Thứ hai 16/09/2024 15:30 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Quốc hội thảo luận các vấn đề về kinh tế - xã hội

14:13 | 31/10/2014

(Xây dựng) - Sáng 31/10, Kỳ họp thứ 8 Quốc hội XIII tiếp tục thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015.

Kỳ họp này Quốc hội đã dành hai ngày làm việc để các đại biểu thảo luận tại hội trường về các vấn đề kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015. Cũng trong buổi thảo luận, Bộ trưởng các Bộ có liên quan sẽ trình bày, báo cáo thêm những vấn đề thắc mắc của các Đại biểu.


Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham gia thảo luận tại hội trường sáng ngày 31/10.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Trong phiên khai mạc chúng ta đã nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và dự kiến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, nghe Báo cáo của Ủy ban Kinh tế về thực hiện tình hình kinh tế - xã hội. Quốc hội đã dành một ngày để thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước tại tổ. Đoàn Thư ký kỳ họp đã tổng hợp ý kiến các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ và rút ra một số vấn đề lớn cần tiếp tục nghiên cứu, thảo luận tại hội trường.

Tại phiên thảo luận tình hình kinh tế - xã hội của Quốc hội, vấn đề nhiều đại biểu quan tâm là việc kiểm soát nợ công, xử lý nợ xấu, việc sử dụng vốn ODA hiệu quả; một số đại biểu đề cập tới vấn đề tăng trưởng kinh tế, công tác áp dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp. 

Phát biểu tại hội trường, Đại biểu Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh) cho rằng: Năm 2014 là năm đầy khó khăn, những vấn đề căng thẳng chính trị trên thế giới gia tăng và cử tri ghi nhận những nỗ lực trong giám sát của Quốc hội. Dù vậy, kinh tế đã có những kết quả đáng ghi nhận: ổn định vĩ mô, giữ được lạm phát thấp - tiền đề thực hiện mục tiêu dài hơn. Cán cân thương mại cải thiện, dữ trữ ngoại hối kỷ lục. Hạ tầng giao thông được cải thiện, điện lưới quốc gia vươn tới đảo xa.

Đại biểu Đỗ Thị Hoàng cũng đồng tình 6 giải pháp về nợ công của Bộ trưởng Bộ Tài chính và đề xuất một số giải pháp. Đó là quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, quản lý chặt chẽ hơn việc chi tiêu công ưu tiên nguồn lực cho các ngành trọng yếu, hạ tầng cơ sở; đổi mới chi tiêu công; minh bạch hóa hoạt động của bộ máy nhà nước; tiếp tục đẩy nhanh xây dựng thể chế về ngân sách nhà nước; tăng cường giám sát của Quốc hội, kiểm toán nhà nước.


Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng).

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) nhận định: Về tình hình KTXH năm 2014 và kế hoạch năm 2015, tôi cơ bản đồng tình với các báo cáo của Chính phủ và Quốc hội. Tôi cho rằng, năm 2014 đã làm được một việc khá thành công là các dự báo của Chính phủ đã đạt yêu cầu (13/14 chỉ tiêu). Điều này cho thấy tính dự báo đã được nâng lên. Công tác giải phóng mặt bằng cũng đạt được những thành tích nhất định, làm cho vốn giải ngân ODA và vốn trái phiếu tăng lên. Công tác phòng chống tội phạm đã làm tốt.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Đức Kiên kiến nghị, chúng ta cần phải phân tích thêm về vấn đề tăng sản xuất. Báo cáo của Chính phủ chưa phân tích rõ tại sao các báo cáo của ADB, IMF, World Bank hạ chỉ tiêu của thế giới nhưng vẫn giữ chỉ tiêu tăng trưởng của Việt Nam. Vậy yếu tố nào trong tốc độ tăng trưởng giúp Việt Nam đạt được chỉ tiêu.

Giải trình một số vấn đề của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cho biết: Trong 10 tháng đầu năm 2014, sản xuất, ngành nông nghiệp có một năm tương đối được mùa, được giá trừ cao su và cá tra; xuất khẩu nông sản đạt 25,85 tỷ USD - tăng 13%; xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh, hết 15/10 đã có 785 xã đạt 19 tiêu chí.

Giải pháp cơ bản là triển khai chủ trương tái cơ cấu và phát triển bền vững theo Quyết định 199 do Thủ tướng Chính phủ ban hành vào tháng 6/2013. Năm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã triển khai nhiều biện pháp như 16 đề án, trong đó 6 đề án cụ thể hóa chủ trương tái cơ cấu trong trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản, thủy lợi và 6 giải pháp thực hiện chủ trương như phát triển khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất… Chính Phủ đã hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại đồng bằng sông Cửu Long, phát triển chăn nuôi nông hộ, thủy sản, bảo vệ phát triển rừng, đổi mới các nông - lâm trường quốc doanh.

Hầu hết các địa phương đã có đề án và kế hoạch, lựa chọn và ưu tiên lĩnh vực để triển khai Nghị định của Chính phủ. Hơn 100.000 ha trồng lúa đã chuyển sang trồng màu và cây trồng khác hiệu quả hơn. Nhiều địa phương trồng giống lúa chất lượng và giá cao hơn từ 7.000 - 8.000/kg chứ không ở mức 5.000 - 6.000/kg như trước. Có hơn 120.000 ha lúa sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn.

Đây mới là kết quả bước đầu. Để có kết quả rõ nét hơn, cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn của các Bộ, ngành địa phương.

Vũ Chiến

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load