(Xây dựng) - Sáng 07/02, tại phòng họp Tân Trào - Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã khai mạc Phiên họp thứ 21 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Tại phiên khai mạc, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc thành lập thành phố Phúc Yên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc.
Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trước đó, ông Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã đọc Tờ trình của Chính phủ về việc thành lập 2 phường Tiền Châu, Nam Viêm thuộc thị xã Phúc Yên và thành lập thành phố Phúc Yên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo ông Tân, việc thành lập phường Tiền Châu, phường Nam Viêm và thành lập thành phố Phúc Yên đã bảo đảm 5 điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 128 Luật tổ chức chính quyền địa phương.
“Thành lập 2 phường và thành phố Phúc Yên đã bảo đảm sự đồng thuận của nhân dân; phù hợp với các yếu tố lịch sử, văn hóa của địa phương và tạo sự thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh của người dân, thể hiện đầy đủ vị thế, thực tiễn phát triển sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên địa bàn”, ông Tân cho hay.
Liên quan đến tổ chức bộ máy và biên chế, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, do việc thành lập 02 phường và thành phố Phúc Yên trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của 2 xã và thị xã Phúc Yên (không tăng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã) nên không làm tăng tổ chức, biên chế cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã do tỉnh Vĩnh Phúc quản lý.
Riêng việc tổ chức lực lượng công an chính quy ở 2 phường mới được thành lập, tỉnh đã chỉ đạo Công an tỉnh Vĩnh Phúc và UBND thị xã Phúc Yên có phương án bố trí trong số lực công an chính quy trên địa bàn cho phù hợp để không làm tăng biên chế lực lượng công an của tỉnh Vĩnh Phúc.
Về vốn đầu tư phát triển, theo kế hoạch giai đoạn 2017-2020, thị xã Phúc Yên sẽ ưu tiên thực hiện các dự án cấp thiết nhằm cải thiện môi trường sống của người dân như cải thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và môi trường đô thị. Ưu tiên các dự án tại khu vực ngoại thành có tốc độ đô thị hóa nhanh nhưng phát triển chưa đồng bộ. Ước tính nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2017 - 2020 khoảng 6.452,312 tỷ đồng.
Liên quan đến tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức, đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, việc thành lập phường, thành phố sẽ phát sinh tổ chức Công an chính quy phường và đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức ở phường và thành phố phải được đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng với yêu cầu, đặc điểm của đơn vị hành chính đô thị.
Uỷ ban Pháp luật đề nghị Chính phủ chỉ đạo và địa phương có phương án sắp xếp, bố trí Công an phường trong số lực lượng sẵn có trên địa bàn để không làm tăng biên chế; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ, công chức trên địa bàn. Đề nghị chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc có phương án sắp xếp, sáp nhập để giảm số lượng thôn, tổ dân phố và những người hoạt động không chuyên trách trên địa bàn phường và thành phố theo chủ trương đã xác định trong nghị quyết của Đảng và nghị quyết của Quốc hội.
Tại phiên họp, ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội cũng đã trình bày báo cáo thẩm tra của đối với hồ sơ tờ trình thành lập 2 phường Tiền Châu, Nam Viêm thuộc thị xã Phúc Yên và thành lập thành phố Phúc Yên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc của Chính phủ. Theo đó, 2 xã Tiền Châu, Nam Viêm đáp ứng 4/4 tiêu chuẩn của phường thuộc thị xã còn thị xã Phúc Yên đáp ứng 5/5 tiêu chuẩn của thành phố thuộc tỉnh.
Từ đó, Ủy ban Pháp luật kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc thành lập phường Tiền Châu, phường Nam Viêm thuộc thị xã Phúc Yên và thành lập thành phố Phúc Yên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc.
Sau khi thảo luận, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết đồng ý việc thành lập 2 phường Tiền Châu, phường Nam Viêm và thành phố Phúc Yên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc.
Phường Tiền Châu và Nam Viêm cũng được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của xã Tiền Châu, Nam Viêm (thuộc thị xã Phúc Yên, nay là thành phố Phúc Yên).
Sau khi thành lập 2 phường và thành phố Phúc Yên, thành phố Phúc Yên có 120,13 km2, dân số 155.435 người với 10 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 8 phường và 2 xã.
Tỉnh Vĩnh Phúc có 9 đơn vị hành chính cấp huyện (2 thành phố và 7 huyện) và 137 đơn vị hành chính cấp xã (15 phường, 12 thị trấn và 110 xã).
PV
Theo