Thứ bảy 14/09/2024 21:06 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bất động sản /

Quy hoạch đất đai đến từng thửa: Lo ngại phức tạp, gây tốn kém

11:29 | 09/03/2023

Đại diện nhiều địa phương và giới chuyên gia cho rằng việc quy hoạch kế hoạch sử dụng đất đai cấp huyện phải đến từng thửa đất sẽ rất khó thực hiện vì phải điều chỉnh thường xuyên, rất tốn kém.

Quy hoạch đất đai đến từng thửa: Lo ngại phức tạp, gây tốn kém
Ảnh minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Sau hơn 2 tháng tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), một trong những nội dung nhận được nhiều góp ý là quy hoạch kế hoạch sử dụng đất đai cấp huyện phải có danh mục các công trình, dự án đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, có chủ trương đầu tư; phải được xác định rõ vị trí, ranh giới, diện tích đến từng thửa đất trên bản đồ địa chính.

Tuy nhiên, đại diện lãnh đạo nhiều tỉnh, thành phố và giới chuyên gia cho cho rằng quy định trên cần phải nghiên cứu kỹ hơn bởi khi áp dụng không chỉ gây khó khăn, ách tắc mà còn rất tốn kém.

Khó khả thi

Nhấn mạnh là địa phương nhận được nhiều ý kiến của người dân về quy hoạch sử dụng đất, ông Lại Văn Hoàn - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình cho rằng yêu cầu "các công trình, dự án đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, diện tích để đấu giá quyền sử dụng đất phải xác định rõ vị trí, ranh giới, diện tích đến từng thửa đất trên bản đồ địa chính" là rất phức tạp, tốn kém khi thực hiện.

Dẫn Điều 3 của dự thảo luật, ông Hoàn cho rằng quy hoạch sử dụng đất là việc phân bổ và khoanh vùng đất đai theo không gian sử dụng cho các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và nhu cầu của các ngành đối với từng vùng kinh tế-xã hội.

Trong khi đó, Điều 65 yêu cầu khi lập kế hoạch sử dụng đất, các công trình, dự án đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, diện tích để đấu giá quyền sử dụng đất phải xác định rõ vị trí, diện tích đến từng thửa đất trên bản đồ địa chính.

Theo ông Hoàn, quy định trên sẽ gây khó khăn trong quá trình triển khai, nhất là đối với các công trình theo tuyến. Bởi lẽ, kế hoạch sử dụng đất được lập cho thời kỳ 10 năm chưa xác định rõ mục đích cụ thể tại thời điểm lập quy hoạch. Chưa kể, quá trình thực hiện quy hoạch thường có sự thay đổi như: Quy hoạch chi tiết các dự án, các quy định vê quy hoạch giao thông, hành lang an toàn các công trình.

“Vì thế, nếu quy định quy hoạch sử dụng đất đến từng thửa đất sẽ dẫn đến khi quy hoạch xây dựng được điều chỉnh sẽ phải điều chỉnh lại quy hoạch trước khi đưa vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm thì mới có căn cứ giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất,” ông Lại Văn Hoàn góp ý.

Có chung quan điểm, ông Nguyễn Hùng Nam, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên cũng cho rằng quy định kế hoạch sử dụng đất cấp huyện thể hiện đến từng thửa đất là không khả thi. Việc này không chỉ phức tạp, mà còn rất tốn kém.

Theo đại diện tỉnh Hưng Yên, kế hoạch sử dụng đất là việc phân bổ và khoanh vùng đất đai theo không gian sử dụng cho các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, nhu cầu của các ngành đối với từng vùng kinh tế-xã hội và đơn vị hành chính. Vì thế, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến từng thửa đất là không cần thiết.

Ông Lê Anh Quân, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng cũng góp ý việc xác định rõ vị trí ranh giới, diện tích đến từng thửa đất trong nội dung kế hoạch sử dụng đất cấp huyện rất khó thực hiện, nhất là các dự án giao thông, thủy lợi vì đây là những dự án thường xuyên có điều chỉnh trong thực tế.

Quy hoạch đất đai đến từng thửa: Lo ngại phức tạp, gây tốn kém
Ảnh minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

“Nếu quy định như này thì khi chúng tôi lập kế hoạch cấp huyện sẽ khó và thường xuyên phải điều chỉnh, bổ sung rất phức tạp,” ông Quân trăn trở.

Nên bỏ khâu lập kế hoạch sử dụng đất ở cấp huyện?

Cùng bàn về vấn đề trên, tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, cho rằng quy định về nội dung sử dụng đất cấp huyện như trên là thiếu tính thực tế, bởi chỉ đến khi phê duyệt dự án (không phải khi dự án có chủ trương) mới có thể xác định được quy mô và ranh giới tới từng thửa đất.

Vị đại diện Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cũng lưu ý nếu dự thảo luật quy định kế hoạch sử dụng đất với cấp huyện, thì ban soạn thảo cần thêm một câu như thế này: “Phải thể hiện các dự án trong quy hoạch tới từng thửa đất.”

“Thế nhưng, dự án mới có chủ trương chưa được duyệt thì sẽ không thể biết quy mô thế nào để tới từng thửa đất. Hơn nữa, tư liệu về đất đai hiện nay chưa đồng bộ trong cả nước, nên những câu thiếu thực tế thế này tôi đề nghị sửa lại cho hợp lý,” ông Nghiêm thẳng thắn nêu quan điểm.

Trong khi đó, theo quy định tại Điều 64 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), việc lập kế hoạch sử dụng đất của tỉnh, huyện phải lập từng năm. Việc này căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất đã được duyệt và căn cứ vào kế hoạch phát triển xã hội, kế hoạch đầu tư công của tỉnh, nhu cầu sử dụng đất của các ngành, huyện.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp, quy định trên sẽ gây ra nhiều ách tắc vì thông thường kế hoạch sử dụng đất hàng năm được tỉnh thông qua ngay sau kỳ họp đầu của hội đồng nhân dân tỉnh.

Vì thế, nếu sau đó do nhu cầu phát triển kinh tế hoặc yêu cầu của địa phương bổ sung dự án đều phải chờ kế hoạch sử dụng đất năm sau (kể cả các doanh nghiệp nếu các thủ tục chuẩn bị đầu tư không kịp kỳ họp đầu của hội đồng nhân dân cũng phải chờ đợi mặc dù thực hiện đúng theo quy hoạch sử dụng đất đã được duyệt).

“Theo chúng tôi, dự thảo luật nên bỏ khâu lập kế hoạch sử dụng đất ở phạm vi cấp huyện để các địa phương và doanh nghiệp chủ động tiết kiệm được thời gian và cũng bớt đi một thủ tục hành chính cho việc triển khai đầu tư dự án. Việc này cũng tạo điều kiện cho các địa phương linh hoạt hơn trong việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư, phát triển kinh tế xã hội ở địa phương mình,” ông Hiệp nói.

Ghi nhận các ý kiến góp ý, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng cho rằng muốn làm được công tác quản lý quy hoạch đất đai thì phải xuất phát từ việc điều chỉnh quy hoạch, giải quyết mối quan hệ giữa quy hoạch đất đai với các quy hoạch khác.

“Hiện nay ở cấp tỉnh đã có quy hoạch tổng thể, vì thế chúng ta cần định hướng được không gian, tốc độ phát triển để nắm bắt diễn biến cho kế hoạch 5 năm. Còn cấp huyện, quy hoạch sẽ là hàng năm và cập nhật danh sách dự án từng năm. Ban soạn thảo sẽ ghi nhận các ý kiến góp ý để có hướng điều chỉnh phù hợp,” ông Hà nhấn mạnh./.

Theo Hùng Võ (Vietnam+)

Cùng chuyên mục
  • Hà Nội: Sắp có thêm chung cư cao tầng quy mô gần 18.000 người tại quận Ba Đình

    (Xây dựng) - UBND phường Ngọc Khánh (quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội) vừa tổ chức Hội nghị lấy ý kiến cộng đồng dân cư về nhiệm vụ và quy hoạch chi tiết khu vực cải tạo, tái thiết, xây dựng lại khu chung cư Ngọc Khánh và phụ cận, tỷ lệ 1/500.

  • Đà Nẵng: Khởi công tháp đôi căn hộ cao cấp gần 1.600 tỷ đồng

    (Xây dựng) - Ngay sau khi được cấp phép xây dựng, sáng 14/9, Công ty Cổ phần Cosmos Housing chính thức khởi công dự án tòa chung cư tháp đôi DaNang Landmark.

  • Thuế bất động sản sẽ kiềm chế tăng giá nhà đất

    (Xây dựng) - Đến lúc cần cải cách thuế bất động sản để giải bài toán giá nhà đất tăng quá cao. Giá nhà đất tăng quá cao dẫn đến một thực trạng là người dân chật vật, làm cả đời cũng chưa chắc mua nổi một mảnh đất, căn nhà, trong khi mà phần lớn nguồn cung nhà đất đang ngày một khan hiếm, vẫn tiếp tục "rơi" vào tay những người dư dả tài chính.

  • Vì sao nên đầu tư vào đất nền Phú Quốc ngay bây giờ?

    (Xây dựng) - Phú Quốc - thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam không chỉ là thiên đường nghỉ dưỡng mà còn là một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư bất động sản. Với sự phát triển vượt bậc về cơ sở hạ tầng, hạ tầng xã hội trong những năm gần đây và sớm hay muộn Phú Quốc cũng sẽ trở thành đặc khu hoặc hưởng chính sách phát triển đặc thù giúp kinh tế Phú Quốc tăng trưởng mạnh mẽ. Dưới đây là những lý do thuyết phục khiến bạn cần phải hành động ngay, trước khi cơ hội vàng này trôi qua.

  • Giá bất động sản ngày càng tăng

    (Xây dựng) - Bà Phạm Thị Miền, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam (Hội Môi giới bất động sản Việt Nam) cho biết, giá bất động sản đang liên tục thiết lập mặt bằng mới, ở ngưỡng cao, vượt xa tốc độ tăng trưởng thu nhập của đại đa số người dân.

  • Hòa giải tranh chấp đất đai được quy định như thế nào?

    (Xây dựng) - Điều 235 Luật Đất đai 2024 (đã có hiệu lực từ tháng 8/2024) quy định về hòa giải tranh chấp đất đai

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load