Thứ bảy 14/09/2024 14:20 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Quảng Trị: Thực trạng hệ thống thủy lợi – Những trăn trở đặt ra

22:11 | 27/09/2019

(Xây dựng) - Với thực trạng công trình và công tác quản lý hệ thống thủy lợi trên địa bàn Quảng Trị còn tồn tại nhiều bất cập, những người làm công tác quản lý nói riêng và người dân nói chung không khỏi trăn trở và lo âu mỗi khi cận kề mùa mưa bão. Cùng chia sẻ những băn khoăn ấy, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc trò chuyện với ông Hồ Xuân Hòe - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị.


Ông Hồ Xuân Hòe - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị.

PV: Xin ông vui lòng cho biết hiện trạng hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị?

Ông Hồ Xuân Hòe: Trong những năm qua, được sự quan tâm của Nhà nước và các tổ chức quốc tế, hệ thống hạ tầng thủy lợi trên địa bàn tỉnh từng bước được đầu tư, nâng cấp cơ bản đồng bộ.

Với hệ thống 500 công trình thủy lợi, trong đó có 131 hồ chứa, 221 đập dâng, 157 trạm bơm, 15 cống ngăn mặn, 2.125km kênh mương (đã kiên cố hóa 1315,5km) cơ bản đáp ứng nhu cầu cấp nước sản xuất, dân sinh và một số lĩnh vực khác. (Cụ thể: Đảm bảo tưới trên 85% diện tích gieo cấy lúa 02 vụ trên địa bàn toàn tỉnh với 50.479ha; tưới cho màu, mạ, cây công nghiệp 2.162ha; cấp nước cho 1.975ha nuôi trồng thủy sản; tiêu nước đầu, cuối vụ 7.500ha...).

Hệ thống đê điều với chiều dài hơn 180km (đã kiên cố hóa được 130km) và 72ha rừng cây chắn sóng bảo vệ đê đã phát huy hiệu quả trong việc ngăn mặn, giữ ngọt, chống cát bay, cát lấp, ngăn lũ tiểu mãn, lũ sớm phục vụ sản xuất, đồng thời hình thành các tuyến giao thông huyết mạch phục vụ dân sinh và ứng cứu trong mùa lụt, bão.

Có thể khẳng định rằng với hệ thống hạ tầng thủy lợi như vậy, đã hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi trong vấn đề đa dạng hóa và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từng bước phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao; góp phần nâng cao năng suất, sản lượng, hướng đến thực hiện thành công vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và gắn liền với xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, hiện trạng hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn còn một số vấn đề tồn tại, nhiều công trình được đầu tư xây dựng từ lâu, qua thời gian khai thác sử dụng cùng với việc thường xuyên chịu tác động của mưa lũ dẫn đến ngày càng xuống cấp, nguy cơ mất an toàn ở một số công trình; bên cạnh đó công tác sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng, đặc biệt vấn đề nạo vét, khơi thông hệ thống thủy lợi nội đồng đảm bảo thông thoáng chưa được chú trọng và quan tâm đúng mức đã làm suy giảm khả năng phục vụ của công trình.

PV: Công tác đầu tư xây dựng cũng như nâng cấp hệ thống hồ chứa trên địa bàn thời gian qua như thế nào, thưa ông?

Ông Hồ Xuân Hòe: Như đã phân tích về hiện trạng hệ thống thủy lợi ở trên, trong những năm vừa qua, tỉnh cũng như ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã rất quan tâm và chú trọng trong việc đầu tư, nâng cấp để hoàn thiện hạ tầng thủy lợi, trong đó đặc biệt ưu tiên các hồ chứa. Việc đầu tư xây dựng, nâng cấp luôn được xem xét, cân nhắc đảm bảo phát huy hiệu quả, tiết kiệm, tuân thủ về thứ tự ưu tiên, mức độ cần thiết, cấp bách và tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật về đầu tư xây dựng công trình. Đặc biệt, trong vấn đề nghiên cứu, lựa chọn các giải pháp tối ưu, phù hợp với tình hình thực tế vừa đảm bảo kỹ thuật, vừa đảm bảo kinh tế, phát huy tối đa công năng khi đưa vào vận hành, khai thác.

Kết quả đầu tư một số dự án, công trình nổi bật đã và đang thực hiện trong thời gian gần đây:

Đã sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa: Hồ Đá mài - Tân Kim, Trúc Kinh, La Ngà, Hà Thượng, Triệu Thượng 1, Triệu Thượng 2, Trọt Đâu-Trọt Đen, khắc phục khẩn cấp công trình Nam Thạch Hãn...

Dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập WB8, nâng cấp 12 hồ chứa nước trên địa bàn 04 huyện, đang triển khai thực hiện dự kiến hoàn thành năm 2021 bao gồm: Hồ Dục Đức, Khe Ná, Khóm 2, Cổ Kiềng, Trằm của huyện Vĩnh Linh; hồ Kinh Môn, Đập Hoi 1, 2 của huyện Gio Linh; hồ Km6 của Đông Hà; Đá Cựa; Khe Muồng của huyện Cam Lộ; hồ Tân Vĩnh, Khóm 7 của huyện Hướng Hóa; Hệ thống thủy lợi Ba hồ - Bản Chùa, huyện Cam Lộ: Đang triển khai thực hiện, dự kiến hoàn thành trong năm 2020.

Các hồ, đập sau khi được đầu tư xây dựng, nâng cấp phát huy hiệu quả trong việc cấp nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt... đồng thời đảm bảo vấn đề an toàn công trình và góp phần quan trọng trong việc tăng cường phòng, chống lũ, lụt cho các khu vực hạ du.

PV: Ngành Nông nghiệp tỉnh nhà cũng như bản thân ông có nhũng trăn trở hay băn khoăn gì về thực trạng, hay ứng xử hệ thống hồ chứa hiện nay?

Ông Hồ Xuân Hòe: Trước thực trạng về công trình và công tác quản lý còn tồn tại nhiều bất cập và khó khăn như vậy, ngành Nông nghiệp chúng tôi nhận thấy còn nhiều vấn đề bức xúc, trăn trở, cụ thể một số nội dung chính như sau:

Thứ nhất: Thực trạng về nhu cầu cần nâng cấp, sửa chữa để phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu cấp nước, đặc biệt vấn đề an toàn công trình, trong khi nguồn lực còn rất khó khăn. Vì vậy, đây là một trong những thách thức đối với ngành Nông nghiệp nói chung và lĩnh vực Thủy lợi nói riêng.

Thứ hai: Hệ thống pháp lý về vấn đề an toàn hồ đập đã từng bước được hoàn thiện, theo đó các yêu cầu về đồng bộ triển khai thực hiện ngày càng cao, nhiều nội dung theo quy định cần kịp thời triển khai thực hiện. Cụ thể một số nội dung cần triển khai theo quy định tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ như: Công tác kê khai đăng ký an toàn đập, trang bị hệ thống thiết bị quan trắc công trình đập, hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng trên lưu vực và hệ thống giám sát vận hành hồ chứa, hệ thống thông tin cảnh báo an toàn đập và vùng hạ du... Tuy nhiên, ngân sách Trung ương không hỗ trợ, trong khi ngân sách tỉnh rất hạn chế. Do đó, việc triển khai đảm bảo hoàn thành các nội dung theo quy định là rất khó khả thi.

Thứ ba: Cho đến nay, công tác điều chỉnh, hoàn thiện quy hoạch thủy lợi lưu vực sông và quy hoạch phòng, chống lũ cho các tuyến sông trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được thực hiện do khó khăn về kinh phí, vì vậy dẫn đến rất khó khăn trong công tác quản lý cũng như định hướng đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi đảm bảo khai thác tối đa nguồn nước trong điều kiện thiên tai và biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.


Hạ lưu hồ chứa La Ngà, thuộc địa bàn huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.

Xác định được một số khó khăn, thách thức trong vấn đề quản lý các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục tích cực trong tham mưu chỉ đạo và tăng cường trong tổ chức thực hiện việc phát triển hạ tầng thủy lợi nói chung và các hồ chứa nói riêng đảm bảo phát huy hiệu quả tối đa trong phục vụ sản xuất, dân sinh, công nghiệp và các ngành nghề khác, trong đó tập trung một số nội dung sau:

Chú trọng  trong công tác chỉ đạo, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện các nguy cơ mất an toàn hồ, đập. Báo cáo và đề xuất giải pháp khắc phục, tuyệt đối không để xảy ra trường hợp mất an toàn công trình. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm và chủ động của các tổ chức quản lý hồ đập trong vấn đề đảm bảo an toàn công trình.

Tiếp tục kêu gọi và tranh thủ từ nhiều nguồn vốn (Trung ương, các tổ chức quốc tế, xã hội hóa....) để tập trung đầu tư xây dựng mới và nâng cấp các công trình thuỷ lợi còn lại đáp ứng theo quy chuẩn hiện hành về đảm bảo an toàn.

Tiếp tục chỉ đạo và tổ chức triển khai quyết liệt các nội dung theo quy định, hướng dẫn của Trung ương về vấn đề an toàn công trình.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Hữu Tiến

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load