Thứ năm 07/11/2024 22:50 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Quy hoạch - Kiến trúc /

Quy định quản lý công trình cao tầng tại khu vực nội đô lịch sử Hà Nội

16:47 | 30/05/2016

(Xây dựng) - UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử Hà Nội.


Ảnh minh họa. (Nguồn: Zing.vn)

Theo đó, quy chế này quy định về điều kiện để nghiên cứu xây dựng công trình cao tầng; tầng cao, chiều cao tối đa cho phép xây dựng công trình cao tầng; các quy định về quản lý không gian, kiến trúc cảnh quan đô thị; các khu vực không được phép xây dựng công trình cao tầng…

Các công trình cao tầng nằm ngoài khu vực nội đô lịch sử và tiếp giáp với chỉ giới đường đỏ đường vành đai 2 thực hiện theo Quy chế này, đảm bảo sự phù hợp và đồng bộ về không gian, kiến trúc cảnh quan với các công trình cao tầng khác nằm trên tuyến đường đó.

Quy chế này được áp dụng trên khu vực có quy mô diện tích khoảng 3.881ha, thuộc địa giới hành chính của 5 quận là Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, một phần phía Bắc quận Hai Bà Trưng và một phần phía Nam của quận Tây Hồ.

Theo quy định quản lý quy hoạch không gian đối với công trình cao tầng thì khu vực hai bên vành đai (vành đai 1, 2 và ven đê sông Hồng) phải đảm bảo các điều kiện tầng cao tối đa từ 21-39 tầng, chiều cao tối đa 76-140m (tùy từng đoạn đường).

Khu vực hai bên tuyến phố hướng tâm như: Giảng Võ – Láng Hạ, Văn Cao –Liễu Giai - Nguyễn Chí Thanh, Tôn Đức Thắng - Nguyễn Lương Bằng - Tây Sơn, Giải Phóng – Lê Duẩn phải đảm bảo các điều kiện tầng cao tối đa từ 9-27 tầng và chiều cao tối đa từ 32-97m (tùy từng đoạn phố khác nhau).

Khu vực hai bên tuyến phố chính: Hào Nam – Hoàng Cầu – Yên Lãng; Hàng Đậu – Phan Đình Phùng – Hoàng Hoa Thám; Lò Đúc – Kim Ngưu; Chùa Bộc- Thái Hà - Huỳnh Thúc Kháng – Pháo Đài Láng kéo dài; Phạm Ngọc Thạch – Tôn Thất Tùng; Đội Cấn thì tầng cao tối đa từ 13-24 tầng, chiều cao tối đa từ 46-86m (tùy từng đoạn phố cụ thể).

Tại khu vực điểm nhấn đô thị, tổ hợp công trình cao tầng khu vực quanh hồ Giảng Võ, hồ Thành Công, ga Hà Nội, khu vực Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái đảm bảo điều kiện tầng cao tối đa từ 18-24 tầng; chiều cao tối đa từ 65-86m (tùy từng khu vực).

Ở các nút giao thông như nút giao đường vành đai 2 - Hoàng Hoa Thám – Hoàng Quốc Việt; nút giao đường Cầu Giấy – La Thành – Bưởi – Láng; nút giao Nguyễn Chí Thanh - Láng; nút giao Láng Hạ - Láng; nút giao đường Tây Sơn – Láng; nút giao đường Giải Phóng – Trường Chinh - Đại La, nút giao đường Nguyễn Chí Thanh - La Thành; nút giao Kim Ngưu – Minh Khai; nút giao Nguyễn Khoái – Vĩnh Tuy; nút giao Láng Thượng – Chùa Láng; nút giao Tôn Thất Tùng – Chùa Bộc… đảm bảo điều kiện tầng cao từ 21-39 tầng và chiều cao tối đa 76-140m (tùy từng nút)…

Việc nghiên cứu xây dựng công trình cao tầng tại các dự án tái thiết đô thị là các chung cư cũ có quy mô từ 2ha trở lên phải đảm bảo các điều kiện như sau: Xác định ranh giới toàn bộ khu chung cư cũ là ranh giới để thực hiện dự án tái thiết đô thị theo quy định của pháp luật; tổ chức lập quy hoạch chi tiết 1/500.

Thực hiện tái thiết theo hướng cao tầng, mật độ thấp, tạo nhiều không gian mở, hạn chế gia tăng dân số khu vực. Bố trí đất cho công trình giáo dục và không gian mở, tăng thêm diện tích xây xanh đô thị, tiện ích công cộng như sân vườn, chỗ để xe… Các khu chung cư Nguyễn Công Trứ, Giảng Võ, Hào Nam, Ngọc Khánh, Bắc Thành Công, Nam Thành Công, Quỳnh Mai, Thanh Nhàn, Khương Thượng, Phương Mai, Láng Hạ, Kim Liên, Nam Đồng, Vĩnh Hồ, Trung Tự, Văn Chương đảm bảo tầng cao từ 18-24 tầng, chiều cao từ 65-86m (tùy từng chung cư).

 

Gia Bảo

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load