Thứ ba 03/12/2024 06:03 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Quy hoạch - Kiến trúc /

Quy hoạch Bắc Ninh thành đô thị thông minh

15:00 | 28/04/2017

(Xây dựng) - Mới đây, trong báo cáo ý tưởng Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tư vấn quy hoạch (Tập đoàn Nikken sekkei - Nhật Bản) đã đưa ra mục tiêu: Quy hoạch Bắc Ninh trở thành đô thị thông minh trong tương lai. Điều này đã thu hút sự chú ý của nhiều người, bởi lẽ khái niệm “Đô thị thông minh” tuy đã quen thuộc với nhiều nước tiên tiến, và là xu thế phát triển các đô thị mới trên thế giới, nhưng với Việt Nam thì còn khá mới mẻ.

Nhiều cuộc hội thảo về Đô thị thông minh diễn ra trên thế giới và Việt Nam, đã đưa ra nhiều định nghĩa. Có người cho rằng, đó là một đô thị hiện đại với đầy đủ các tính năng và tiện nghi phục vụ cho nhu cầu của con người và công việc. Tại cuộc hội thảo “Thông minh và kết nối - xu thế phát triển nhà ở và đô thị” do Bộ TT&TT phối hợp với Bộ Xây dựng và Cty Cisco tổ chức ngày 06/7/2014 tại Hà Nội, bà Mrinalini Ingram - Giám đốc cấp cao về chiến lược và phát triển của Cisco toàn cầu cho rằng: Nền tảng của một TP tương lai sẽ là mạng lưới và những thông tin được mạng truyền tải, cho phép tất cả các dịch vụ quan trọng, từ giao thông vận tải, an ninh, tới giải trí, đào tạo, y tế… được kết nối với nhau, trở nên thông minh và thân thiện với môi trường”. Tổng kết Hội thảo “Quy hoạch và phát triển đô thị xanh - thông minh” do Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam phối hợp với Viện Định cư quốc gia Hàn Quốc tổ chức ngày 07/11/2013 tại Hà Nội, các nhà khoa học và nhà quản lý cho rằng” Đô thị thông minh là sự kết hợp giữa không gian đô thị và công nghệ thông tin. Nó giúp nhà quản lý và người dân vận hành tất cả mọi công việc trên hệ thống công nghệ thông tin, giúp cuộc sống con người trở nên dễ dàng hơn, môi trường sinh hoạt an toàn, thoải mái hơn”. Theo tác giả  Đồ án Quy hoạch Chung đô thị lõi Bắc Ninh, KTS Norikazu Inuzuka, Đô thị thông minh đề xuất ở Bắc Ninh là đô thị hàm chứa nhiều nội dung về sự thông minh của các hệ thống: Thông tin liên lạc, năng lượng, giao thông, hạ tầng kỹ thuật,  xử lý nước thải, cấp nước, chiếu sáng, y tế, giáo dục, hệ thống tòa nhà, hệ thống quản lý hành chính… Một cách chung nhất, để xây dựng một đô thị thông minh hoặc để đánh giá nó cần có sáu tiêu chí chủ yếu: Việc ứng dụng công nghệ thông tin ở mức độ cao cho không gian toàn đô thị, đảm bảo sự điều hành của nhà quản lý và công việc của người dân. Năng lực kinh tế của đô thị. Nguồn tài nguyên về con người. Môi trường thân thiện. Chính quyền điện tử. Chất lượng sống của người dân.

Trên thế giới đã có nhiều đô thị thông minh, nhiều khu đô thị mới thông minh, Singapore là ví dụ tiêu biểu. Ở nước ta, gần đây khi bàn đến vấn đề này, nhiều người mới chợt nhận ra: Tại sao chúng ta không nghĩ đến những đô thị như thế trong tương lai? Chúng ta hoàn toàn có quyền và có thể hướng tới những điều tốt đẹp đó chứ. TP Đà Nẵng là một đô thị đi tiên phong về định hướng đô thị thông minh. Theo ông Phạm Kim Sơn - Giám đốc Sở TT&TT, hiện TP đã xây dựng mạng diện rộng (mạng MAN), phủ sóng wifi cho tất cả các không gian công cộng; đồng thời đang theo đuổi sáng kiến hệ thống kiểm soát giao thông thông minh, hệ thống kiểm soát ô nhiễm nước thải, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm và cảnh báo thiên tai,…

Đối với tỉnh Bắc Ninh, với mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành TP “Hiện đại, văn minh, văn hiến, hài hòa và bền vững” thì việc quy hoạch khu vực đô thị lõi theo hướng đô thị thông minh là một yêu cầu cần thiết phải đặt ra. Thứ nhất, hệ thống đô thị  của ta phát triển hơn 10 năm nay, coi như mới bắt đầu, không có lý do gì khiến chúng ta không bắt nhịp theo xu thế của thời đại, trong điều kiện nền kinh tế của tỉnh đang phát triển rất năng động và hội nhập quốc tế. Thứ hai, theo định hướng Quy hoạch Vùng Thủ đô, Bắc Ninh là một cực trong tam giác phát triển Hà Nội - Bắc Ninh - Vĩnh Phúc, càng đòi hỏi trình độ phát triển cao về đô thị. Thứ ba, xét trên sáu tiêu trí của Đô thị thông minh, Bắc Ninh hoàn toàn có đầy đủ cơ sở khoa học và thực tiễn để hướng tới. Hơn 15 năm qua, kiên trì định hướng phát triển công nghiệp, tỉnh đang xây dựng nền tảng mới cho phát triển kinh tế là khoa học - công nghệ với công nghệ cao là trung tâm, công nghệ điện tử là mũi nhọn. Thực tế đang hiện ra trước mắt việc triển khai rầm rộ của các tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới tại các khu công nghiệp như SAMSUNG, NOKIA, CANON và hàng trăm doanh nghiệp nước ngoài sản xuất phụ trợ cho các tập đoàn. Trước đòi hỏi của sự phát triển, chúng ta đã và đang chuyển đổi việc điều hành hệ thống hành chính theo hướng “chính quyền điện tử”; phủ sóng wifi miễn phí đến các khu vực công cộng; tỷ lệ sử dụng điện thoại di động, internet ở mức cao; các dịch vụ công cộng về tài chính, ngân hàng, siêu thị, y tế, giáo dục… đang dần tiếp cận với cách thức vận hành và sử dụng công nghệ thông tin. Mặc dù những cái đó còn ở mức đơn giản, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể thành công với quy mô, sự hiện đại và tốc độ đi trước đón đầu theo xu thế của các nước. Về kinh tế, với tiềm năng, lợi thế, với tất cả những gì đã và đang diễn ra, không có gì phải nghi ngờ về khả năng nền kinh tế có đủ sức hay không để xây dựng một hệ thống thông tin hiện đại. Về tiềm năng tài nguyên con người, ai cũng từng biết đây là vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, vùng đất khoa bảng. Con người Bắc Ninh mới đã và đang không ngừng phát huy truyền thống văn hiến, đủ sức tiếp thu khoa học - công nghệ hiện đại và sáng tạo ra những giá trị mới. Trong xu thế phát triển, tỉnh luôn coi trọng nhiệm vụ hàng đầu là giáo dục - đào tạo, đã quy hoạch hai khu đào tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ với hơn 1.000ha, thu hút 19 trường đại học, cao đẳng. Về tiêu chí sinh thái, thân thiện với môi trường, tỉnh chủ trương giữ gìn, tôn tạo hệ sinh thái tự nhiên các triền sông, ao hồ, núi sót; loại bỏ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường thay bằng công nghiệp sạch, mà điển hình là việc xóa bỏ sản xuất gạch thủ công từ năm 2010, dừng phát triển công nghệ lò vòng đã đưa vấn đề sinh thái trở thành một tiêu chí  ưu tiên hàng đầu trong phát triển đô thị.

Để có đô thị thông minh, vấn đề quan trọng không phải là ngày mai hay ngày kia, vấn đề là làm thế nào. Có lẽ việc đầu tiên là quy hoạch. Tiêu chí thì đã rõ, nhưng điều đó chưa quan trọng bằng việc nhà quy hoạch cấu trúc không gian, bố trí hạ tầng thế nào để từng bước hình thành ra đô thị thông minh. Và cần nhận ra thách thức là không hề nhỏ. Phải có những giải pháp thực tế thì quy hoạch mới khả thi. Đó là giải pháp kết nối thông minh trong không gian toàn đô thị chứ không phải chỉ thông minh trong từng tòa nhà hoặc khu vực cục bộ. Nếu chỉ phát triển rời rạc, lẻ tẻ thì “sự thông minh” chỉ giới hạn trong những ứng dụng công nghệ của các nhà cung cấp. Thách thức thứ hai là sự tuân thủ quy hoạch, những mâu thuẫn giữa lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài nảy sinh trong quá trình thực hiện. Và trên hết, lại là thách thức về nhận thức, nhận thức về công nghệ, về đô thị thông minh, về những gì còn đang ở phía trước!

Qua đây, có thể thấy rằng, ý tưởng của nhà quy hoạch được nảy sinh từ việc nghiên cứu thực tiễn của Bắc Ninh với những  luận cứ khoa học. Chúng ta chắp cánh cho ý tưởng này bằng khát vọng và ý chí vươn tới TP tương lai mà ở đó thước đo mức độ hiện tại, văn minh là “sự thông minh” và chất lượng cuộc sống!

Cao Văn Hà
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Xây dựng, Chủ tịch Hội Xây dựng Bắc Ninh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load