Tại buổi công bố Lệnh của Chủ tịch về công bố Luật Báo chí ngày 29/4, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng đã giới thiệu những điểm mới của luật này.
Ông Nguyễn Minh Hồng - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (Ảnh: Vietnamnet).
Luật Báo chí 2016 có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 gồm 6 chương với 61 điều (tăng 25 điều), trong đó có 32 điều xây dựng mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Báo chí hiện hành.
Ban hành quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo
Theo đó, Luật Báo chí 2016 có 4 điều quy định cụ thể về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, trong đó quy định công dân có quyền: Sáng tạo tác phẩm trên báo chí, cung cấp thông tin cho báo chí, phản hồi thông tin trên báo, tiếp cận thông tin, liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí, in và phát hành báo in,...
Ngoài các đối tượng thành lập cơ quan báo chí được quy định theo luật hiện hành, Luật Báo chí 2016 còn bổ sung một số đối tượng được thành lập tạp chí khoa học như: Cơ sở giáo dục đại học theo Luật Giáo dục đại học, tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tổ chức dưới hình thức viện hàn lâm; bệnh viện từ cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc tương đương trở lên.
“Luật Báo chí năm 2016 đã quy định cụ thể về trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm; những thông tin cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền từ chối cung cấp thông tin. Đồng thờ quy định giới hạn việc cơ quan báo chí, nhà báo chỉ phải tiết lộ người cung cấp thông khi có yêu cầu bằng văn bản của Viện trưởng VKSND, Chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Viện trưởng VKSND, Chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên có trách nhiệm tổ chức bảo vệ người cung cấp thông tin sau khi tên của họ được tiết lộ”- ông Hồng nói.
Một điểm mới đáng chú ý, Luật Báo chí giao Hội Nhà báo Việt Nam có nhiệm vụ ban hành và tổ chức thực hiện quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Nhà báo có nghĩa vụ tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp và sẽ bị thu hồi thẻ nhà báo khi vi phạm về đạo đức nghề nghiệp gây hậu quả nghiêm trọng.
Luật Báo chí mới đã bổ sung một số hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí so với luật hiện hành, như: Thông tin quy kết tội danh khi chưa có bản án của tòa án; thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em; thông tin về những chuyện kỳ bí gây hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội và sức khỏe của cộng đồng.
Nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị báo chí thông tin sai sự thật, Luật đã bổ sung một số quy định về cải chính như: Báo điện tử, ngoài việc đăng, phát lời cải chính, xin lỗi còn phải gỡ bỏ ngay thông tin sai sự thật đã đăng, phát; thông tin cải chính, xin lỗi phải được lưu giữ trên báo ít nhất 7 ngày kể từ ngày đăng, phát cải chính xin lỗi, cải chính. Các cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử tổng hợp đã đăng, phát thông tin của cơ quan báo chí khác có nội dung phải cải chính, xin lỗi cũng phải thực hiện đăng lại cải chính, lỗi của cơ quan báo chí vi phạm.
Luật Báo chí giao Hội Nhà báo Việt Nam có nhiệm vụ ban hành và tổ chức thực hiện quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo
Nhiều nội dung cởi mở, thông thoáng hơn
Theo ông Nguyễn Minh Hồng, Luật Báo chí 2016 đã có nhiều quy định cởi mở và thông thoáng hơn so với pháp luật báo chí hiện hành. Điển hình như đối với trường hợp cấp thẻ lần đầu phải có thời gian công tác liên tục tại cơ quan báo chí đề nghị cấp thẻ từ 2 năm trở lên tính đến thời điểm cấp thẻ (hiện hành là 3 năm). Cơ quan báo chí có nhu cầu đặt văn phòng đại diện chỉ cần gửi một bộ hồ sơ đến UBND cấp tỉnh để thông báo trước khi văn phòng đại diện hoạt động 15 ngày (pháp luật hiện hành quy định phải được sự đồng ý bằng văn bản của Sở Thông tin và Truyền thông).
Luật Báo chí 2016 đã pháp điển hóa quy định tại các nghị định của Chính phủ để đưa vào luật, đồng thời bổ sung một số quy định mới để điều chỉnh hoạt động báo chí, cụ thể như các chính sách của Nhà nước về phát triển báo chí, thay đổi cơ quan chủ quản của cơ quan báo chí, hoạt động hợp tác của báo chí Việt Nam với nước ngoài, bảo vệ nội dung các chương trình phát thành, truyền hình, báo điện tử, phản hồi thông tin...
Một vấn đề được các cơ quan báo chí quan tâm liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ cũng đã được luật mới quy định cởi mở hơn. Cụ thể, nguồn thu của cơ quan báo chí gồm từ nguồn hoạt động kinh doanh, dịch vụ của cơ quan báo chí và các đơn vị trực thuộc cơ quan báo chí.
Quy hoạch báo chí phải tuân thủ theo luật
Tại cuộc họp báo, trả lời thắc mắc xung quanh đề án quy hoạch báo chí đang được triển khai với Luật Báo chí 2016, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cho rằng, việc Quốc hội thông qua Luật Báo chí mới thể hiện tinh thần tự do báo chí đã được nêu trong Hiến pháp 2013. Luật Báo chí tạo nên hành lang pháp lý minh bạch, rõ ràng để thực hiện công tác quản lý nhà nước về báo chí.
“Quy hoạch báo chí là công cụ quản lý của Chính phủ, được ban hành dưới dạng một quyết định cá biệt của Thủ tướng Chính phủ, là một văn bản hành chính nên phải tuân thủ theo luật, theo quy định của Luật Báo chí, sau này sẽ có hướng dẫn cụ thể”- ông Hồng nói.
Theo ông Hồng, hiện nay có trên 800 cơ quan báo chí từ trung ương tới địa phương đang hoạt động. “Đây là con số rất lớn, nhiều cơ quan hoạt động không hiệu quả. Từ thực tiễn đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nghiên cứu, quy hoạch, sắp xếp lại cho tối ưu, đảm bảo hoạt động của cơ quan báo chí đúng tôn chỉ mục đích, có hiệu quả, hoạt động phục vụ tốt nhất nhiệm vụ đề ra khi được thành lập”- ông Hồng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, quy hoạch báo chí tới năm 2025 đã được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Việc sắp xếp lại cơ quan báo chí trên phạm vi toàn quốc để thực thi tốt hơn Luật Báo chí và tạo điều kiện tốt hơn cho báo chí hoạt động, phát triển trong thời gian tới.
Theo Thế Kha/Dantri.com.vn