Thứ bảy 20/04/2024 10:30 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Quy hoạch giao thông: ‘Xây’ khung xương sống diện mạo hạ tầng quốc gia

10:35 | 27/11/2022

Hạ tầng giao thông trong thời gian tới sẽ đảm bảo tính đồng bộ, linh hoạt trong quá trình tổ chức thực hiện nhờ việc thực hiện các quy hoạch chuyên ngành giao thông.

Quy hoạch giao thông: ‘Xây’ khung xương sống diện mạo hạ tầng quốc gia
Hạ tầng giao thông sẽ có bước đột phá trong giai đoạn tới đây. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải và đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của ngành Giao thông Vận tải sẽ đảm bảo tính kết nối, lan tỏa, hiệu quả và linh hoạt trong việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông quốc gia.

Bản quy hoạch này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành thực hiện quy hoạch vùng và các quy hoạch ngành khác. Ngoài ra, các địa phương có thể cập nhật, đưa vào quy hoạch của tỉnh đảm bảo kết nối giữa hệ thống hạ tầng quốc gia với hệ thống địa phương, giữa các vùng vùng kinh tế trọng điểm.

Bài 1: Kỳ vọng từ sự đột phá hạ tầng

Bộ Giao thông Vận tải đã lập, điều chỉnh quy hoạch giao thông 5 chuyên ngành đảm bảo phù hợp với các chiến lược, phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, gắn kết không gian kinh tế liên hoàn, bổ trợ cho nhau nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế.

Ngoài ra, các quy hoạch đã dự kiến các dự án ưu tiên đầu tư theo từng thời kỳ, có các giải pháp triển khai thực hiện, phương thức huy động vốn đầu tư.

Đảm bảo đồng bộ, linh hoạt

Thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải đã công bố liên tiếp 4 quy hoạch gồm đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và đường bộ. Riêng quy hoạch hàng không đang được hoàn thiện và trình Chính phủ, dự kiến sẽ phê duyệt trong năm nay.

Đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết đây là lần đầu tiên cả 5 quy hoạch chuyên ngành giao thông được lập đồng thời theo hướng tích hợp, đảm bảo tính đồng bộ, linh hoạt trong quá trình tổ chức thực hiện. Quy hoạch là cái gốc, là định hướng của lĩnh vực, không có quy hoạch thì không thể trình các dự án thực hiện cho các giai đoạn kế tiếp.

Với đường bộ, quy hoạch đã đề xuất lựa chọn danh mục các dự án ưu tiên đầu tư trong các giai đoạn, đặc biệt là các tuyến cao tốc, trong đó tập trung hoàn thiện tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, một số tuyến cao tốc khu vực Nam Bộ, miền Trung-Tây Nguyên, miền núi phía Bắc và các tuyến Vành đai đô thị tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… với mục tiêu tới năm 2030 hoàn thành 5.000km cao tốc, đến năm 2050 lên tới khoảng 9.014km cao tốc và mạng lưới quốc lộ dài khoảng 29.795km.

Một điểm mới tại quy hoạch đường bộ lần này là có hơn 200km kết nối đường Quốc lộ, cao tốc đến cổng, cửa cảng biển, cảng hàng không, các cửa khẩu quốc tế giải quyết điểm nghẽn hạ tầng. Song song đó, các địa phương đầu tư các nhánh đường kết nối với đường bộ và các phương thức vận tải khác, sẽ làm giảm chi phí vận tải, logistics, đem lại hiệu quả kinh tế.

Lĩnh vực đường sắt, quy hoạch xác định mục tiêu đến năm 2030 thực hiện cải tạo nâng cấp để khai thác có hiệu quả 7 tuyến đường sắt hiện có; quy hoạch 9 tuyến đường sắt mới với tổng chiều dài 2.362km. Đến năm 2050, mạng lưới đường sắt quốc gia được quy hoạch bao gồm 25 tuyến với chiều dài 6.354km.

Riêng giai đoạn đến 2030, nghiên cứu triển khai kết nối thông suốt tuyến đường sắt liên vận quốc tế, hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, thu xếp nguồn lực để khởi công một số tuyến đường sắt mới, trong đó ưu tiên tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, các tuyến kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế, sân bay quốc tế, đường sắt đầu mối tại thành phố lớn, nghiên cứu để triển khai tuyến đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ.

Quy hoạch đường thủy cũng xác định 9 hành lang vận tải vận tải thủy, 55 tuyến vận tải chính trên 140 sông, kênh với tổng chiều dài khoảng 7.300km, phát triển 54 cụm cảng thủy hàng hóa và đầu tư đồng bộ các kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa.

Về hàng hải, quy hoạch sẽ được tập trung vào 6 cụm cảng chính trong đó ưu tiên việc lựa chọn vị trí, định hướng phát triển hệ thống cảng cạn (ICD) tại các chân hàng nằm sâu trong lục địa như “cánh tay nối dài” của hệ thống cảng biển.

Tạo cơ chế đột phá để huy động vốn

Theo tính toán của Bộ Giao thông Vận tải, tổng nguồn vốn thực hiện 4 quy hoạch trên từ nay đến giai đoạn 2030 là 1.610,5 triệu tỷ đồng và việc đa dạng hóa, huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trong bối cảnh nhu cầu đầu tư lớn, ngân sách nhà nước hạn chế, đặc biệt các công trình có tính đột phá, liên kết vùng, có tính lan tỏa và các công trình ở các khu vực khó khăn.

Trong đó, Bộ Giao thông Vận tải sẽ huy động vốn xã hội hóa lĩnh vực đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không; đầu tư công lĩnh vực đường sắt; đầu tư PPP lĩnh vực đường bộ có sự tham gia hỗ trợ của ngân sách Nhà nước bảo đảm tính khi các dự án; huy động vốn của địa phương thông qua chủ trương đẩy mạnh phân quyền, phân cấp các địa phương đầu tư, bảo trì các kết cấu hạ tầng giao thông, địa phương thực hiện dự án giải phóng mặt bằng để rút ngắn tiến độ thực hiện đầu tư các mục tiêu quy hoạch đề ra.

Quy hoạch giao thông: ‘Xây’ khung xương sống diện mạo hạ tầng quốc gia
Bộ Giao thông Vận tải sẽ huy động vốn xã hội hóa lĩnh vực đường thủy nội địa, hàng hải. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Mặt khác, Nhà nước cần các giải pháp đột phá về cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư để đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian thực hiện dự án; phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho địa phương có đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, quy định rõ trách nhiệm của địa phương về công tác đầu tư phát triển hạ tầng đường bộ; hoàn thiện thể chế, chính sách như các luật Ngân sách, PPP, Khoáng sản tài nguyên…

Ông Trần Khánh Hoàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Việt Nam bày tỏ vui mừng khi sự liên kết trong quy hoạch giao thông đã được chú trọng, đặc biệt là giữa lĩnh vực hàng hải và đường thủy nội địa.

“Kinh tế phát triển từ hoạt động giao thương không thể thiếu sự kết nối của các phương thức giao thông. Tại quy hoạch lần này, lần đầu tiên quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa xác định các giải pháp hình thành các tuyến vận tải, trung tâm logistics đa phương thức, tăng cường kết nối với cảng biển, thúc đẩy các giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn giao thông kết nối với cảng biển,” ông Hoàng nói.

Đưa ra giải pháp đột phá thu hút 900.000 tỷ đồng làm đường bộ 2021-2030, theo ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, việc cân đối vốn ngân sách và kêu gọi các nguồn vốn khác để đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông là hết sức cần thiết và cần có cơ chế đột phá để thu hút nguồn vốn đầu tư phát triển giao thông đường bộ. Trong tổng số vốn trên, ngân sách Nhà nước đáp ứng khoảng 600.000 tỷ đồng. Bài toán đặt ra 300.000 tỷ đồng còn lại được xác định là thu hút nguồn lực từ các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước.

“Nguồn ngân sách Nhà nước đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông hàng năm đạt 3,5-4,5% GDP; các dự án PPP được ngân sách Nhà nước tham gia hơn 50% tổng mức đầu tư để kêu gọi các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách cùng tham gia đầu tư,” ông Cường cho biết./.

Bài 2: Quy hoạch giao thông - Trục xương sống, mở hành lang phát triển

Theo Việt Hùng (Vietnam+)

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load