Thứ sáu 29/11/2024 18:43 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Quốc hội thông qua Luật Địa chất và Khoáng sản với tỷ lệ tán thành cao

16:17 | 29/11/2024

(Xây dựng) - Ngày 29/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, với 446/448 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 93,11% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua Luật Địa chất và Khoáng sản.

Quốc hội thông qua Luật Địa chất và Khoáng sản với tỷ lệ tán thành cao
Phiên họp ngày 29/11. (Ảnh: Quốc hội)

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Địa chất và Khoáng sản. Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 446/448 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 93,11% tổng số đại biểu Quốc hội. Như vậy, Luật Địa chất và Khoáng sản đã chính thức được thông qua. Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.

Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy của Quốc hội cho biết, về phân nhóm khoáng sản (Điều 6), tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được rà soát, bổ sung, chỉnh lý các quy định liên quan đối với loại khoáng sản này trong quy định về chính sách của Nhà nước (khoản 3 Điều 3), thăm dò khoáng sản chiến lược, quan trọng (Điều 41, Điều 44, Điều 47), khai thác khoáng sản chiến lược, quan trọng (Điều 65); không đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với một số khu vực khoáng sản chiến lược, quan trọng (khoản 2 Điều 100); giao Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục khoáng sản chiến lược, quan trọng (điểm b khoản 2 Điều 107).

Về quyền lợi, trách nhiệm của địa phương, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân nơi có tài nguyên địa chất, khoáng sản được khai thác (Điều 8), dự thảo đã bổ sung quy định cụ thể về trách nhiệm đóng góp kinh phí của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản. Theo đó, căn cứ tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn, HĐND cấp tỉnh quyết định việc ban hành quy định về trách nhiệm đóng góp kinh phí của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản để đầu tư nâng cấp, duy tu, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình bảo vệ môi trường trên địa bàn.

Đồng thời, bổ sung khoản 3 Điều 8 giao Chính phủ quy định chi tiết để Chính phủ quy định một số nội dung như: nguyên tắc xác định mức thu, trình tự, thủ tục thu, nộp ngân sách Nhà nước, quản lý và sử dụng nguồn thu để bảo đảm thực hiện thống nhất trong toàn quốc.

Về nguyên tắc cấp giấy phép thăm dò khoáng sản (Điều 43), tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo đã bổ sung tại điểm h khoản 1: “Mỗi tổ chức, cá nhân được cấp không quá 05 giấy phép thăm dò đối với một loại khoáng sản, không kể giấy phép thăm dò khoáng sản đã hết hiệu lực. Trường hợp cấp quá 05 giấy phép cho cùng 01 tổ chức phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bằng văn bản”.

Về giấy phép khai thác khoáng sản (Điều 56), theo điểm a khoản 4 Điều 56, thời hạn tối đa của giấy phép khai thác khoáng sản được quy định không quá 30 năm, có thể gia hạn nhiều lần nhưng tổng thời gian không vượt quá 20 năm. Quy định này nhằm phù hợp với chu kỳ công nghệ và thực tiễn khai thác khoáng sản.

Ngoài ra, dự thảo Luật cũng đề cập đến quy định về cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản trong trường hợp giấy phép đã hết hạn nhưng vẫn còn trữ lượng để tiếp tục khai thác.

Với những chỉnh lý này, Luật Địa chất và Khoáng sản được kỳ vọng sẽ góp phần hoàn thiện khung pháp lý cho việc quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên khoáng sản của đất nước, đồng thời thúc đẩy phát triển bền vững trong ngành Công nghiệp khoáng sản.

Linh Đan – Diệu Linh

Theo

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load