(Xây dựng) - Năm 1970, Quảng Trị còn trong khói lửa chiến tranh, ấy vậy mà nhà thơ Ngô Kha có một dự cảm đến lạ thường, khi trong trường ca Hòa bình của ông đã có mấy câu thơ “Ta sẽ thấy và nhất định thấy/Một đô thị vàng trên đồi Lao Bảo/Một thị trấn yêu kiều qua nẻo làng Vây”.
Ngày 01/8/1994, Chính phủ ban hành Nghị định số 79/NĐ-CP thành lập thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị trên cơ sở chủ yếu phần diện tích và dân số của xã Tân Phước. Từ đây, Lao Bảo – thị trấn miền núi thuộc khu vực biên giới Việt - Lào chính thức trở thành đô thị và đầu mối quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của huyện Hướng Hóa.
Từ một xã nông nghiệp, nông thôn ngày nào giờ đây Lao Bảo đã hình thành được hình một đô thị với quy hoạch tương đối hiện đại, cơ sở hạ tầng được xây dựng từng bước đồng bộ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao.
Nhìn lại 25 năm, trong quá trình xây dựng và phát triển, có thể khẳng định rằng: Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Lao Bảo đã biết phát huy truyền thống từ chiều sâu văn hóa vững chắc của quê hương Triệu Phước anh hùng (đến lập nghiệp tại Lao Bảo theo chương trình đi xây dựng vùng kinh tế mới sau ngày đất nước thống nhất).
Cùng với sự hòa quyện nhuần nhuyễn, có chọn lọc tinh hoa văn hóa của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô nơi mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng để tạo ra một diện mạo mới cường tráng hơn, hiện đại hơn, là hành trang quý giá để hun đúc, cổ vũ sự phát triển của đô thị mới nơi biên cương, nơi điểm đầu của hành lang kinh tế Đông - Tây vào tỉnh Quảng Trị.
Hơn hai thập kỷ từ quy mô dân số 5.300 người lên trên 13.000 người và tăng gấp gần 3 lần, chủ yếu tăng cơ học, vì vậy đã thu hút nhân dân ở nhiều nơi đến lập nghiệp; hộ nghèo từ 34% năm 1994 giảm xuống còn 5,53% năm 2019 theo tiêu chí mới.
Chuyển dịch và thay đổi cơ cấu kinh tế đúng hướng, biết tranh thủ lợi thế của cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và khu kinh tế thương mại đặc biệt, ngay từ những ngày đầu lên thị trấn, Đảng bộ Lao Bảo đã xác định cơ cấu kinh tế là: Thương mại - dịch vụ - công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và nông - lâm nghiệp.
Từ cơ cấu kinh tế đó đã động viên, cổ vũ nhân dân chuyển đổi từ nông nghiệp sang sản xuất kinh doanh thương mại, dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, đầu tư và liên kết đầu tư mạnh.
Quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế lại được sự định hướng, dẫn dắt của Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 12/12/2006 của Tỉnh ủy (khóa XIV) “Về đẩy mạnh đầu tư, khai thác tiềm năng, lợi thế hành lang kinh tế Đông - Tây đến năm 2010, có tính đến năm 2015” chính vì vậy nên đời sống và bộ mặt đô thị Lao Bảo được thay đổi một cách rõ rệt và đồng bộ, cụ thể là nếu năm 1994 hệ thống đường giao thông nội thị hầu hết đường đất và nhiều tuyến đường chỉ mới quy hoạch, phóng tuyến; chỉ có 3 trường và 1 trạm xá, nhưng cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu và yếu, nhà ở nhân dân mới chỉ có 20 nhà xây có mái bằng, nhưng đến nay cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và các mặt xã hội khác phát triển khá nhanh, hệ thống đường giao thông nội thị được Nhà nước và nhân dân quan tâm đầu tư xây dựng với hàng chục km đường nhựa và bê tông; nhiều tuyến đường khá hiện đại, có vỉa hè, hệ thống công trình thoát nước và hệ thống điện chiếu sáng; nhà ở nhân dân có 20% nhà cao tầng kiên cố, 60% nhà xây cấp 4 khang trang, các thiết chế văn hóa và cơ sở vật chất cho giáo dục được Nhà nước và nhân dân quan tâm đầu tư xây dựng, đã có 12/12 làng xây được nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng; từ chỗ chỉ có 3 trường học từ mầm non đến trung học cơ sở, nay đã có 09 trường học cả công lập và ngoài công lập từ mầm non đến trung học phổ thông với hệ thống trường lớp và cơ sở vật chất khang trang, đồng bộ, từng bước hiện đại, hàng năm huy động trên 99% học sinh trong độ tuổi vào trường học. (Hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở năm 1998 và độ tuổi 5 bậc mầm non năm 2011, hiện đang quyết tâm thực hiện duy trì phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, củng cố vững chắc phổ cập trung học cơ sở và từng bước thực hiện phổ cập trung học phổ thông).
Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách xã hội và công tác hậu phương quân đội được quan tâm thường xuyên và đạt hiệu quả, đã xây dựng 100 nhà ở hộ nghèo, nhà đại đoàn kết, nhà khuyến học, nhà mái ấm biên cương, 20 nhà tình nghĩa, các đối tượng chính sách xã hội không còn nhà rách nát, tạm bợ. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, hiện nay không có hộ đói, hộ nghèo giảm đáng kể.
Đặc biệt, ngày 12/11/1998, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 219/1998/QĐ-TTg ban hành quy chế khu vực khuyến khích phát triển kinh tế và thương mại Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị. Theo đó, đến nay khu vực đã thu hút khoảng 1.663 tỷ đồng đầu tư vào hệ thống kết cấu hạ tầng, tạo lập được hệ thống cơ sở hạ tâng khá đồng bộ, tô thêm sự khang trang cho bộ mặt đô thị Lao Bảo bởi hệ thống đường giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước mặt; Hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội như: Trường học, bệnh viện, sân vận động, nhà thi đấu, nhà văn hóa cộng đồng, đài phát thanh truyền hình, công viên, khu tái định cư; Hệ thống cơ sở hạ tầng dịch vụ công cộng với những công trình bưu điện, khách sạn, nhà hàng, Trung tâm thương mại Lao Bảo, siêu thị, chợ... đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhà đầu tư và đời sống dân sinh tại khu thương mại đặc biệt Lao Bảo.
Ngày 01/8 là ngày “sinh nhật” lần thứ 25 của thị trấn Lao Bảo (8/1994 - 8/2019), chắc rằng cảm xúc người dân nơi đây sẽ dâng trào khó tả, những bậc tiền bối không khỏi bồi hồi nhớ lại những ngày đầu đặt chân lên núi rừng hiểm trở để vỡ đất xây dựng vùng kinh tế mới, họ đánh đổi không chỉ mồ hôi, nước mắt và máu mà bằng cả tính mạng bởi bom mìn chiến tranh chưa nỗ còn sót lại, những cơn sốt rừng giai dẳng... Nhưng họ cũng thật sự tự hào về một Lao Bảo đang chuyển mình hôm nay mà trong đó có sự đóng góp một phần công sức của mình về một Lao Bảo phồn vinh ở miền Tây Quảng Trị.
Hữu Tiến
Theo