(Xây dựng) - Chuyện về công tác quy hoạch của nước nhà bàn đi bàn lại mãi rồi, trở thành câu chuyện “xưa như trái đất”. Nhưng hôm nay được đề cập lại bởi Bộ KH&ĐT đang có một “xê ri” hội thảo nhằm tham vấn về bản Dự thảo Luật Quy hoạch.
Như những ngọn núi lửa ngậm nguồn năng lượng bất ổn ẩn sâu trong lòng đất, nay có cơ hội trào ra mới thấy, công tác quy hoạch của nước nhà đúng là cần quy hoạch lại.
Ai đời, một nhà khoa học vốn là nhà lãnh đạo cao cấp Bộ KH&ĐT, GS.TS Nguyễn Mại có một nhận xét xé lòng, rằng thời gian qua, chúng ta đã làm quá nhiều quy hoạch. Từ quy hoạch chung quốc gia tới các quy hoạch vùng, tỉnh, huyện, ngành nghề… Nhưng có tới 70 - 80% số đó không được sử dụng.
Thế là “vạch ra để đấy” chứ đâu phải là quy hoạch?
Ai cũng có thể thấy rằng đấy là sự lãng phí nguồn lực đáng lẽ được dành cho phát triển, thế nhưng “vĩ thanh” của nó còn lãng phí hơn nhiều.
Xin dẫn chứng một chuyện có thật ở Cty Trung Thành tỉnh Bình Dương khiến DN long đong lận đận đến mười mấy năm bởi các “nhà quy hoạch đáng kính” của chúng ta. Chỉ tường thuật ngắn gọn mà đã có cảm giác như trích đoạn đâu đó trong tác phẩm “Những người thích đùa” của nhà văn nổi tiếng của Thổ Nhĩ Kỳ là Azit Nexin.
Ngày 06/7/2001, UBND tỉnh Bình Dương có Quyết định số 2351 QĐ/UB-KTH giao cho Cty Trung Thành làm chủ đầu tư dự án Cụm công nghiệp và Khu dân cư Tân Bình trên địa bàn xã Tân Bình (nay là P.Tân Bình, TX Dĩ An) có tổng diện tích 55ha, trong đó 50ha làm đất công nghiệp và 0,5ha dùng để tái định cư.
Chỉ mấy tháng sau đó, cũng UBND tỉnh lại có 2 quyết định giao cho 2 DN khác 12ha và 2,8ha nằm gọn trong khu đã được “quy hoạch” cho Cty Trung Thành mà không ai biết.
Cả 3 DN đều là chủ đầu tư hợp pháp như nhau và hồn nhiên đổ tiền đổ của vào dự án, rồi sang nhượng hợp pháp, rồi cổ phần hóa… Đến giờ thì mọi việc rối tinh rối mù khiến các DN cùng với “các nhà quy hoạch đáng kính” của chúng ta không biết nên gỡ bằng cách nào và không biết lỗi bắt đầu từ ai.
Đấy mới chỉ nêu một ví dụ để thấy rằng việc tham vấn cho bản Dự thảo Luật Quy hoạch hiện nay là rất quan trọng, bởi “vĩ thanh” của nó là sự sống còn của hàng ngàn, hàng vạn DN.
Có một điều chắc chắn rằng, nếu Luật Quy hoạch không nhấn mạnh vào trách nhiệm cá nhân thì câu chuyện như đùa ở Bình Dương ắt hẳn vẫn sẽ có đất phát triển.
Nguyễn Hoàng Linh
Theo