Chủ nhật 13/10/2024 22:57 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Quy hoạch - Kiến trúc /

Quy hoạch cải tạo chỉnh trang tuyến đô thị dọc kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè – Những góc nhìn

15:19 | 30/07/2019

Ông Đỗ Thanh Tùng | Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia

Tuyến mặt nước (biển, hồ, sông, suối, kênh, rạch) trong các đô thị ở Việt Nam cũng như các đô thị trên thế giới đều rất quan trọng, bởi: mặt nước cùng với cây xanh sẽ điều hòa khí hậu, tạo ra môi trường gắn với thiên nhiên trong một khu vực đô thị; là các “khoảng mở” cho các không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị; là các khu vực không gian để tìm lại sự hài hòa, gần gũi giữa con người với môi trường tự nhiên và các công trình, vật thể kiến trúc… Đặc biệt, các tuyến mặt nước trong đô thị nếu được nghiên cứu tốt, vận dụng hiệu quả thì sẽ góp phần tạo nên diện mạo không gian kiến trúc cảnh quan ấn tượng cho đô thị ấy và có thể trở thành bản sắc của đô thị.


Ảnh minh hoạ

Trên thế giới, nhiều quốc gia có các đô thị mà bản sắc và ấn tượng của đô thị được tạo nên thông qua các tuyến mặt nước, như: thành phố Paris (Pháp) gắn với dòng sông Seine; thành phố Bordeaux (Pháp) gắn với sông Garonne; thành phố Amsterdam (Hà Lan) gắn với vịnh IJ và sông Amstel; thành phố Moskva (Nga) gắn với sông Moskva (giữa lưu vực của hai con sông lớn là Volga và Oka); thành phố Krakow (Ba Lan) gắn với sông Vistula hiền hòa; thành phố Québec (Canada) nổi tiếng gắn với sông Saint – Laurent và thác Montmorency; thành phố Venezia (Italia) – “thành phố của các kênh đào” chạy dọc theo biển Adriatic giữa các cửa sông Po và sông Piave; thành phố Roma thủ phủ vùng Lazio (Italia) gắn với con sông Tevere và sông Aniene; thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) gắn với sông Hoàng Phố…

Đối với Việt Nam hiện nay, khi nghiên cứu một đồ án quy hoạch đô thị hoặc thiết kế đô thị, chúng ta thường dựa trên hệ thống giao thông hạ tầng khung làm “trục xương sống đô thị” để nghiên cứu phát triển kiến trúc cảnh quan và tạo điểm nhấn cho tổng thể hoặc từng khu vực đô thị. Còn các tuyến mặt nước chính trong đô thị thường chỉ là những đề xuất trong những dự án nghiên cứu, đầu tư cụ thể, nhỏ lẻ mà chưa được nhìn nhận, đánh giá đúng vai trò của nó như một phần quan trọng của “trục xương sống đô thị” để bảo tồn, phát triển kiến trúc cảnh quan và tạo điểm nhấn cho đô thị.

Chúng ta cũng cần nhận thức rằng, từng tuyến mặt nước trong các đô thị còn nhiều chức năng phục vụ khác, như: du lịch sông nước, giao thông đường thủy, lễ hội, dưỡng sinh, thể dục thể thao… Những chức năng này sẽ hình thành công năng cho từng tuyến mặt nước trong đô thị, từ đó sẽ kéo theo sự hình thành các tuyến giao thông kết nối trong đô thị về đường bộ, đường thủy, đường không, và sự hình thành các công trình, vật thể kiến trúc cảnh quan trong lòng và trên bờ của các tuyến mặt nước.

Với TPHCM hiện đang sở hữu nhiều tuyến mặt nước lớn, như: sông Sài Gòn, kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, kênh Tẻ… và Quận 3 chỉ có kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè chảy qua cần được coi là “trục xương sống đô thị”. Các tuyến mặt nước này rất xứng tầm để được thành phố, các quận liên quan cho nghiên cứu, vận dụng hiệu quả thông qua các đề tài khoa học, các đồ án quy hoạch và thiết kế đô thị, nhằm bảo tồn, phát triển kiến trúc cảnh quan thành phố và các khu vực để tạo nên dấu ấn và bản sắc riêng./.

PGS.TS Nguyễn Hồng Thục | Viện trưởng Viện Nghiên cứu Định cư

Cùng với công tác quy hoạch, đầu tư và xây dựng hai bên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, cần có tầm nhìn khai thác bao quanh nó thành một cấu trúc không gian xanh, đậm bản sắc văn hóa – lịch sử sông nước của sài Gòn.

Muốn vậy phải chú trọng vào chức năng cảnh quan, công cộng, đi bộ và kết nối các công trình lịch sử. Tránh việc chỉnh trang để chất tải nhà cao tầng, chất tải dân cư, phá nát cơ hội phát triển thành phố xanh và cơ hội “thở sạch” của Sài Gòn. Mặt khác, kênh rạch TPHCM, đặc biệt hai con kênh Nhiêu Lộc, Tàu Hũ cần quyết định việc chuyển đổi sang mô hình thích ứng với lũ trong tương lai bởi tiềm năng sinh thái nước – nền tảng cơ bản để điều hòa mối quan hệ cộng sinh giữa con người và tự nhiên của toàn thành phố./.

Ông Nguyễn Thanh Nhã | Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc TPHCM

Quy hoạch chỉnh trang đô thị hiện nay nên theo các mô hình đô thị nén, tăng độ cao của công trình để tạo điều kiện gia tăng không gian xanh, không gian công cộng. Quận 3 là một quận trung tâm của TPHCM nhưng hiện không có công viên cây xanh.

Vì vậy, quy hoạch chỉnh trang cảnh quan kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè lần này sẽ là cơ hội để xây dựng bổ sung thêm các khu công viên công cộng. Mặt khác, với lợi thế lớn là con kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè đi dọc địa bàn nhiều các các quận nội đô, nên có thể tận dụng kênh rạch nội đô để thiết kế đô thị kết hợp du lịch./.

PGS.TS Graham Crist | Đại học Tổng hợp RMIT (Australia)

TPHCM cần nghiên cứu các phương án quy hoạch phù hợp với các điều kiện đặc trưng của đô thị, trong đó, khống chế hợp lý mật độ xây dựng.

Nghiên cứu làm rõ chức năng và công năng của các công trình hỗn hợp để hạn chế các tác động tiêu cực như các quốc gia phương Tây đi trước đã gặp phải trước đây. Cần có các cơ chế giám sát, minh bạch với công chúng đối với việc giao đất và đầu tư xây dựng các khu đất lớn để xây dựng các công trình hỗn hợp – dịch vụ thương mại. Một quy hoạch trải dài hoặc phân tán trong chỉnh trang đô thị thực sự sẽ làm suy yếu cũng như ảnh hưởng đến tiềm năng phát triển du lịch và kinh tế của đô thị. Việc sao chép hình mẫu ở các đô thị khác cũng cần được nghiên cứu chắt lọc bởi chắc chắn khách du lịch không đến Việt Nam để xem Singapore/.

KTS Nguyễn Hữu Thái

Quy hoạch cải tạo chỉnh trang tuyến đô thị dọc kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè lần này cần thay đổi quan niệm về kiến trúc, thiết kế và tổ chức không gian nhà ở cho người tái định cư sao cho phù hợp.

(1) Không nên tái định cư người nghèo ở chung với người khá giả: nhà ở xã hội và nhà ở thương mại nên tách rời. Thực tế những hộ dân ở trong các khu nhà thương mại cho dù chỉ chiếm 10-20% nhưng sau một thời gian họ bán đi nơi khác vì các chi phí cho nhà ở thương mại khá cao so với thu nhập của người nghèo, ngoài ra có những rắc rối khác về quan hệ xã hội và thói quen sinh hoạt. (2) Phải đáp ứng cùng lúc các chức năng ở, sinh hoạt, sản xuất, thương mại, thiết lập quan hệ xã hội phải lồng vào nhau trong một không gian “đa chức năng”./.

TSKH Ngô Viết Nam Sơn

Nhìn chung, các dự án cải tạo, chỉnh trang kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè triển khai trước đây vẫn chỉ là những dự án đơn ngành, thiết kế để vận hành riêng lẻ, thiếu sự nhất quán của một chiến lược thống nhất, kết nối tất cả các dự án với nhau để tạo sức mạnh cộng hưởng, cùng giúp nhau thành công.

Để phát huy có hiệu quả tiềm năng và lợi thế kênh Nhiên Lộc – Thị Nghè hiện nay; Thứ nhất, cần đánh giá lại sơ bộ những dự án quan trọng trong khu vực này từ 2012 cho đến nay; Thứ hai, đề xuất những định hướng chiến lược về bảo tồn, cải tạo và phát triển đô thị, kiến trúc cảnh quan cho tuyến đô thị ven kênh trong thời gian tới. Chương trình chỉnh trang cần hướng đến việc phát triển dài hạn tuyến đô thị ven kênh, để nó không chỉ là một tuyến giao thông xanh sinh thái, mà còn là một điểm đến mới cho thành phố với bản sắc thế kỷ XXI, theo hướng quy hoạch bền vững, hiện đại, và thông minh./.

TS.KTS Nguyễn Thị Lan Phương | Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội

Những thách thức trong tái cấu trúc, tái thiết khu vực trung tâm đô thị là phải tạo nên nhiều quỹ đất trống cho các không gian mở, công cộng của thành phố, mặt khác vẫn phải duy trì sự sôi động, đảm bảo tính cạnh tranh của trung tâm đô thị.

Xu hướng lựa chọn gắn với sự phát triển hệ thống đầu mối hạ tầng giao thông công cộng theo mô hình TOD là một bài toán hiệu quả đã được áp dụng thành công. Song song với sự phát triển mật độ cư trú cao theo mô hình (TOD) cần giải quyết các nhu cầu về sự thiếu vắng công viên, không gian mở, không gian văn hóa… đảm bảo tương lai phát triển bền vững của trung tâm đô thị./.

Ông Nguyễn Đăng Sơn | Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển Hạ tầng

Hệ thống sông nước, kênh rạch của TPHCM chiếm một vị trí đặc biệt. Nó cũng chính là yếu tố đã định hướng cho sự phát triển có tính hình thái học của thành phố.

Sự kết hợp giữa cây xanh và mặt nước để tạo nên “dòng sông cảnh quan sinh thái – xanh” bên trong thành phố sẽ là cơ sở để nối dài hơn các phố ven sông và càng làm đậm nét hơn bản sắc văn hóa đô thị sông nước. Các kênh rạch hiện hữu với cây xanh trên hai bờ kênh sẽ được gắn kết vào trong hệ thống không gian xanh của các dự án phát triển và vành đai sinh thái nhằm tạo môi trường thiên nhiên phong phú cho người dân. Một đô thị có nhiều sông ngòi, kênh rạch phải được nhìn nhận bằng mối quan hệ cộng sinh, không thể tách rời: đất – nước – con người. Vì vậy, việc tạo cảnh quan đô thị tiên quyết phải đảm bảo giữ gìn hệ thống sinh thái sông ngòi, kênh, rạch, hài hòa với thiên nhiên. /.

TS Nguyễn Ngọc Hiếu | Trường Đại học Việt – Đức (VGU)

Nếu được lựa chọn, các giải pháp cải tạo cần nghiên cứu rộng hơn, tính cả các giải pháp hỗn hợp bao gồm nâng cấp, chỉnh trang, và tái phát triển sử dụng cách tiếp cận sáng tạo và linh hoạt.

Thành phố có thể chọn khu vực lõi gồm đất công và thu hồi một hành lang đi ra phía kênh Nhiêu Lộc để đấu giá đất sạch, thu tiền cho chủ đầu tư để làm BT và tiếp cận chỉnh trang để cải tạo khu vực kề cận cùng cộng đồng. Cách tiếp cận giải tỏa trắng cũng vẫn là một lựa chọn để so sánh và lấy ý kiến cộng đồng khi thi tuyển. Với đặc trưng gia tăng chất tải ở đây, dự án này cần áp dụng phương pháp đánh giá tác động giao thông. Khi triển khai cần ràng buộc các bên triển khai theo dạng hợp đồng để đảm bảo thực thi có kết quả./.

TS.KTS Nguyễn Hoàng Minh | Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội

Một tầm nhìn về cơ hội tái thiết khu vực dọc kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè gắn với định hướng là một đầu mối giao thông quan trọng có khả năng kết nối với sân bay Tân Sơn Nhất, ga Hòa Hưng và nhà ga trung tâm Bến Thành trong giai đoạn ngắn hạn, sẽ hỗ trợ thúc đẩy vai trò trung tâm mới của khu vực tái thiết.

Giải quyết được bài toán kết nối các trung tâm của thành phố dựa trên hệ thống giao thông công cộng đường sắt, khai thác tốt vị thế của khu vực ga Hòa Hưng tạo nên một khu vực trung tâm mới phát triển mật độ cao gắn với kết nối giao thông đa phương thức gồm đường sắt quốc gia, sân bay quốc tế và giao thông công cộng đô thị là một lựa chọn quan trọng cho các định hướng phát triển của khu vực./.

Nhà văn Lưu Trọng Văn

Sài Gòn không thể tồn tại và phát triển chỉ bởi những gì con người tự ý làm ra. Một vùng đất cần có hồn có vía của nó. Sài Gòn như cái cây mọc trên vùng đất có hồn, có vía đó nên mới tạo ra một lối sống, một tâm thức, một anh linh người Sài Gòn.

Một con sông, một con rạch chỉ có ý nghĩa của văn hóa nếu nó có sự sống, nó có cuộc sống của nó. Sông, rạch là để nước trôi về nơi cần trôi, là để thuyền bè nối những bờ bến, để cái tay vẫy, để cất tiếng hò… Sông rạch là để khoảng trống mênh mang cho gió về. Không có sông rạch thì chỉ là cảnh mông má nhà cửa sầm uất, chọc trời đè nát bóng mây trôi mặt nước. Kiến trúc – cảnh quan đô thị nói cho cùng chính là trả lại các giá trị và tôn vinh các giá trị của thiên nhiên và thổi thêm vào đó hồn, vía con người. Công cuộc cải tạo kênh Nhiêu Lộc vừa qua mới chỉ là cải tạo phần xác chứ chưa hề đụng chạm được tới phần hồn. Mà với một không gian sống thì phần hồn mới là quan trọng nhất./.

KTS Trịnh Tuấn Dũng | Hội KTS TPHCM

Để công tác quy hoạch, tái thiết và quản lý sau quy hoạch được triệt để và có hiệu quả, rất cần có một định hướng và chiến lược đồng bộ.

Cần xác định rõ tầm nhìn về cảnh quan đô thị hành lang kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè trong sự kết nối tổng thể có tính bền vững. Quy hoạch phải bảo tồn các giá trị bản sắc có sẵn, những dấu ấn cũ của TPHCM qua các thời kỳ, đảm bảo tính kế thừa nhưng không mất đi tính linh động, sáng tạo. Quy hoạch cải tạo không gian kiến trúc cảnh quan cần nhất quán sự đồng bộ giữa quy mô đô thị với khả năng chịu tải của hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Có kế hoạch di dời các nhà máy công nghiệp đã có ra khỏi khu vực nội đô. Kiểm soát chặt chẽ quy hoạch sử dụng đất, ưu tiên cho quy hoạch các không gian xanh, không gian công cộng, góp phần nâng cao chất lượng tiện nghi sống, vẻ đẹp kiến trúc cảnh quan đô thị./.

ThS.KTS Trần Anh Tuấn | Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội

Cần xác định rõ chức năng của mặt nước đối với đô thị. Phải lựa chọn: hoặc sử dụng không gian ven kênh như một đường giao thông, hoặc giữ gìn được cảnh quan đặc trưng vốn có.

Việc quy hoạch trục kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè thành một tuyến đường nổi đơn thuần để giải quyết vấn đề giao thông cho đô thị sẽ khiến nó chỉ còn là một cống hộp khổng lồ, không hơn không kém. Kinh nghiệm Hàn Quốc đã cho thấy: Để hạn chế ô nhiễm mùi hôi và chất thải với khu vực dân cư xung quanh, cũng như nhu cầu phát triển hệ thống hạ tầng giao thông của một đô thị công nghiệp mới, trong những năm từ 1955 đến 1961, sông Cheonggyecheon đã được cống hóa và dành mặt bằng để xây dựng lên trên các hệ thống đường cao tốc đa tầng. Điều này không những khiến dòng sông bị chết mà còn làm đô thị lộn xộn và thiếu tính bền vững do bị phá vỡ cấu trúc tự nhiên một cách thô bạo.

Theo kientrucvietnam.org.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load