Sau 4 tiếng đồng hồ khi ngân hàng Techcombank công bố lãi suất huy động VNĐ từ 12% lên 17,6% gây náo loạn thị trường tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước chính thức tuýt còi cuộc đua lãi suất và thông báo sẽ xử lý nghiêm ngân hàng nào tăng lãi suất không đúng quy định. Mặc dù cảnh báo được đưa ra nhưng các ngân hàng không thể dừng lại trước cơn khát vốn vào thời điểm nhạy cảm năm hết tết đến. Tại các phòng giao dịch, trên biển niêm yết lãi suất các kỳ hạn vẫn chỉ ở mức 13 - 14% nhưng thực tế các ngân hàng vẫn đang tìm mọi cách lách luật, huy động vốn ở mức 17 - 18% thông qua giao dịch ngầm bằng miệng dưới hình thức thưởng hay khuyến mại.
Cuộc chạy đua lãi suất ngân hàng gây hậu quả nghiêm trọng đến hoạt động của các doanh nghiệp.
Cuộc chạy đua lãi suất ngân hàng gây hậu quả nghiêm trọng đến hoạt động của các doanh nghiệp đặc biệt là các nhà thầu và thị trường xây dựng. Theo đánh giá của Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), hiện nay số DN đầu tư thi công xây dựng có quy mô vốn từ 10 tỷ đồng trở nên chỉ chiếm gần 30% tổng số DN. Số DN có vốn từ 500 tỷ đồng trở lên (khoảng 30 triệu USD) chỉ chiếm 2,4%, còn lại phần lớn là vốn nhỏ không có khả năng thực hiện dự án nếu không có sự hỗ trợ của ngân hàng.
Ông Vũ Khoa - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam cho biết: “Lãi suất ngân hàng tăng cao thì các nhà thầu xây dựng gặp phải hai vấn đề lớn đó là tiến độ thi công công trình bị chậm và chiến lược đầu tư triển khai dự án mới bị đóng băng. Trung bình, lợi nhuận từ các hợp đồng thi công xây dựng đạt trung bình trên 10% nhưng không thể vượt trên 15% trong khi nguồn vốn mà các nhà thầu xây dựng huy động vay để thi công công trình chắc chắn không theo kịp lãi suất như vậy. Do đó, các nhà thầu xây dựng không có cách nào có công trình lãi nhiều để trả lãi suất cao và sẽ đương nhiên trở thành đối tác nợ của ngân hàng. Không tiếp cận được nguồn vốn hoặc vốn vay lãi quá cao thì các chủ đầu tư tất nhiên sẽ phải đóng băng các dự án mới không thể xúc tiến được do hết vốn lưu động”.
Còn ông Hoàng Tiến Triển - Giám đốc Cty CP Xây dựng Tiến Triển thì than thở rằng cuối năm cần các khoản để thanh toán nguyên vật liệu, thanh toán lương thưởng cho cán bộ công nhân viên thì ngân hàng lại khan vốn nâng lãi suất, Cty đang phải huy động tiền từ các cá nhân góp vốn mua nhà dự án trong tương lai và tính tới phương án phát hành thêm cổ phiếu để tiếp tục hoạt động. Liên quan đến các công trình đang thi công, ông cho rằng các nhà thầu khác cũng gặp phải vấn đề tương tự như Cty Tiến Triển khi lãi suất tăng kéo theo giá nguyên vật liệu nên ảnh hưởng đến các công trình đặc biệt là hợp đồng trọn gói không được điều chỉnh giá. Hiện nay, chúng tôi đang có kế hoạch khởi công dự án mới tại Nam Định nhưng xét tình hình không thuận lợi cho cả Cty và khách hàng nên đành lùi lại chờ qua cơn sốt rồi sang năm tính tiếp.
Đại diện phía DN nhập khẩu phôi thép cho ngành vật liệu thép, ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Cty CP A&A Toàn Cầu phân tích: Vì là các hợp đồng nhập khẩu nên giá trị hợp đồng với đối tác lớn và tính theo USD ít nhất cũng vài trăm ngàn USD/hợp đồng. Ví dụ như với đơn hàng trị giá 500 nghìn USD thì DN vay ngân hàng 70% là 350 nghìn USD. Lãi suất vay trước đây là 12% thời hạn 6 tháng, nay lãi suất tăng thì Cty ông phải chịu thêm 6% tương đương 21 nghìn USD (tức khoảng 420 triệu đồng). Theo ông, lãi suất vừa phải nên duy trì ở mức 13 - 14% và cốt yếu nhất là cơ quan quản lý phải đảm bảo tính ổn định của lãi suất. Thực tế cho thấy, ngân hàng huy động 18% thì phải cho vay cao hơn, tháng đầu tiên cho vay mức 20% nhưng các tháng sau đó điều chỉnh thế nào thì chưa ai bàn đến.
Ông Phạm Thành Hưng - Tổng giám đốc Cty BĐS Thế kỷ cho rằng: Cen Group phải chịu hoàn toàn rủi ro trước chủ đầu tư, lãi suất tăng làm mọi chi phí đội lên nhiều, trong lúc cần vốn nhất thì nhiều ngân hàng quay lưng lại với chủ đầu tư là điều khó tránh khỏi.
Trong khi chờ Ngân hàng Nhà nước và cơ quan quản lý đưa ra chính sách điều chỉnh hợp lý gỡ rối thì các nhà thầu xây dựng vẫn phải tự cân đối nguồn vốn của mình để tiếp tục thích ứng với thị trường đầy biến động trong thời gian tới.
Quan Điểm “Lãi suất tăng cao trong khi lợi nhuận hợp đồng công trình không theo kịp sẽ làm chậm tiến độ công trình và đóng băng các dự án chuẩn bị đầu tư khác”
Ông Vũ Khoa “Lãi suất tăng làm tăng giá nguyên liệu đầu vào, ngoài việc chịu thiệt hại phần lãi suất chênh lên thì vấn đề DN quan tâm nhất là việc ổn định lãi suất trong thời gian tới”.
Ông Nguyễn Tiến Minh “Lãi suất tăng làm DN khó tiếp cận các khoản rút về để thanh toán các khoản vật liệu và lương thưởng cho cán bộ công nhân viên dịp tết và đặc biệt, thiệt hại nhiều nhất là các hợp đồng trọn gói không được điều chỉnh giá”
Ông Hoàng Tiến Triển |
Ninh Toàn
Theo baoxaydung.com.vn