các nghĩa trang xã, thôn xây dựng không theo quy hoạch, nằm rải rác ở các thôn, xóm theo cụm dân cư, xen kẽ đất trồng lúa, hoa màu, có nghĩa trang còn nằm ở khu vực ngập úng, khu đất xói mòn ven sông…

Hà Nội hiện có 21 nhà tang lễ, xây dựng từ năm 1.959 đến nay, quy mô nhỏ hẹp, không đảm bảo khoảng cách cách ly vệ sinh môi trường, cự ly di chuyển đến nghĩa trang tập trung lớn, cơ sở vật chất phục vụ tang lễ trong các bệnh viện rất thiếu thốn.

Phân tích tình hình thực tế, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Thời gian qua, một số doanh nghiệp đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang, tuy rất đẹp nhưng giá quá đắt nên chỉ người giàu mua được. Người nghèo đặc biệt là người dân nghèo đô thị không thể tiếp cận gây nên áp lực cho Thủ đô. Nghĩa trang là vấn đề rất lớn của Thủ đô, không chỉ Thủ đô giải quyết được vấn đề mà các tỉnh khác trong vùng thủ đô cần chia sẻ trách nhiệm cũng như áp lực hạ tầng cùng Hà Nội.

Thừa nhận tồn tại bán đất nghĩa trang với giá cao mà Bộ trưởng vừa nêu, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục phân trần: Thời gian qua, trên địa bàn TP, đã có 1 doanh nghiệp tham gia xã hội hóa và kinh doanh như vậy.

Đồng thời, ông Dục nhấn mạnh: Chúng tôi sẽ kiểm soát việc này. Sắp tới, xã hội hóa sẽ theo khuôn khổ, quy định của nhà nước chứ không để doanh nghiệp “tự tung tự tát”.

Vị tư lệnh đứng đầu ngành Xây dựng chỉ đạo quyết liệt: Quy hoạch nghĩa trang của Thủ đô Hà Nội phải đặc biệt quan tâm đến người dân nghèo. Cần đề xuất phương án quản lý hợp lý, đồng thời cân đối nguồn lực thực hiện quy hoạch, Nhà nước đứng làm… để mọi người dân, đặc biệt là người dân nghèo đô thị, khi người thân mất, tiếp cận đất được dễ dàng và bộ mặt đô thị trở nên đẹp hơn.

Phân theo vùng địa lý


Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh: “Quy hoạch nghĩa trang Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã tìm được sự đồng thuận của nhân dân và Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đã làm đồ án công phu, khoa học”.

Để giải quyết những tồn tại nêu trên, Quy hoạch nghĩa trang thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã đề xuất quản lý nghĩa trang cần được phân theo vùng địa lý, đồng thời phát triển nghĩa trang tập trung mới ở các khu vực:

Khu vực bắc sông Hồng: Các khu đô thị huyện Đông Anh sử dụng hỏa táng tại nghĩa trang tập trung TP (xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh), nghĩa trang tập trung huyện (xã Vân Hà, Đông Anh); nghĩa trang Minh Phú ngoài phục vụ cho khu đô thị Sóc Sơn còn phục vụ nhu cầu cải táng và quy tập mộ di chuyển của các đô thị Bắc và Đông Hà Nội khi nghĩa trang Đông Anh và Thanh Tước hết quỹ đất.

Đối với khu vực phía đông sông Hồng (Long Biên, Gia Lâm), mộ di dời và chôn mới sẽ chuyển đến nghĩa trang xã Trung Màu (Gia Lâm); khu vực phía nam mộ di dời và chôn mới sẽ chuyển đến nghĩa trang Chuyên Mỹ (Phú Xuyên), đến khi nghĩa trang này hết khả năng an táng sẽ mai táng tại Vĩnh Hằng và Yên Kỳ 2; khu vực phía tây và đô thị trung tâm chuyển đến nghĩa trang Vĩnh Hằng và Yên Kỳ 2 (Ba Vì), nghĩa trang Trần Phú (huyện Chương Mỹ).

Nghĩa trang Quốc gia sẽ được bố trí tại xã Yên Trung, huyện Thạch Thất. Các cơ sở hỏa táng sẽ được xây dựng trong nghĩa trang tập trung của TP. Ngoài ra, TP đã chỉ đạo xác định địa điểm xây dựng cơ sở hỏa táng tại huyện Chương Mỹ và Đông Anh.

Trên nguyên tắc mỗi huyện có 1 nghĩa trang tập trung cấp huyện, nếu huyện có nghĩa trang tập trung của TP trên địa bàn thì kết hợp làm nghĩa trang tập trung của huyện, Quy hoạch đề nghị mở rộng nghĩa trang thị xã Sơn Tây từ 3,5ha lên 15,5ha, đồng thời xây dựng mới 11 nghĩa trang tập trung huyện để phục vụ quy tập mộ di dời và chôn mới khu vực đô thị và nông thôn trên địa bàn các huyện Sóc Sơn, Đông Anh, Quốc Oai, Phúc Thọ, Thường Tín, Thanh Oai, Ứng Hòa, Đan Phượng, Hoài Đức, Mỹ Đức và Thạch Thất.

Đến năm 2020 không còn nghĩa trang thôn

6 nghĩa trang đã hoặc sẽ đóng cửa trước năm 2015, trồng cây xanh cách ly, cải tạo thành công viên nghĩa trang, gồm Mai Dịch 1, Xuân Đỉnh, Hà Đông, Văn Điển, Yên Kỳ 1 và Sài Đồng.

Các nghĩa trang nông thôn nằm phân tán, quy mô nhỏ, không đủ khoảng cách cách ly hoặc nằm trong quy hoạch sử dụng đất phải có kế hoạch đóng cửa, trồng cây xanh cách ly, khi có nhu cầu sử dụng đất có thể di chuyển đến nghĩa trang tập trung ở các vùng theo quy hoạch.

Mỗi xã bố trí 1 -2 nghĩa trang xã (tùy thuộc vào điều kiện địa hình, quỹ đất và nhu cầu thực tế) trên cơ sở mở rộng nghĩa trang thôn hiện có để quy tập mộ di chuyển trong khu vực, đảm bảo nhu cầu an táng lâu dài, tạo điều kiện chôn cất văn minh, hợp vệ sinh, tiết kiệm đất.

Vị trí cụ thể của các nghĩa trang xã được xác định trong các quy hoạch nông thôn mới trên cơ sở đảm bảo các nguyên tắc và tiêu chí đã xác định trong Quy hoạch này.

Riêng nghĩa trang thôn, khu mộ lẻ, dòng họ hiện có cần tiếp tục rà soát, đánh giá, xác định ranh giới, xây dựng lộ trình từng bước đóng cửa nghĩa trang không đủ tiêu chuẩn theo quy định hoặc di chuyển về các nghĩa trang tập trung của xã, phấn đấu đến năm 2020 chỉ còn nghĩa trang cấp xã.

Trong các nghĩa trang tập trung cần xây dựng lò hỏa táng để người dân sử dụng thuận lợi còn khu vực nông thôn, nếu có nhu cầu hỏa táng sẽ được sử dụng lò hỏa táng gần nhất trong các khu vực, đồng thời vận động nhân dân chuyển dần sang hình thức hỏa táng.

Quy hoạch cũng đã xác định các dự án ưu tiên theo từng giai đoạn. Cụ thể, từ nay đến năm 2015: Ưu tiên xây dựng 2 cơ sở hỏa táng tại nghĩa trang Thanh Tước và nghĩa trang xã Xuân Nộn (Đông Anh), xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ 2 giai đoạn I, xây dựng nghĩa trang Minh Phú (Sóc Sơn), đồng thời hoàn thiện 7 dự án nhà tang lễ đang lập dư án đầu tư xây dựng; giai đoạn từ 2016 – 2020  sẽ thực hiện các dựa án xây dựng, cải tạo các nghĩa trang và nhà tang lễ còn lại theo đúng phân kỳ đầu tư. Tổng kinh phí dự kiến thực hiện từ nay đến 2050 sẽ là 32.779 tỷ đồng.

Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, các hiệp hội đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, hiệu quả, giúp hoàn thiện đồ án. Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh, Chủ tịch Hội đồng thẩm định chỉ đạo: Đây là đồ án đặc thù, đồ án khó nhưng Quy hoạch nghĩa trang Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã tìm được sự đồng thuận của nhân dân và Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đã làm đồ án công phu, khoa học. Những ý kiến đóng góp của Hội đồng thẩm định đề nghị Viện tiếp thu, rà soát chỉnh sửa một số nội dung đã góp ý, tiếp tục hoàn thiện đồ án để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Huyền Vũ

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load