Theo phản ánh của Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam, văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai tại Điều 56 Luật Kinh doanh Bất động sản không rõ ràng, chậm trễ.
Ảnh minh họa
Luật Kinh doanh Bất động sản có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 nhưng đến tháng 9/2015 mới có Thông tư hướng dẫn, tuy nhiên, nội dung hướng dẫn còn thiếu những chi tiết cần thiết cho việc áp dụng.
Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trả lời như sau:
Điều 56 Luật Kinh doanh bất động sản quy định, chủ đầu tư dự án bất động sản trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết với khách hàng; phạm vi, điều kiện, nội dung và phí bảo lãnh do các bên thỏa thuận.
Thông tư số 07/2015/TT-NHNN ngày 25/6/2015 quy định về bảo lãnh ngân hàng là văn bản quy định khung pháp lý chung đối với nghiệp vụ cấp bảo lãnh của các tổ chức tín dụng.
Đối với nội dung về hoạt động bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, tại Điều 12 Thông tư 07/2015/TT-NHNN đã nêu cụ thể các quy định mà tổ chức tín dụng phải tuân thủ khi thực hiện nghiệp vụ này; những nội dung khác thực hiện theo các quy định chung đối với hoạt động bảo lãnh tại Thông tư 07/2015/TT-NHNN.
Ngoài ra, để triển khai thực hiện Thông tư 07/2015/TT-NHNN, ngày 3/12/2015, Ngân hàng Nhà nước đã có Công văn số 9233/NHNN-TD, trong đó đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại được phép: Thực hiện hoạt động bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai khẩn trương ban hành các quy định nội bộ hướng dẫn thống nhất và triển khai thực hiện trong hệ thống; chủ động xây dựng quy trình cấp bảo lãnh, hướng dẫn về hồ sơ, thủ tục bảo lãnh cho các doanh nghiệp có nhu cầu được bảo lãnh để bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai.
Đồng thời, hướng dẫn cụ thể quy trình cấp bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai để các ngân hàng thương mại có cơ sở thực hiện thống nhất.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước đã hướng dẫn và có quy định cụ thể về hoạt động nghiệp vụ bảo lãnh, tạo khung pháp lý để các tổ chức tín dụng triển khai thực hiện.
Đối với các vấn đề cụ thể như phạm vi, điều kiện nội dung, mức lãi suất, phí bảo lãnh do khách hàng và tổ chức tín dụng tự thỏa thuận theo quy định tại Điều 56 Luật Kinh doanh bất động sản và Điều 91 Luật các Tổ chức tín dụng.
Thực tế cho thấy, trong khoảng thời gian từ khi Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 có hiệu lực (1/7/2015) đến khi Thông tư 07/2015/TT-NHNN có hiệu lực thi hành từ ngày 9/8/2015, tại các ngân hàng thương mại không phát sinh những vấn đề vướng mắc, khó khăn đối với các đề nghị bảo lãnh cho chủ đầu tư dự án để thực hiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang tiếp tục nghiên cứu sửa đổi Thông tư 07/2015/TT-NHNN và đã đăng dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 07/2015/TT-NHNN để xin ý kiến đóng góp tại website của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ nghiên cứu, tổng hợp các ý kiến đóng góp để hoàn thiện và ban hành.
Theo Chinhphu.vn