Thứ ba 23/04/2024 18:17 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Quy hoạch, kiến trúc và chất lượng đô thị

11:13 | 20/12/2020

(Xây dựng) – Đó là chủ đề của Hội thảo do Hội Văn học nghệ thuật và Hội Kiến trúc sư tỉnh Thái Nguyên phối hợp tổ chức tại thành phố Thái Nguyên ngày 19/12. Tham dự Hội thảo có kiến trúc sư Nguyễn Quốc Thông - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam.

quy hoach kien truc va chat luong do thi
58 năm xây dựng và phát triển, trở thành đô thị loại I nhiều năm, đang là nơi sinh sống của hơn 37 vạn người… đến nay thành phố Thái Nguyên vẫn chưa có một công viên đúng nghĩa.

Thái Nguyên hiện có 12 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại I, 2 đô thị loại III, 1 đô thị loại IV, 8 đô thị loại V. Có 3 đô thị cấp tỉnh là thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công, thị xã Phổ Yên; 9 đô thị cấp huyện gồm 5 thị trấn huyện lỵ và 4 thị trấn khác thuộc huyện.

Theo định hướng phát triển đô thị của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, tổng số đô thị trên địa bàn sẽ nâng lên 18 (trong đó có 1 đô thị loại I, 2 đô thị loại II, 10 đô thị loại IV và 5 đô thị loại V), tỷ lệ đô thị hóa đạt 40%.

Các đô thị của tỉnh Thái Nguyên đã đảm nhiệm được vai trò là hạt nhân phát triển kinh tế – xã hội của từng vùng với các đặc trưng rõ rệt. Trong khâu quy hoạch, các đô thị đều được phát triển mở rộng không gian theo hướng đa trung tâm, mở rộng không gian khu vực nội thị; Việc chuyển đổi hành chính, dân số và phúc lợi đô thị cũng được tỉnh quan tâm thực hiện, cơ bản đảm bảo theo các yêu cầu, quy định. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị từng bước được đầu tư hoàn thiện, đồng bộ theo các tiêu chí của từng đô thị, giữa các khu vực trong đô thị cả hiện hữu cũng như khu vực mở rộng.

Với vị trí nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Thủ đô Hà Nội, những năm gần đây, Thái Nguyên đạt tốc độ tăng trưởng cao, trong đó khu vực công nghiệp, xây dựng và quy hoạch đô thị có bước tăng bứt phá mạnh. Nhiều khu đô thị mới mọc lên đáp ứng nhu cầu thị trường nhưng cũng tạo ra nhiều lỗ hổng trong phát triển đô thị.

Theo kiến trúc sư Nguyễn Văn Cường - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Thái Nguyên: Đô thị được ví như một “cơ thể sống”, khu trung tâm hành chính là bộ não, trục giao thông là xương sống, diện tích mặt nước và cây xanh là lá phổi, hệ thống ngầm là nơi tiêu thoát… Những bộ phận này được quan tâm quy hoạch đúng tầm và “sống khỏe” thì đô thị sẽ phát triển mạnh mẽ. Điều cần lưu ý ở đây là tầm nhìn chiến lược, lâu dài khi quy hoạch phát triển đô thị, có quy hoạch tốt, phù hợp sẽ tạo được tiền đề vững chắc cho sự phát triển trong tương lai.

Theo mạch cảm xúc ấy, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Thái Nguyên đã “mơ” về một thành phố Thái Nguyên sẽ có nhiều đổi thay với: Sông Cầu thơ mộng tạo dựng nên hình ảnh “đáng nhớ” của những đô thị hai bên bờ sông; đường vòng tránh thành phố hiện tại được điều chỉnh về phía Đông của thành phố mở rộng cùng với hệ thống giao thông ngang Đông - Tây với những không gian xanh; Những điểm di tích, vui chơi giải trí, công trình văn hóa đặc trưng (Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Quảng trường Võ Nguyên Giáp, vùng đặc sản chè Tân Cương, di tích 915… được kết nối, sâu chuỗi; các nhà máy công nghiệp nặng ô nhiễm được di dời ra khỏi thành phố; khu đô thị hiện hữu được nâng cao chất lượng với các trục thương mại sầm uất, các tòa công sở nghiêm trang, các không gian văn hóa đậm sắc thái; vùng chè Tân Cương được bảo tồn không chỉ là sản phẩm “chè Thái” nổi tiếng trong ẩm thực mà còn là điểm đến thưởng ngoạn, trải nghiệm; Đại học Thái Nguyên là một địa chỉ đào tạo đa ngành chất lượng cao, một trung tâm nghiên cứu khoa học của vùng; và hồ Núi Cốc sẽ là điểm đến với những khu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, văn hóa, ẩm thực… hấp dẫn.

Kiến trúc sư Trần Hải Hưng đưa ra quan điểm về điều kiện cần của một đô thị phát triển và bền vững mà Thái Nguyên đến nay vẫn còn thiếu, đó là công viên cây xanh đúng nghĩa, dù rằng thành phố đã trải qua 58 năm xây dựng và phát triển, trở thành đô thị loại I nhiều năm, đang là nơi sinh sống của hơn 37 vạn người…

“Tình trạng này đã đến lúc phải được giải quyết nếu chúng ta muốn hướng đến một thành phố thông minh, văn minh, hiện đại. Cần có giải pháp để tăng diện tích cây xanh cho thành phố tương ứng với tốc độ tăng dân số và tốc độ đô thị hóa”, vị kiến trúc sư trẻ khuyến cáo.

Cũng nói về kiến trúc xanh, kiến trúc sư Nguyễn Trọng Hà dẫn dắt mọi người đến một công trình chung cư đã được chính anh và các cộng sự thực hiện tại thành phố Thái Nguyên - Dự án TNG Village - một điển hình cho giải pháp “vườn trên mái”.

Ở góc độ khác, kiến trúc sư Ngô Tuấn Anh lại nhìn thấy nhiều bất cập đối với các chung cư cao tầng đã và đang được phát triển khá ồ ạt tại Thái Nguyên trong khoảng 5 năm trở lại đây.

Theo kiến trúc sư Ngô Tuấn Anh: “Vì tận dụng tối đa mật độ sử dụng đất nên các chung cư này cũng quên luôn đi các không gian cây xanh, không gian phụ trợ tiện ích cho người dân sinh sống. Đó là sự phát triển tụt lùi trong việc xây dựng chất lượng cuộc sống trong không gian đô thị hiện đại mới”.

Sau khi đưa ra một bức tranh toàn cảnh về kiến trúc nhà phố hiện nay ở Thái Nguyên, kiến trúc sư trẻ Nguyễn Bá Mạnh mạnh dạn đề xuất các giải pháp cụ thể từ quy hoạch cảnh quan đến kiến trúc của mỗi căn hộ bởi màu sắc, xanh, tiết kiệm năng lượng với “giải pháp kiến trúc thoáng hở” của ô văng, của kết cấu che nắng ngang, của lỗ thông gió đầu hồi hay mái công trình…

quy hoach kien truc va chat luong do thi
Những vỉa hè “đột biến” ngày càng xuất hiện nhiều hơn tại thành phố Thái Nguyên.

Nhắc lại câu chuyện của vỉa hè “đột biến” tại thành phố Thái Nguyên, kiến trúc sư Nguyễn Minh Tiến đi đến nhận định: Làm đẹp cho đường phố Thái Nguyên là điều nên làm và cần làm. Tuy nhiên để thành công thì cần có một giải pháp có tính chất đồng bộ, lâu dài và toàn diện, tránh gây lãng phí nguồn ngân sách. Qua thời gian thực hiện, trên các tuyến phố đã bộc lộ rõ tình trạng không phù hợp với yêu cầu đặt ra, đặc biệt là việc nứt vỡ, mỹ quan của vỉa hè chưa được như mong muốn”…

Đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Ai làm ra đô thị? Kiến trúc sư Đỗ Thế Nghiệp cho rằng: Tác giả của đô thị là tất cả chúng ta, mọi cư dân sống và làm việc ở đó. Mọi hành vi của chúng ta về xây dựng đều đã góp phần tác động lên đô thị, có thể chúng ta sẽ làm cho đô thị đẹp lên, làm cho nó xấu đi. Điều đó nhắc nhở mỗi chúng ta có trách nhiệm hơn với đô thị nơi ta sống…

Nguyễn Thành

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load