Trước nguy cơ các tài liệu Hán-Nôm bị hao hụt, mất mát theo thời gian, thời gian qua, Thư viện tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với Thư viện Khoa học tổng hợp TPHCM thực hiện việc số hóa nguồn di sản quý giá này.
Cán bộ thư viện hướng dẫn cách bảo quản tài liệu Hán-Nôm tại đình làng Điếu Ngao, thành phố Đông Hà. Ảnh: Báo Quảng Trị
Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện còn lưu giữ hàng chục nghìn trang tài liệu Hán-Nôm tại các đình làng, dòng họ, gia đình với nhiều loại như sắc phong, gia phả, địa bạ, khế ước, hương ước, thần tích, bia ký, văn cúng, hoành phi, câu đối, thư tịch cổ, sách về y học, địa lý...
Tuy nhiên, các tài liệu Hán-Nôm trên địa bàn đang đứng trước nhiều thách thức trong việc bảo tồn và phát huy giá trị do các nguyên nhân như thiên tai, hỏa hoạn và ý thức của con người. Bên cạnh đó, phần lớn các di sản này chủ yếu được thể hiện trên các chất liệu hữu cơ như giấy dó, gỗ, vải, lụa... nên qua thời gian, nhiều tài liệu bị mục nát, hư hỏng.
Để bảo tồn nguồn tư liệu quý giá này, các nhà khoa học đã dùng trang thiết bị hiện đại để sao chụp, scan các tài liệu Hán-Nôm, sau đó lưu giữ bằng các phần mềm công nghệ thông tin.
Theo đó, Thư viện tỉnh Quảng Trị đã chọn làm thí điểm tại 3 đơn vị gồm các huyện Triệu Phong, Gio Linh và TP. Đông Hà với 14 xã, thị trấn, phường, 18 làng, 72 dòng họ.
Kết quả đến nay (tính từ ngày 24/6), Thư viện tỉnh đã số hóa được 10.573 file tài liệu Hán-Nôm, trong đó có 78 sắc phong cùng nhiều bộ gia phả của các làng, dòng họ; hệ thống địa bạ hơn 20 tập tư liệu Hán-Nôm (150 trang/tập) ở làng Thủy Khê, xã Gio Mỹ (Gio Linh); hàng trăm trang tài liệu Hán-Nôm khác phản ánh tín ngưỡng, lễ tế, sinh hoạt... ở làng quê Quảng Trị.
Các tài liệu hư hỏng, rách nát đã được đoàn thực hiện phục chế, thao tác kỹ thuật tại chỗ như xịt hóa chất, là ủi, làm phẳng, phơi, sấy nhằm làm cho tài liệu trở lại trạng thái ban đầu. Toàn bộ tài liệu sau khi được số hóa, chỉnh lý, biên mục sẽ được sao chép ra đĩa riêng của từng làng, dòng họ, gia đình có tài liệu, giúp thuận lợi cho việc khảo cứu và lưu giữ một cách lâu dài.
“Tượng thần Siva Nataraja múa” và “Lôi đồng” được phát hiện trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Ảnh: Báo Lào Cai
Lào Cai đề nghị công nhận 2 bảo vật quốc gia
Sở VHTT&DL tỉnh Lào Cai vừa lập hồ sơ đề nghị Bộ VHTT&DL đề cử 2 hiện vật để công nhận là bảo vật quốc gia gồm “Tượng thần Siva Nataraja múa” và “Lôi đồng”.
"Tượng thần Siva Nataraja múa" được phát hiện khi san gạt đất để xây dựng trụ sở Công an huyện Sa Pa. Hiện vật này đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Lào Cai.
Tượng được chế tác bằng đồng thau và là hiện vật gốc mang tính độc bản về loại hình này từ trước tới nay được phát hiện tại Việt Nam. Niên đại được xác định vào khoảng thế kỷ XVIII.
Pho tượng cao 86 cm, gồm ba phần chính là bệ đỡ tượng, thân tượng và vành hào quang lửa. Đường kính vành hào quang lửa 76 cm; chu vi bệ đỡ 92 cm; trọng lượng 27 kg.
"Lôi đồng" được phát hiện tại khu vực bờ hữu ngạn sông Hồng, thuộc phường Bắc Cường, TP. Lào Cai.
Lôi đồng có hình dạng như một bình rượu, cao 35 cm, rộng miệng 20 cm, rộng vai 34 cm, rộng lòng đáy 17 cm; miệng tròn, vành miệng gấp vuông góc, cổ cao, vai cong nhẹ, thân dưới hình trứng. Phù điêu trang trí xuất hiện ở cả phần cổ, vai và thân. Niên đại lôi đồng được xác định vào khoảng thế kỷ III-II trước Công nguyên, tương ứng với niên đại tồn tại của nước Âu Lạc (cách ngày nay khoảng 2.000-2.500 năm)
Theo đại diện Bảo tàng Lào Cai, đây là những hiện vật độc bản, có giá trị đặc biệt.
Theo Thanh Phương/Baochinhphu.vn
Theo