Ngày 22/6, Quốc hội thảo luận 2 dự án: Luật Viễn thông (sửa đổi) và Luật Căn cước; biểu quyết thông qua Luật Giao dịch Điện tử (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an Nhân dân.
Các đại biểu tại một phiên họp của Quốc hội. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) |
Theo chương trình Kỳ họp thứ 5, ngày 22/6, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Giao dịch Điện tử (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an Nhân dân.
Quốc hội biểu quyết thông qua hai nghị quyết, gồm: Nghị quyết về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn Ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn Ngân sách Trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia; Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2024.
Trong ngày làm việc, Quốc hội thảo luận ở hội trường về hai dự án: Luật Viễn thông (sửa đổi) và Luật Căn cước.
Hai dự án Luật này đã được các đại biểu thảo luận tại tổ vào ngày 10/6.
Một trong những nội dung đáng chú ý là dự thảo Luật Căn cước bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của họ và phục vụ công tác quản lý Nhà nước.
Tuy nhiên, việc cấp thẻ cho người dưới 14 tuổi sẽ thực hiện theo nhu cầu, còn đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên là bắt buộc.
Dự thảo Luật bổ sung quy định về việc tích hợp một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của người dân ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước vào thẻ căn cước...
Người dân thực hiện thủ tục tích hợp thông tin vào thẻ căn cước thông qua việc cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước hoặc ứng dụng VNeID khi đã có căn cước điện tử.
Về căn cước điện tử, đây là nội dung được bổ sung so với quy định của Luật Căn cước công dân năm 2014.
Dự thảo Luật quy định mỗi người dân chỉ có một căn cước điện tử là tài khoản định danh điện tử do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập; việc thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công trên môi trường điện tử phải sử dụng căn cước điện tử.
Căn cước điện tử được sử dụng để thực hiện các giao dịch, hoạt động khác theo nhu cầu của người dân.
Căn cước điện tử có giá trị sử dụng tương đương như việc sử dụng thẻ căn cước trong thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình thẻ căn cước; có giá trị cung cấp thông tin trong các loại giấy tờ, tài liệu đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối chiếu khi thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình giấy tờ đó./.
Theo PV (TTXVN/Vietnam+)
Link gốc: https://www.vietnamplus.vn/quoc-hoi-se-thao-luan-du-an-luat-can-cuoc-trong-ngay-226/869556.vnp