Việt Nam có 28 tỉnh, thành phố ven biển với chiều dài hơn 3.200km; trong đó có 7 tỉnh, thành phố được đánh giá giàu tiềm năng phát triển kinh tế biển là Đà Nẵng, Quảng Nam, Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu và Kiên Giang.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Tuy nhiên, thời gian qua, tại những nơi được ví như “biển bạc” này, việc sử dụng đất đai ven biển chưa được quan tâm đúng mức đã làm cản trở quyền tiếp cận biển của cộng đồng, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường sinh thái, cũng như làm hạn chế hiệu quả kinh tế biển.
Các cấp quản lý cần có những giải pháp cấp bách, sát thực tế nhằm tránh lãng phí nguồn lực đất đai, tận dụng được hết những tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế biển.
Quyền tiếp cận biển
Chiến lược biển Việt Nam đã xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2020, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, làm cho đất nước giàu mạnh.
Theo ông Phạm Văn Thịnh, Trưởng phòng Nghiên cứu quy hoạch và kinh tế biển, Viện Nghiên cứu biển và hải đảo, trong giai đoạn hiện nay, tiếp cận biển đã trở thành một nhu cầu và một quyền cấp thiết cần phải bảo đảm đối với cộng đồng bởi biển là nơi cung cấp không gian sống cho con người.
Nếu nói những bất cập thời gian qua gây ảnh hưởng tới không gian công cộng, sinh hoạt và sản xuất của người dân là do còn thiếu những văn bản pháp lý trong quản lý, quy hoạch đất đai ven biển là không chính xác. Bởi trên thực tế, từ cấp Trung ương tới các địa phương có biển đều có những quy định chi tiết thông qua Luật, hệ thống văn bản pháp luật trong việc quản lý, quy hoạch đầu tư xây dựng và quản lý đất đai các dự án ven biển.
Ở Việt Nam, thuật ngữ “quyền tiếp cận của người dân với biển” đã được quy định tại Điều 23 Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo như: “Hành lang bảo vệ bờ biển là dải đất ven biển được thiết lập ở những khu vực cần… bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển."
Ngoài ra, sau khi Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được Quốc hội thông qua, ngày 27/7/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về Tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng và quản lý đất đai các dự án ven biển.
Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành ven biển kiểm tra, đánh giá sự phù hợp của các dự án đầu tư tại khu vực ven biển với quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt; rà soát tổng thể các dự án để điều chỉnh quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất đảm bảo lợi ích cộng đồng dân cư và doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn; khai thác sử dụng không gian ven biển hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh, quốc phòng…
Dưới cấp độ các địa phương ven biển cũng có nhiều quyết định, chính sách phù hợp. Chẳng hạn, tỉnh Kiên Giang đã hoàn thành, phê duyệt nhiều quy hoạch, chương trình, đề án, dự án khai thác tiềm năng, thế mạnh kinh tế biển như: quy hoạch khoáng sản, du lịch, nuôi trồng thủy sản, nuôi tôm công nghiệp vùng Tứ giác Long Xuyên, bảo vệ phát triển rừng...
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội các huyện ven biển Kiên Lương, An Biên, Kiên Hải, Hòn Đất. Tỉnh Bình Thuận cũng ban hành Quyết định số 681/QĐ-UBND quy định các vấn đề liên quan đến quản lý xây dựng các dự án đầu tư khu du lịch ven biển trên địa bàn tỉnh...
Hệ lụy từ sự buông lỏng quản lý
Một thực tế đang dần trở nên nghiêm trọng là những thay đổi với quyền sở hữu đất đai và tốc độ phát triển ngày càng cao ở khu vực ven biển đang trực tiếp hay gián tiếp cản trở quyền tiếp cận biển của cộng đồng.
Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV mới đây, nói về quản lý đất đai, đặc biệt ở đô thị, các khu vực phát triển kinh tế, khu vực ven biển..., Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cũng thừa nhận dù đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng việc quản lý đất đai ở một số nơi còn nhiều hạn chế, bất cập.
Cụ thể, tình trạng sử dụng đất sai mục đích, xây dựng không phép, trái phép vẫn chưa được khắc phục, đặc biệt là tình trạng xây dựng lấn chiếm các không gian công cộng, bãi biển, bờ sông. Tình trạng mua bán đất và xây dựng trái phép diễn ra phức tạp ở Phú Quốc, Bắc Vân Phong, Vân Đồn dù đã được chấn chỉnh nhưng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, quy hoạch đất đai xây dựng chưa quan tâm đến các không gian công cộng cho người dân, đặc biệt là những khu du lịch không có chỗ để xuống bãi biển của người dân, thiếu không gian công cộng, trong khi lại có quá nhiều dự án phát triển nhà ở, các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, resort...
Theo báo cáo từ các bộ, ngành và các địa phương, một thực trạng đáng lo ngại nữa là quy hoạch sử dụng đất chưa sát thực tế dẫn tới tình trạng dự án “treo,” gây lãng phí đất đai và ảnh hưởng xấu tới dư luận xã hội.
Báo cáo từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy Việt Nam có khoảng 1.591 dự án được quyết định cấp phép đầu tư, với tổng diện tích đất sử dụng 115.000 ha; nhưng chỉ có 590 dự án hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng.
Theo đánh giá chung của Bộ Xây dựng, nguyên nhân dẫn đến tồn tại trên là do các địa phương buông lỏng quản lý về quy hoạch, đầu tư, sử dụng đất. Một số dự án chưa có phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 nhưng đã được phép đầu tư xây dựng.
Ngoài việc chất lượng quy hoạch chưa cao thì tính dự báo và định hướng sử dụng đất đai, phát triển không gian chưa sát với thực tiễn phát triển tại khu vực ven biển. Việc các dự án ven biển bị chậm chủ yếu là do thiếu nguồn lực, chính sách về quản lý đất đai, đầu tư còn chồng chéo. Tình trạng chiếm đất giữ chỗ không chỉ làm ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư mà là lực cản đối với các nhà đầu tư khác khi tìm kiếm cơ hội.
Thực tế hiện nay tại các tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Thanh Hóa… cũng như hầu hết các địa phương có biển trong cả nước thì vùng bờ biển đang có xung đột giữa nhiều lợi ích, từ kinh doanh du lịch, nuôi trồng, đánh bắt hải sản, cho tới xây dựng cảng biển, resort… dẫn tới tình trạng quá tải về dịch vụ cũng như nguy cơ suy thoái môi trường về lâu dài.
Cần chuẩn theo quy hoạch
Có thể thấy quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, đất đai dự án ven biển hiện đã không còn là chuyện riêng của địa phương mà để khắc phục tình trạng này còn cần cả sự tham gia của các bộ, ngành.
Đại biểu Quốc hội Lê Viết Chữ (Đoàn Quảng Ngãi) cho rằng tất cả các loại đất ven biển đều phải thực hiện theo quy hoạch và tất cả các chính sách của Nhà nước liên quan đến vấn đề này cũng phải xem xét đưa vào quy hoạch. Ví dụ, vùng đất nào ưu tiên cho người dân phát triển ngành nghề truyền thống, chủ yếu là nuôi trồng thuỷ sản, du lịch, trước hết phải giữ được các ngành nghề truyền thống của người dân và không bị ảnh hưởng.
"Tuy nhiên, nếu chỉ giữ ngành nghề đó mà không phát triển thì người dân vẫn cứ nghèo suốt. Trong khi đó, tiềm năng về bãi biển đẹp để khai thác du lịch lại không phát huy được," ông Chữ chia sẻ.
Đại biểu Quốc hội Lê Viết Chữ cho rằng nếu nhà đầu tư muốn xây dựng resort ven biển thì phải công bố chi tiết quy hoạch và không làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, cuộc sống của người dân xung quanh.
Vì vậy, theo đại biểu Lê Viết Chữ, cần phải quy hoạch lại để phát triển du lịch nhưng phải đảm bảo lợi ích của người dân tại khu vực đó, cũng như lợi ích của nhà đầu tư và Nhà nước. Nghĩa là phải giải được bài toán hài hoà lợi ích của 3 bên.
Đại biểu Quốc hội Phan Ngọc Thọ (đoàn Thừa Thiên-Huế) cũng cho rằng giải pháp quan trọng nhất là phải thực hiện theo quy hoạch, dành khoảng không gian công cộng cho người dân, khu dân cư tại các bãi biển.
Bên cạnh đó, khi thực hiện quy hoạch phải lấy ý kiến đóng góp của người dân. Mặc dù đất cho dự án cũng cần nhưng phải đảm bảo không gian công cộng, đảm bảo sinh kế lâu dài cho người dân tại khu vực đó.
Để thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 29/2016/TT-BTNMT ngày 12/10/2017 quy định kỹ thuật thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển; trong đó các khu vực được xem xét, đánh giá về yêu cầu bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển phải dựa trên các yếu tố: Mật độ dân số tại vùng đất ven biển; Thực trạng các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên của người dân (du lịch, nuôi trồng, đánh bắt hải sản và các hoạt động khác của người dân) diễn ra tại vùng bờ…
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Tuy nhiên, theo Viện Nghiên cứu biển và Hải đảo, việc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển rất chậm, mới chỉ có một số ít tỉnh là phê duyệt được Danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển. Một số tỉnh đang tiến hành nhiệm vụ xác định khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển. Các tỉnh còn lại mới đang trình phê duyệt nhiệm vụ thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển.
Tại Chỉ thị 20/CT-TTg về tăng cường quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng và quản lý đất đai các dự án ven biển, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có bờ biển rà soát việc lập và phê duyệt quy hoạch xây dựng để kịp thời kiến nghị điều chỉnh các văn bản pháp luật, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế quy hoạch xây dựng, đáp ứng yêu cầu phát triển dài hạn của khu vực ven biển.
Đồng thời, Bộ Xây dựng kiểm tra, giám sát, đôn đốc các địa phương trong việc quản lý quy hoạch xây dựng khu vực ven biển, quản lý đầu tư xây dựng tại các dự án ven biển, đặc biệt là công khai và cung cấp thông tin về quy hoạch xây dựng để người dân địa phương cùng tham gia kiểm tra, giám sát.
Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đất đai, đặc biệt chú trọng các quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc các địa phương quản lý các dự án, bảo vệ tài nguyên và môi trường đất đai ven biển...
Đối với Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố có biển tăng cường kiểm tra việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng và công trình xây dựng theo quy hoạch xây dựng được duyệt, Giấy phép xây dựng bảo đảm chất lượng kiến trúc, cảnh quan và môi trường...
Theo Trung Tùng (TTXVN/Vietnam+)