Thứ tư 24/04/2024 01:38 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Quy định về chuyển giao công nghệ

10:06 | 17/09/2014

(Xây dựng) - Cty tôi đang dự định nhận chuyển giao công nghệ sản xuất hạt giống ngô biến đổi gen của Mỹ. Công nghệ này cho phép nâng cao sản lượng ngô, cây ngô có đặc tính phòng chống sâu bệnh tốt và phù hợp với đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng tại vùng đồng bằng sông Hồng nước ta.

Vậy, chúng tôi cần phải thực hiện những thủ tục hành chính gì?

(Vũ Hải Yến, quận Đống Đa, Hà Nội)


Chuyển giao công nghệ được đánh giá là con đường ngắn nhất để đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng.

Trả lời:

Căn cứ Danh mục Công nghệ hạn chế chuyển giao thuộc Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 133/2008/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 103/2011/NĐ-CP (Sau đây gọi tắt là Nghị định 133), công nghệ mà Cty của bà dự định nhận chuyển giao thuộc diện hạn chế chuyển giao.

Vì vậy căn cứ Điều 10 Nghị định 133, trước khi tiến hành ký kết Hợp đồng chuyển giao công nghệ, Cty cần xin chấp thuận chuyển giao công nghệ. Cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chuyển giao công nghệ là Bộ Khoa học và Công nghệ.

Căn cứ Khoản 1, Điều 12 Nghị định 133, hồ sơ xin chấp thuận chuyển giao công nghệ gồm:

a) Đơn đề nghị chấp thuận chuyển giao công nghệ (theo mẫu ban hành kèm theo Nghị định 133);

b) Văn bản về tư cách pháp lý của bên đề nghị: bản sao Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Đăng ký kinh doanh;

c) Tài liệu giải trình về công nghệ theo mẫu ban hành kèm theo Nghị định 133);

d) Tài liệu giải trình về việc đáp ứng các điều kiện được nhận chuyển giao công nghệ (quy định tại Khoản 1, Điều 10 Nghị định 133).

Thời gian được nhận văn bản chấp thuận chuyển giao công nghệ là 10 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ hợp lệ.

Sau đó, căn cứ Điều 11 Nghị định 133, trong vòng 60 ngày kể từ ngày ký Hợp đồng chuyển giao công nghệ, Cty cần làm thủ tục xin cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ. Hợp đồng chuyển giao công nghệ chỉ có hiệu lực từ thời điểm được cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ. Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ là Bộ Khoa học và Công nghệ.

Căn cứ Khoản 2, Điều 12 Nghị định 133, hồ sơ xin cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ gồm:

a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ theo mẫu ban hành kèm theo Nghị định 133);

b) Văn bản về tư cách pháp lý của các bên tham gia hợp đồng: Bản sao Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép phù hợp ngành nghề được hoạt động; Giấy xác nhận tư cách pháp lý đối với người đại diện, ký tên trong hợp đồng;

c) Văn bản chấp thuận chuyển giao công nghệ của Bộ Khoa học và Công nghệ;

d) Bản gốc hoặc bản sao có công chứng Hợp đồng chuyển giao công nghệ bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài. Hợp đồng phải được các bên ký kết, đóng dấu và có chữ ký tắt của các bên, đóng dấu giáp lai vào các trang của hợp đồng và phụ lục nếu một trong các bên tham gia hợp đồng là tổ chức;

đ) Danh mục tài liệu công nghệ, máy móc, thiết bị, phương tiện kỹ thuật (nếu có) kèm theo hợp đồng chuyển giao công nghệ;

e) Trong trường hợp có sử dụng vốn nhà nước phải gửi kèm văn bản của cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư nhất trí với nội dung chuyển giao công nghệ và giá ước tính cho công nghệ được chuyển giao.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm thẩm định, cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ.

Nếu có yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ xin cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ thì trong thời hạn 60 ngày làm việc, Cty của bà cần phải sửa đổi, bổ sung hồ sơ theo yêu cầu, nếu không hồ sơ xin cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ sẽ hết hiệu lực.

Luật sư Đinh Vũ Hòa

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load