(Xây dựng) – Định hướng quy hoạch xây dựng chung Khu du lịch Quốc gia Núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh) đến năm 2035 tầm nhìn đến năm 2050 mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức mới đối với dự phát triển kinh tế của vùng, từng bước đưa khu vực trở thành điểm nhấn quan trọng của du lịch miền Đông Nam Bộ và cả nước.
Thẩm định nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh đến năm 2035 tầm nhìn đến năm 2050 do Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn chủ trì (Ảnh: Trần Đình Hà)
Núi Bà Đen có diện tích quy hoạch 24km² bao gồm 3 ngọn núi tạo thành là Núi Heo - Núi Phụng - Núi Bà Đen. Hệ thống chùa ở Núi Bà Đen có chùa Trung, chùa Bà và chùa Hang, ngọn núi này không chỉ thu hút khách thập phương bởi cảnh núi non hùng vĩ mà còn gắn liền với truyền thuyết Lý Thị Thiên Hương, cách trung tâm TP Tây Ninh 11km về phía Đông Bắc, nơi đây nằm trong quần thể không gian di tích văn hóa, lịch sử, du lịch nổi tiếng với phong cảnh hữu tình. Tiềm năng du lịch quốc gia Núi Bà Đen có thể kết hợp khai thác cũng với các tiềm năng du lịch khác của Tây Ninh.
Lập quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050 được coi là một nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết, tạo cơ sở cho việc quản lý, thu hút đầu tư, khai thác có hiệu quả những tiềm năng du lịch đặc sắc của khu vực, đáp ứng nhu cầu tham quan du lịch cũng như góp phần tích cực phát triển kinh tế địa phương, phát triển cộng đồng, góp phần nỗ lực vào quá trình xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững ở khu vực. Từng bước đưa khu vực trở thành một điểm nhấn quan trọng của du lịch miền Đông Nam Bộ và cả nước.
Định hướng phát triển không gian du lịch của khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen được xây dựng dựa trên sự phân bổ tài nguyên du lịch, ranh giới khu vực bảo tồn và ba hướng tiếp cận Núi Bà Đen từ TP Tây Ninh. Hướng tiếp cận hiện trạng được coi là hướng tiếp cận chính đối với hoạt động du lịch tâm linh – lễ hội trong tương lai của khu. Hướng tiếp cận phía Bắc là hướng tiếp cận với các hoạt động vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, thể thao, cắm trại. Hướng tiếp cận trung tâm được coi là hướng tiếp cận trực tiếp từ trung tâm TP Tây Ninh với Núi Bà Đen, phù hợp với điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP Tây Ninh, đây sẽ là trục cảnh quan khá quan trọng không chỉ đối với Núi Bà Đen mà còn cả của đô thị Tây Ninh. Theo định hướng quy hoạch chung xây dựng, hướng tiếp cận này được xây dựng chủ yếu dựa trên hai yếu tố hình thành tuyến kênh kết nối Núi Bà Đen với trung tâm đô thị và hình thành tuyến đi bộ chạy song song.
Quy hoạch sử dụng đất, phân chia các khu chức năng và xác định các chỉ tiêu về diện tích, tầng cao tối đa, tối thiểu, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất. Cơ cấu sử dụng các khu chức năng cũng được quy định khá rõ ràng. Việc bố trí quy hoạch xây dựng các công trình bám sát địa hình tự nhiên để giảm thiểu tối đa công tác đào lấp, san lấp, chuẩn bị mặt bằng và hạn chế tác động tới địa hình, cảnh quan tự nhiên của khu vực. Sử dụng tối đa vật liệu xây dựng địa phương đối với các công trình nhằm tạo sự liên kết tự nhiên của khu du lịch với môi trường khu vực, hạn chế sử dụng các vật liệu hiện đại.
Hệ thống giao thông nội bộ của khu bao gồm các tuyến đường kết nối với các khu chức năng và giao thông động, tĩnh trong từng khu chức năng. Do đặc thù nằm gọn trong 4 tuyến đường nên về cơ bản các tuyến đường tỉnh ĐT 784, ĐT 785, ĐT 790 và đường Suối Đá – Khedol và dự kiến đầu tư thêm đường vành đai núi giai đoạn 2 sẽ đảm nhiệm chức năng điều tiết lưu thông, kết nối các khu chức năng trong khu du lịch quốc gia.
Đối với hệ thống hạ tầng môi trường, về nguyên tắc việc xử lý nước thải sẽ được thực hiện cục bộ đối với các khu chức năng có lượng khách lớn. Các khu vực khác sẽ được đấu nối vào hệ thống thoát nước thải của TP Tây Ninh và xử lý chung cùng với nước thải của TP. Chất thải rắn phát sinh sẽ được thu gom theo từng khu chức năng và vận chuyển xử lý tập trung cùng với nước thải của thành phố.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn cho rằng, đề án cần chỉ ra khu vực bảo tồn thiên nhiên và khoanh vùng khu vực cần bảo tồn nghiêm ngặt. Nhiệm vụ đề ra cần có ý tưởng về công năng, tâm linh, cảnh quan, bên cạnh đó quy hoạch phải có sự gắn kết liên vùng với thiên nhiên.
Hà Đào
Theo