Những điều bất hợp lý, thiếu công bằng của Quỹ Bảo trì đường bộ (BTĐB) đã được dư luận, báo chí đề cập nhiều ngay từ lúc Bộ GTVT trình dự thảo: Xe không đi cũng phải mua phí; xe đi trên đường làng do nhân dân tự đóng tiền xây dựng cũng phải trả phí; rồi cứ phải trả phí nhưng không biết đến bao giờ mới được đi đường đẹp… Nhưng bất chấp dư luận, Quỹ BTĐB vẫn được triển khai áp dụng từ 01/01/20913.
Các phương tiện xếp hàng chờ nộp phí BTĐB
Quỹ BTĐB là một dạng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành dưới hình thức Nghị định của Chính phủ (Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012) nhưng nội dung thực chất là điều chỉnh mối quan hệ dân sự giữa Nhà nước và những người sử dụng phương tiện giao thông cơ giới dựa trên nguyên tắc quyền và nghĩa vụ đối ứng. Đã là quan hệ dân sự theo nguyên tắc quyền và nghĩa vụ đối ứng thì có nghĩa là cứ sử dụng dịch vụ thì phải trả tiền, sử dụng nhiều trả nhiều, sử dụng ít trả ít và không sử dụng thì đương nhiên không phải trả. Tuy nhiên, thực tế lại không hẳn như vậy. Từ khi cái gọi là Quỹ BTĐB có hiệu lực càng làm nảy sinh thêm nhiều điểm bất hợp lý, thậm chí là trái pháp luật...
Số là, để triển khai thực hiện Nghị định số 18/2012/NĐ-CP về Quỹ BTĐB, ngày 15/11/2012, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 197/2012/TT-BTC để hướng dẫn chế độ thu, nộp,quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện. Theo đó, đối tượng phải chịu phí là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, bao gồm: Xe ôtô, máy kéo, rơ-moóc, sơmi rơ-moóc được kéo bởi ôtô và xe môtô hai và ba bánh.
Đến nay việc thực hiện thu phí BTĐB đối với xe môtô vẫn chưa triển khai được vì Bộ GTVT chưa nghĩ ra cách gì để “túm tóc” những chủ sử dụng phương tiện này. Còn đối với các phương tiện ôtô, qua gần 2 tháng triển khai, Quỹ BTĐB đã thu được gần 400 tỷ đồng và việc thu phí được giao cho các Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đường bộ. Phí sử dụng đường bộ được tính theo năm hoặc chu kỳ đăng kiểm. Trường hợp đăng kiểm tiếp theo phát sinh sau ngày 31/12/2013thì chậm nhất đến ngày 30/6/2013, chủ phương tiện phải đến cơ quan đăng kiểm nộp phí cho thời gian tính từ 01/01/2013đến ngày 31/12/2013hoặc đến kỳ đăng kiểm tiếp theo. Chukỳ đăng kiểm ngắn nhất là 3 tháng và dài nhất là 30 tháng.
Nộp phí BTĐB được coi là điều kiện bắt buộc để được đăng kiểm xe cơ giới. Nếu không nộp, các Trung tâm đăng kiểm sẽ từ chối khám đăng kiểm. Để tận thu Quỹ BTĐB, những ngày qua, ông Trịnh Ngọc Giao, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam còn phát biểu trên một số phương tiện thông tin đại chúng ra ý “doạ dân” rằng: Sau ngày 30/6/2013, Cục Đăng kiểm sẽ gửi Công văn đề nghị lực lượng CSGT xử phạt những ai điều khiển phương tiện chưa nộp phí BTĐB tham gia giao thông.
Có mặt tại một số Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới nhưng ngày qua, PV đã liên tục ghi nhận được những ý kiến bức xúc của các chủ phương tiện đó là việc Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện việc truy thu phí đối với tất cả phương tiện từ ngày 01/01/2013. Điều này có nghĩa là từ nay cho đến trước ngày 30/6/2015 (vì chu kỳ đăng kiểm dài nhất là 30 tháng), những ai “không may” mua lại được phương tiện cũ của chủ nào không tự giác đi mua phí BTĐB thì khi đến kỳ đăng kiểm ắt sẽ phải è cổ ra nộp phí thay chủ cũ cho cả một khoảng thời gian từ 01/01/2013 cho đến ngày mua cho dù cả quãng thời gian này còn chưa biết mặt phương tiện.
Chưa hết, việc Thông tư 197/2012/TT-BTC còn quy định thu phí cả rơ-moóc và sơmi rơ-moóc được kéo bằng ôtô cũng là những điểm chồng chéo và bất hợp lý vì rơ-moóc và sơmi rơ-moóc không thể ra đường được nếu không có đầu ôtô để kéo trong khi xe đầu kéo đã phải nộp phí đến 1.040.000 đ/tháng, rơ-moóc và sơmi rơ-moóc nộp đến 620.000 đ/tháng. Và có khi một đầu ôtô nay kéo rơ-moóc này, mai kéo rơ-moóc khác thì Bộ GTVT và Bộ Tài chính sẽ tính toán quản lý kiểu gì? Tại sao phải bóc tách đầu kéo và rơ-moóc làm gì khi cả hai gộp lại cũng chỉ là một phương tiện?
Một điều nữa không thể không bàn đến ở đây là tầm nhìn và lối tư duy quản lý Nhà nước của lãnh đạo Bộ GTVT, đặc biệt là việc tham mưu, giúp việc cho Chính phủ trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để phục vụ cho việc quản lý ngành và lĩnh vực phụ trách. Đó là ngày 13/3/2012, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ GTVT, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 18/2012/NĐ-CP về Quỹ BTĐB. Cũng theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ GTVT, ngày 19/9/2012, Chính phủ ban hành Nghị định số 71/2012/NĐ-CP quy định việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Cùng một cơ quan tham mưu giúp việc cho Chính phủ để ban hành những quy phạm pháp luật về quản lý Nhà nước, mặc dù Nghị định 71/2012/NĐ-CP được Bộ GTVT “thai nghén” sau Nghị định 18/2012/NĐ-CP đến quá nửa năm nhưng nội dung của Nghị định 71/2012/NĐ-CP không hề có điều khoản nào đề cập đến việc xử phạt hành vi không mua phí BTĐB để rồi Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam - Trịnh Ngọc Giao lại phải “doạ dân” rằng sẽ gửi Công văn đề nghị lực lượng CSGT xử phạt đối với hành vi không được quy định tại Nghị định 71/2012/NĐ-CP.
Phải nói thêm rằng, lực lược CSGT chỉ có quyền dừng xe và ra quyết định xử phạt đối với những hành vi được quy định tại Nghị định 71/2012/NĐ-CP. Phải chăng Bộ GTVT muốn dùng Công văn của mình thay thế Nghị định của Chính phủ để giao thêm nhiệm vụ cho lực lượng CSGT hay một vài ngày tới Bộ trưởng Bộ GTVT lại có văn bản đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 71/2012/NĐ-CP?!
Ý kiến từ các doanh nghiệp vận tải Theo chúng tôi, áp dụng phương thức thu phí như quy định tại Nghị định 18/2012/NĐ-CP là không bảo đảm công bằng giữa những người nộp phí, thậm chí có thể không sử dụng đường bộ nhưng vẫn phải nộp phí như các trường hợp xe dừng hoạt động để duy tu, bảo dưỡng theo định kỳ, xe đậu do thiếu lái xe, xe chưa có hàng để chạy, xe chạy nội bộ trong cảng, KCN, xe bị hư hỏng phải dừng để sửa chữa... Trong các trường hợp này nếu thu phí là hoàn toàn vô lý. Mặt khác, Nhà nước cần tổ chức một bộ máy thu cồng kềnh, chi phí lớn và phức tạp, nhất là đối với xe môtô, gắn máy. Đấy là chưa kể nguồn qũy có thể thất thu do người dân, DN tìm cách đối phó. Nếu thu phí bảo trì qua xăng dầu sẽ giải quyết được tất cả các vấn đề hạn chế, phức tạp nói trên. Đồng thời, vừa bảo đảm tính công bằng cho người nộp phí, vừa không cần tổ chức bộ máy thu phí cồng kềnh, phức tạp, giảm được tối đa chi phí cho tổ chức thu. Nguồn qũy sẽ được tính trên tổng số lượng xăng dầu nhập khẩu và số lượng xăng dầu sản xuất trong nước sử dụng cho đường bộ. Các đối tượng khác có sử dụng xăng dầu để đánh bắt hải sản, thủy sản, vận tải trên sông, trên biển... không phải nộp phí này. (Luật sư Thái Văn Chung – Tổng Thư ký Hiệp hội vận tải hàng hoá TP.HCM) Quỹ BTĐB có hiệu lực, DN phải tìm cách thích nghi thôi. Trong lúc kinh tế khó khăn này, dù các DN không muốn, nhưng vẫn phải tăng giá dịch vụ. Cuối cùng thì người tiêu dùng phải chịu. Tuy nhiên, tôi vẫn tin là những bất hợp lý, trước sau gì sẽ phải thay đổi. Những bất hợp lý trong thu phí bảo trì đường bộ cũng vậy. Bởi Nghị định 18/2012/NĐ-CP và Thông tư 197 đã bất cập ngay từ khi ban hành, ngay khi chưa triển khai thực hiện. Chỉ có điều chưa biết thời điểm nào mới được sửa đổi. Sợ rằng đến khi sửa đổi thì doanh nghiệp không còn chịu đựng nổi nữa, không còn hoạt động nữa. Nếu sớm điều chỉnh những bất cập, thì tránh được những lãng phí không đáng có cho doanh nghiệp, cho người dân và cho xã hội. (Ông Kiều Công Thanh - Giám đốc Cơ khí Kiều Công Thanh (TP.HCM) Tôi thực sự đang ngồi trên đống lửa, không biết rồi sẽ phải thực hiện như thế nào để có thể tồn tại và thích nghi được với viếc thu phí BTĐB. Theo Thông tư 197/2012/TT-BTC thì rơ-moóc, sơmi rơ-moóc có trọng lượng toàn bộ từ 27.000kg trở lên sẽ là 620.000 đ/tháng. Xe tải, xe ôtô chuyên dùng có trọng lượng toàn bộ từ 27.000kg trở lên là 1.040.000 đ/tháng. Với số lượng 135 xe ôtô chuyên dùng có trọng lượng toàn bộ từ 27.000kg trở lên với 1.000 rơmoóc của Cty Công Thành (940 cái loại trên 27.000kg và 60 cái loại dưới 27.000kg), hàng năm Cty chúng tôi sẽ phải đóng phí BTĐB với số tiền tương đương 8.892.900.000 đồng (Tám tỷ tám trăm chín mươi hai triệu chín trăm ngàn đồng). Trong khi thực tế chúng tôi chỉ hoạt động 135 xe ôtô chuyên dùng và 135 rơ-moóc hoặc sơmi rơ-moóc. Số phí bảo trì đường bộ hàng năm chúng tôi đóng - nếu tính đúng - chỉ là 2.697.300.000 đồng (Hai tỉ sáu trăm chín bảy triệu ba trăm ngàn đồng). Như vậy, số tiền mà hàng năm chúng tôi phải đóng oan lên đến 6.195.600.000 đ (Sáu tỷ một trăm chín mươi năm triệu sáu trăm đồng)
(Bà Lương Phạm Tuyết – Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Giao nhận vận chuyển và thương mại Công Thành TP. |
Phạm Huy
Theo baoxaydung.com.vn