(Xây dựng) - Ngày 04/6, thực hiện chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội tiến hành chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể. Trước đó, Bộ GTVT đã có báo cáo gửi đến đại biểu Quốc hội.
Theo báo cáo của Bộ GTVT, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông thời gian qua đã được quan tâm đầu tư. Nhiều công trình giao thông lớn, hiện đại như: Các tuyến đường bộ cao tốc; mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên; các cảng biển: Quảng Ninh (khu bến Cái Lân), Hải Phòng (khu bến Lạch Huyện), cảng Đà Nẵng (khu bến Tiên Sa), TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu (khu bến Cái Mép - Thị Vải), Cần thơ… luồng cho tàu có trọng tải lớn vào sông Hậu; các cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ, Cam Ranh... đã và đang từng bước đầu tư xây dựng, đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, góp phần tạo diện mạo mới cho đất nước, tạo lập được sự kết nối giữa các vùng miền trong cả nước và với quốc tế.
So với năm 2005, kết cấu hạ tầng đường bộ (chỉ tính tới cấp tỉnh) tăng từ 39.646km (khoảng 16.761km quốc lộ; 22.885km đường tỉnh) lên 64.504km (khoảng 831km đường cao tốc, 23.862km quốc lộ; 10.900km đường đô thị; 28.911km đường tỉnh), kết cấu hạ tầng đường sắt tăng từ 2.600km khai thác lên 3.160km, kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa tăng từ 15.436km quản lý khai thác lên 17.232km, công suất khai thác hệ thống cảng biển tăng từ khoảng 32,5 triệu tấn hàng/năm lên khoảng từ 500 - 550 triệu tấn hàng/năm, công suất khai thác hệ thống cảng hàng không tăng từ khoảng 18 triệu khách/năm lên 77,75 triệu hành khách/năm. Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cho thấy, mức hữu dụng và chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam năm 2015 đứng ở vị trí 67, tăng 36 bậc trong 5 năm (năm 2010 ở vị trí thứ 103).
Tuy nhiên đến nay, hệ thống hạ tầng giao thông nước ta vẫn còn bộc lộ nhiều yếu kém, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển để tiến tới mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong đó, còn mất cân đối trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, hệ thống đường bộ cao tốc mới bước đầu hình thành; hệ thống đường sắt đã lạc hậu, chưa đầu tư được đường sắt tốc độ cao.
Do khó khăn về kinh phí, hệ thống hạ tầng giao thông hiện hữu cũng chưa được duy tu, bảo dưỡng kịp thời làm hạn chế năng lực khai thác. Những bất cập trên đã và đang làm giảm vị thế đi trước mở đường của ngành giao thông vận tải trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Về vấn đề BOT, trong báo cáo gửi tới các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định, từ năm 2016 đến nay, Bộ GTVT đã tổ chức rà soát toàn bộ các trạm. Kết quả cụ thể cho thấy, hiện có 88 trạm trên các tuyến quốc lộ, trong đó Bộ GTVT quản lý 73 trạm (56 trạm đang thu, 17 trạm chưa thu thuộc các dự án đang đầu tư), UBND các tỉnh quản lý 15 trạm (11 trạm đang thu, 4 trạm chưa thu thuộc các dự án đang đầu tư).
Về khoảng cách, có 58 trạm có khoảng cách đến trạm liền kề >70km, 10 trạm có khoảng cách 60 - 70km, 20 trạm có khoảng cách < 60km… Báo cáo của Bộ GTVT cũng nêu đầy đủ số liệu thống kê chi tiết về vị trí trạm cũng như giải pháp xử lý bất cập về vị trí trạm.
Trong thời gian tới, Bộ GTVT xác định tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách là ưu tiên hàng đầu, vì thực tiễn cho thấy, cơ chế chính sách điều chỉnh hoạt động của hình thức BOT còn nhiều bất cập.
Cụ thể, cần sớm xây dựng ban hành Luật Đầu tư đối tác công - tư, rà soát lại toàn bộ hệ thống Nghị định, Thông tư liên quan kịp thời điều chỉnh để phù hợp với đặc thù của hình thức đầu tư PPP và thông lệ quốc tế.
Việc hoàn thiện thể chế, chính sách sẽ khắc phục được các bất cập về chủ trương đầu tư, chính sách phí, lựa chọn nhà đầu tư. Cùng với đó là các giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường công tác thanh kiểm tra và tuyên truyền công khai thông tin.
Cùng ngày, Quốc hội tiếp tục chất vấn tại hội trường về một số vấn đề quan tâm khác.
Viễn Phong
Theo