Thứ sáu 19/04/2024 19:31 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Quy định về di sản thừa kế chuyển thành tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp của các cá nhân

11:29 | 13/08/2020

(Xây dựng) – Nhà, đất là tài sản do cha mẹ để lại và đã được thống nhất phân chia, tuy nhiên sau đó phát sinh tranh chấp khi bố mẹ qua đời. Vụ án tranh chấp tài sản thừa kế lần này diễn ra tại Hà Nội với tổng cộng 12 người là đương sự, người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Vụ án này đã có Quyết định Giám đốc thẩm số 27/2015/DS-GĐT của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, phát triển thành Án lệ số 24/2018/AL.

quy dinh ve di san thua ke chuyen thanh tai san thuoc quyen so huu quyen su dung hop phap cua cac ca nhan
Ảnh minh họa

Vụ tranh chấp xảy ra liên quan đến nhà, đất đã được bố mẹ chia khi còn sống giữa các anh, chị, em ruột trong cùng 1 gia đình.

Theo đó, cụ P.V.H (mất năm 1978) và cụ N.T.V (mất năm 1994) có 7 người con là ông H3, ông Đ (mất năm 1998), ông T, ông Q (mất năm 2000) và bà H, H1, H2. Cụ H và cụ V có gian nhà, gian bếp trên khoảng 464m2 đất tại thị trấn Q, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội).

Đến năm 1991, cụ V đứng ra chia mảnh đất cho 7 người con như sau: Mỗi người con trai 1 phần, còn 1 phần (diện tích khoảng 44m2) chia chung cho 3 người con gái (nguyên đơn).

Phần của các nguyên đơn được chia nằm liền với đất cụ V chia cho ông H3, cộng với tình hình lúc đó do các bà H, H1, H2 đang ở trong miền Nam nên có nhờ ông H3 trông nom hộ. Tổng diện tích phần đất của ông H3 và của nguyên đơn là 110m2.

Năm 2004, khi bà H, H1, H2 có nhu cầu xây dựng trên đất này thì ông H3 không thừa nhận và đã chia cho con mình là anh P.V.L và chị P.T.T, không trả đất cho nguyên đơn.

Nguyên đơn có sự thay đổi về yêu cầu, lúc thì yêu cầu ông H3 trả lại phần đất đã được mẹ và anh chị em trong nhà thống nhất chia từ 1991; có lúc lại yêu cầu được hưởng thừa kế theo pháp luật bằng hiện vật là 44,4m2 đất. Khi TAND thành phố Hà Nội thụ lý sơ thẩm vụ án vào năm 2010, nguyên đơn yêu cầu Tòa án giải quyết chia thừa kế di sản của bố mẹ là 115m2 (thực đo 110m2) đang do ông H3 quản lý.

Về phía bị đơn, ban đầu ông H3 có lời khai thừa nhận cụ H, cụ V có khối tài sản nhà đất như các nguyên đơn trình bày và năm 1972, ông H3 lập gia đình riêng và được cha mẹ cho ở trên 162m2 đất trong thửa đất của các cụ. Sau đó, bị đơn có lời khai khác, cho rằng 162m2 đất này có nguồn gốc do ông H3 và vợ là bà N.T.N tự khai hoang đổ đất cải tạo hố rác, ruộng rau muống thành nền nhà và sử dụng đến nay, không phải đất của cụ V, cụ H.

Năm 1983, gia đình ông H3 đã chuyển nhà sang nơi khác ở, nhưng vẫn quản lý toàn bộ nhà đất của các cụ và nhà đất cũ của gia đình vì lúc này cụ V và các em đi Nam xây dựng kinh tế mới. Năm 1987, ông đã kê khai và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng thửa đất số 210 diện tích 162m2. Năm 1988, cụ V về quê và đứng ra chia đất nhưng chỉ chia cho bốn người con trai mà không chia cho 3 con gái như các nguyên đơn trình bày. Vị trí và diện tích chia cho ông Đ, ông T và ông Q và việc nhận đất sử dụng ông cũng thống nhất như nguyên đơn. Khi cụ V chia đất, ông đã đồng ý cắt bớt 52m2 trong 162m2 đất của ông cho ông Q nên ông chỉ còn 110m2. Năm 2004, ông đã viết giấy cho hai con là anh L 65m2, chị T 45m2 và đề nghị tách làm 2 thửa cho con nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận thì bà H, bà H1 và bà H2 tranh chấp.

Cho rằng không có việc cụ V chia đất năm 1991 cho bà H, bà H1 và bà H2 như nguyên đơn trình bày. Các nguyên đơn khởi kiện là đã hết thời hiệu về thừa kế, 110m2 đất là của ông và không đồng ý yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Sau khi TAND thành phố Hà Nội thụ lý sơ thẩm lại vụ án vào năm 2010, ông T và các thừa kế của ông Đ, ông Q đều trình bày không có yêu cầu gì trong 110m2 đất mà nguyên đơn yêu cầu chia thừa kế, đều thống nhất cho ba nguyên đơn và ông H3 hưởng phần thừa kế của ông T, ông Đ, ông Q trong khối tài sản tranh chấp 110m2 này.

Theo tòa án nhận định: Sau khi cụ H chết, vợ chồng ông H3, bà N ở và trông nom nhà đất, còn cụ V và những người con khác đi xây dựng kinh tế mới ở Miền Nam. Năm 1983, vợ chồng ông H3 chuyển đến nhà đất nơi khác ở nhưng vẫn trông nom quản lý nhà, đất. UBND huyện Q xác nhận sổ sách địa chính lưu giữ cho thấy mảnh đất của các cụ được chia làm 2 thửa, một thửa mang số 210 diện tích 162m2 do ông H3 đứng tên và thửa 213 diện tích 300m2 do ông T đứng tên. Sau đó, cụ V quay về nhà đất này và ở tại đây cho đến khi qua đời vào năm 1994. Sau khi về, cụ đã họp các con và đứng ra phân chia toàn bộ thửa đất thành bốn phần riêng biệt cho các con, không ai có ý kiến gì và đều thống nhất thực hiện việc phân chia này. Như vậy, việc ông T, ông H3 đồng ý cùng với cụ V chia 464m2 đất đã thể hiện việc ông T, ông H3 chỉ là người đứng tên trong giấy tờ sổ sách giấy tờ về địa chính, nhà đất vẫn là của cụ V, cụ H chưa chia. Ông H3 cũng không đưa ra được chứng cứ chứng minh 162m2 là tài sản riêng của ông.

Ngoài ra, phần chia cho ông Đ (94m2), ông Q (78m2), ông T (189m2), các ông đều đã nhận đất sử dụng sau đó đã được đăng ký đứng tên chủ sử dụng đất, hoặc chuyển nhượng cho người khác thì cũng đã đăng ký điều chỉnh trong các giấy tờ về đất, cho đến nay không ai có tranh chấp gì. Đối với phần đất 110m2 còn lại (là phần có 7m ngang mặt đường) do ông H3 quản lý, đến năm 2004 do ông chia đất cho các con của mình nên bà H, bà H1, bà H2 mới có tranh chấp đòi lại 44,4m2.

Thực tế thời điểm cụ V chia đất, các con đều đã trưởng thành, một số có gia đình riêng có nhu cầu về đất ở, riêng ông H3 đã có nhà đất; bà H, bà H1 và bà H2 đang ở Bình Phước nên bốn người này chưa có nhu cầu xây dựng nhà ở. Ông T thừa nhận việc cụ V chia đất, tất cả các con đều đồng ý và ông T xác định phần đất 110m2 do ông H3 quản lý là cụ V chia cho ông H3 và bà H, bà H1 và bà H2. Ông T đề nghị Tòa án giải quyết để bà H, bà H1, bà H2 được nhận lại tài sản của mình. Vợ của ông Đ, ông Q là bà T, bà H4 và các con của ông Đ, ông Q, tuy không biết cụ thể việc phân chia nhưng đều thống nhất là cụ V đã chia đất xong cho các con rồi nên các bà không có yêu cầu gì và phần 110m2 để cho ông H3, bà H, bà H2 hưởng phần đất này. Do đó, có đủ cơ sở xác định cụ V có chia đất cho bà H, bà H1 và bà H2 và phần đất này ông H3 quản lý.

Với các chứng cứ trên, đủ cơ sở xác định nhà đất của cụ V, cụ H đã được cụ V và các thừa kế của cụ H thống nhất phân chia tài sản chung xong từ năm 1991 và đủ cơ sở xác định phần đất 110m2 trong đó phần bà H, bà H1 và bà H2 là 44,4m2. Việc phân chia đã được thực hiện trên thực tế và đã được điều chỉnh trên sổ sách giấy tờ về đất đai; thỏa thuận phân chia không vi phạm quyền lợi của bất cứ thừa kế nào, không ai tranh chấp nên có cơ sở xác định nhà, đất không còn là di sản thừa kế của cụ V, cụ H nữa mà đã chuyển thành quyền sử dụng đất hợp pháp của các cá nhân. Vì vậy, bà H, bà H1, bà H2 chỉ có quyền khởi kiện đòi lại 44,4m2 đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp do được chia từ năm 1991; tài sản là di sản thừa kế của cha mẹ không còn nên không có cơ sở chấp nhận yêu cầu chia di sản của cụ H, cụ V nữa.

Đơn khởi kiện ban đầu và các lời khai trước khi Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý lại vụ án vào năm 2010, các nguyên đơn chỉ đòi lại 44,4m2 đất này. Nhưng sau khi thụ lý sơ thẩm lại vụ án, các nguyên đơn lại thay đổi lời khai, yêu cầu chia di sản thừa kế phần 110m2 đất là tài sản của cha, mẹ để lại đang do ông H3 quản lý, là không có cơ sở chấp nhận. Tòa án cấp sơ thẩm không làm rõ lời khai đương sự về việc thay đổi yêu cầu khởi kiện này, quyết định chấp nhận yêu cầu chia thừa kế 110m2 đất; Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm, đều không có cơ sở.

Tòa án quyết định: Hủy Bản án dân sự phúc thẩm số 53/2014/DSPT ngày 04/4/2014 của Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội và Bản án dân sự sơ thẩm số 24/2013/DS-ST ngày 31/5/2013 của TAND thành phố Hà Nội về vụ án “Tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là bà H, bà H2, bà H1 với bị đơn là ông H3. Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

Ánh Dương
Theo Án lệ 24/2018/AL đăng ngày 06/11//2018 trên trên Trang tin điện tử về án lệ - Tòa án Nhân dân tối cao (anle.toaan.gov.vn)

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load